Mô hình trung tâm thương mại đơn chức năng của Parkson từ lâu không còn phù hợp tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Tín

Mô hình trung tâm thương mại đơn chức năng của Parkson từ lâu không còn phù hợp tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Tín

Mặt bằng bán lẻ đến lúc “thay áo mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự bùng nổ của thương mại điện tử, của các mô hình bán lẻ mới theo hướng “one stop shopping”… đã thay đổi thói quen tiêu dùng, buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải thích nghi nếu không muốn bị đào thải.

Từ chuyện thoái lui của Parkson…

Tương tự những lần đóng cửa các trung tâm thương mại trước đó, lần nộp đơn phá sản ở Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua của Parkson Việt Nam gây bất ngờ với người ngoài cuộc bởi sự rút lui của một ông lớn bán lẻ nước ngoài, nhưng với những người trong ngành bán lẻ, nhất là loại hình trung tâm thương mại, sự thoái lui của Parkson là điều được dự báo từ trước.

Đặt chân vào Việt Nam từ năm 2005 với trung tâm thương mại đầu tiên là Parkson Saigontourist Plaza có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM, Parkson đã tạo điểm nhấn và gặt hái nhiều thành công. Sau đó, nhà bán lẻ này nhanh chóng mở rộng thị phần bằng những trung tâm thương mại được vận hành hiện đại, quy củ ở phân khúc trung và cận cao cấp với gần chục điểm bán tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn thăng hoa, đơn vị này bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức do hầu hết trung tâm thương mại của Parkson chỉ phục vụ mua sắm, kén chọn thương hiệu thuê mặt bằng.

Trong khi đó, sự xuất hiện của những đối thủ nặng ký từ cả trong lẫn ngoài nước như hệ thống Vincom, Aeon Mall, Crescent Mall, Vạn Hạnh Mall… với quy mô lớn, hiện đại hơn, đa chức năng hơn đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Khi có nhiều lựa chọn địa điểm kinh doanh, thậm chí là tốt hơn, các nhãn hàng nhanh chóng “quay lưng” với nhà bán lẻ đến từ Malaysia. Kết quả là hiệu quả kinh doanh liên tục đi lùi, buộc Parkson phải tái cấu trúc bằng cách đóng cửa toàn bộ các trung tâm thương mại như Parkson Lê Đại Hành (quận 11), Parkson Paragon (quận 7), Parkson Cantavil (TP. Thủ Đức), Parkson CT Plaza (quận Tân Bình)…

Không chỉ Parkson, nhiều trung tâm thương mại đình đám một thời như Bitexco, Diamond Plaza, Now Zone… hiện cũng trong tình trạng ế khách. Theo giới quan sát, tình trạng ế ẩm, thua lỗ của các trung tâm thương mại truyền thống chỉ một phần vì khó khăn kinh tế chung, còn nguyên nhân chính do không còn phù hợp với xu thế. Đơn cử, trung tâm thương mại Bitexco ngày càng mất sức hút bởi mô hình kinh doanh quá cũ, diện tích nhỏ, không xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu…

… đến cuộc đua tăng trải nghiệm khách hàng

Tình trạng ế ẩm, thua lỗ của các trung tâm thương mại truyền thống chỉ một phần vì khó khăn kinh tế chung, còn nguyên nhân chính do không còn phù hợp với xu thế.

Cho đến thời điểm hiện tại, Parkson vẫn đang vận hành trung tâm thương mại Parkson Saigontourist Plaza, quy tụ khoảng 20 thương hiệu thời trang, làm đẹp lớn trong và ngoài nước như Uniqlo, Muji, Kohnan Japan, Versace, Cross, Pucini, Ohui, Joven… Tuy nhiên, trung tâm thương mại này không có thêm tiện ích nào khác cho khách mua sắm, trong khi vẫn là những thương hiệu đó, khách hàng dễ dàng tìm thấy ở các trung tâm thương mại kiểu mới mà ở đó, họ có thể vừa mua sắm, vừa vui chơi, giải trí, ăn uống…

Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận Cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM, mô hình kinh doanh của Parkson, hay còn gọi là “department store”, đã cho thấy sự thiếu hiệu quả tại thị trường Việt Nam từ gần 10 năm trước.

“Quyết định này của Parkson không phải là điều quá bất ngờ, mà phản ánh đúng thực tế của thị trường bán lẻ hiện tại. Các dự án trung tâm thương mại lúc này không còn quá ưu tiên cho thuê các mặt bằng diện tích lớn. Thay vào đó, họ ưu tiên chào thuê đa dạng ngành hàng, cung cấp đa dạng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng hơn”, bà Quyên phân tích.

Trên thực tế, kinh doanh trung tâm thương mại đang trong giai đoạn chuyển giao gắn với sự thay đổi nhanh chóng nhu cầu tiêu dùng. Hiện tại, tâm lý của người tiêu dùng có xu hướng chọn những nơi có sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ theo mô hình “one stop shopping”, tức là khách hàng có thể trải nghiệm đa tiện ích chỉ tại một trung tâm thương mại.

Với xu hướng mới đó, những trung tâm thương mại đa năng mọc lên ngày càng nhiều tại Việt Nam có thể kể đến là Crescent Mall, Aeon, Vincom, Saigon Co.op… và trở thành điểm đến của người dân thành phố nhờ tích hợp đầy đủ các tiện ích, dịch vụ như khu mua sắm, khu ăn uống, khu vui chơi trẻ em, rạp chiếu phim, phòng tập gym, trung tâm ngoại ngữ…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường cho hay, mỗi tuần ít nhất một lần ông đi dạo trong các trung tâm thương mại đa năng. Nhìn giỏ hàng thì số người thực sự mua sắm không nhiều, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ “không chi tiêu gì”.

“Các trung tâm thương mại kiểu mới có sự kết hợp linh hoạt giữa mua sắm với giải trí, ẩm thực... đã cho thấy sức hấp dẫn. Khi tới các trung tâm này, bên cạnh mua sắm, ăn uống, vui chơi…, khách hàng cũng có thể gia tăng trải nghiệm thông qua nhiều hoạt động thư giãn, tập thể thao…”, vị này nói.

Có thể nói, việc Parkson rút lui khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam là điều tất yếu xảy ra, bởi mô hình trung tâm thương mại đơn chức năng đã quá lạc hậu. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy sự khốc liệt trên thị trường này, bởi lẽ các nhà bán lẻ sẽ luôn phải thích ứng theo hướng ngày càng đa dạng dịch vụ hơn, nắm bắt thị hiếu của khách tốt hơn thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Chẳng hạn, Parkson Hùng Vương (quận 5) - một trong những trung tâm thương mại nổi tiếng được Parkson khai trương năm 2007 và đóng cửa vào năm 2022, sau khi lấy lại mặt bằng cho thuê, Tập đoàn Kido đã chi thêm hàng trăm tỷ đồng để tăng sở hữu tòa nhà Hùng Vương Plaza và dự kiến mở trung tâm mua sắm thứ hai với chiến lược khai thác kinh doanh hoàn toàn mới.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido đánh giá, thất bại của Parkson Hùng Vương chủ yếu do mô hình cũ, không còn hợp với xu hướng hiện nay. Parkson cũng không chú trọng việc cơ cấu tỷ lệ các nhãn hàng, không chú trọng mảng F&B (tiêu dùng nhanh)... nên không thu hút được giới trẻ. Do đó, với Hùng Vương Plaza mới, Kido sẽ chú trọng cơ cấu và đa dạng các dịch vụ.

Theo ông Nguyên, trung tâm thương mại hiện đại không chỉ là nơi mua sắm, mà còn đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí và quan trọng là phải có mức giá phù hợp. Vì thế, cơ cấu của Hùng Vương Plaza sẽ chia theo tỷ lệ mặt bằng, trong đó giải trí chiếm 16% diện tích; ẩm thực là 31%; bán lẻ và dịch vụ là 53%. Hiện tỷ lệ cho thuê đã ký kết đạt trên 80% và dự kiến đến ngày khai trương sẽ đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 90%, với hơn 100 thương hiệu nổi tiếng quốc tế và trong nước.

Theo giới chuyên gia, các mô hình trung tâm thương mại mới không chỉ yêu cầu nhiều hơn về diện tích, dịch vụ đa dạng..., mà còn phải có quy hoạch tích hợp được kênh thương mại điện tử. Tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đạt gần 30%/năm - cao nhất khu vực Đông Nam Á, buộc các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống phải thích ứng nếu không muốn bị đào thải.

Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối Nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam cho rằng, trung tâm thương mại không chỉ là nơi tập trung các gian hàng vật lý, mà còn phải là nơi phát triển thương mại điện tử trở thành một kênh bán hàng, một cánh tay nối dài cho dự án.

“Khách hàng đến trung tâm thương mại mua sản phẩm, nhưng đơn hàng phải được giao về tận nhà, hoặc khách hàng đã chốt đơn online nhưng làm sao phải liên kết được với trải nghiệm hiện có trong trung tâm thương mại”, bà Trang Lê phân tích.

Tin bài liên quan