Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của khối ngoại. Ảnh: Đức Thành

Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của khối ngoại. Ảnh: Đức Thành

Mặt bằng bán lẻ tiếp “mạch cảm hứng“

(ĐTCK) Năm 2018 được xem là năm thăng hoa của thị trường mặt bằng bán lẻ và theo nhiều chuyên gia, năm 2019, phân khúc này sẽ tiếp tục mạch cảm hứng đã có.

Từ những cuộc đổ bộ

Là ngôi sao đang lên, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng thu hút nhiều sự chú ý của các thương hiệu bán lẻ lớn. Các thương hiệu từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Pháp đã thay nhau đổ bộ vào thị trường khó cưỡng và giàu tiềm năng này.

Cuối năm 2014, Berli Jucker Plc (Thái Lan) thâu tóm Metro Cash & Carry Vietnam có giá trị 655 triệu euro, thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất tại thời điểm đó. Đây cũng là màn pháo hoa đầu tiên, khai mở cho cuộc chào sân của hàng loạt ông lớn khác. Sau đó không lâu, Central Group, một ông lớn khác từ Thái Lan cũng thâu tóm Nguyễn Kim - một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam và tiếp theo là BigC.

Đến tháng 10/2015, Emart, nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã chính thức bước chân vào khu Bắc TP.HCM khi ra mắt khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD. Nhiều người cho rằng, Emart đã nhìn thấy tương lai tươi sáng từ thành công của đồng hương - Lotte Mart. Lotte Mart đã khá thành công tại Việt Nam với 11 siêu thị và có kỳ vọng gia tăng thị phần với con số 60 cửa hàng cho đến năm 2020.

Tương tự, phần lớn các nhà đầu tư Nhật Bản xem sự thành công của Aeon tại Việt Nam là một dấu hiệu tích cực đáng ca ngợi cho các dự án đầu tư nước ngoài. Aeon đã mở cửa 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam và tham vọng gia tăng con số này lên 20 vào năm 2020. Đến tháng 7/2016, Trung tâm Thương mại Saigon Centre (TP.HCM) cũng đã chào đón sự có mặt của một thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản - Takashimaya.

Ngành hàng ẩm thực đang bắt rễ tốt ở các trung tâm thương mại 

Sau khi ra mắt thêm 3 cửa hàng Simply Mart tại TP.HCM, AuchanSuper, thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng đang có kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm 2019 tại thành phố này và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

Dân số trẻ, đông và thu nhập nhanh chóng tăng cao đã mang đến sự hào hứng cho các thương hiệu thời trang lớn. Những Gap, Mango, Topshop… đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Đầu tháng 9/2016, Zara đã khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại TP.HCM. Không chỉ Zara, H&M cũng đã hoàn tất thủ tục tiến quân về Việt Nam trong năm 2017.

Nhiều dư địa

Nhìn nhận về xu hướng M&A và triển vọng thị trường mặt bằng bán lẻ thời gian tới, ông Lê Xuân Hoàn, Tổng giám đốc Việt Nam Tập đoàn Kangaroo cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đối mặt với làn sóng M&A khá mạnh. Sự gia nhập của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại sẽ làm thị trường sôi động, buộc các doanh nghiệp trong nước phải vận động hơn, có sự chuyển mình để tồn tại.

“Dù có nhiều áp lực, nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng sở hữu lợi thế nhất định, đó là sự linh động, thích ứng và phản ứng nhanh, hiểu người tiêu dùng trong nước”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Hiện Tập đoàn Kangaroo đã có tới 40.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, là sự kết hợp đa dạng giữa các kênh offline, online. Điểm chung của các điểm bán này là đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu trong bộ tiêu chí lựa chọn địa điểm của doanh nghiệp, gồm vị trí, khu vực dân cư, nhận diện. Trong đó, sự “biến tấu” về mô hình bán hàng cũng rất linh hoạt. Với điểm bán hành gần khu dân cư hiện đại, doanh nghiệp sẽ lựa chọn mô hình hệ thống siêu thị, với khu vực dân cư truyền thống, sẽ là mô hình bán lẻ truyền thống.

Lý giải về tiềm năng và sức hút của thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu, Savills TP.HCM cho rằng, Việt Nam được ghi nhận vẫn còn nhiều tiềm năng cho ngành bán lẻ để phát triển. So với các nước trong khu vực, diện tích bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mở mức thấp, mật độ diện tích bán lẻ trên đầu người tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM lần lượt chỉ ở mức 0,17 m2 và 0,13 m2/người, trong khi tại các thành phố như Jakarta (Indonesia) là 0,44 m2, Singapore 0,75 m2 và Bangkok (Thái Lan) 0,89 m2.

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế ổn định và mức độ đô thị hóa cao, dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn với dân số có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm đến 60%, tầng lớp trí thức và có thu nhập ổn định ngày càng tăng hỗ trợ cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển.

Trong khi đó, theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, dù thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm qua, nhưng tác động của loại hình này trên các trung tâm thương mại truyền thống ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mà hầu hết người mua ở Việt Nam vẫn thích mua sắm tại cửa hàng hơn.

“Người Việt Nam thích đi ra ngoài với bạn bè và gia đình của họ để ăn tối, mua sắm hoặc gặp gỡ nhau và do đó, các trung tâm mua sắm, cửa hàng ăn uống vẫn là một trong những lựa chọn thuận lợi. Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng trở nên năng động hơn, tác động của thương mại điện tử trên các mô hình truyền thống có thể trở nên rõ ràng hơn và các nhà phát triển bán lẻ nên chuẩn bị tốt cho điều đó”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.

Bán lẻ, thương mại điện tử song hành

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện cấp cao CBRE khu vực Đông Nam Á cho rằng, sự thay đổi của thị trường bán lẻ, có sự kết hợp khá mạnh mẽ giữa hai hình thức online và offline. Mặt hàng bán lẻ, ăn uống đang ngày càng tăng trong khi mảng thời trang lại đang giảm ở các khu thương mại, trung tâm thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương. Người dân đang có xu hướng đến trung tâm thương mại không chỉ để mua hàng, nhiều người đến để ăn, xem phim.

Cũng theo các chuyên gia, công thức kết hợp giữa thương mại điện tử và bán lẻ truyền thống đang mang đến một giai đoạn phát triển mới.

Sự phát triển như vũ bão của internet, smartphone cũng như sự cải thiện vượt bậc về hạ tầng thông tin và truyền thông đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Đất nước hình chữ S cũng là một trong những thị trường thương mại điện tử dành cho người dùng cuối (B2C - Business to Customer) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng lũy kế từ năm 2013 - 2017 là 32,3% (theo số liệu của Vietnam e-Commerce and Digital Economy Agency).

Các thương hiệu mạnh nhất hiện nay bao gồm Alibaba (đã thâu tóm Lazada), JD (đầu tư vào Tiki), Shopee (do Tencent rót vốn đầu tư) và cả Amazon vừa đặt chân vào thị trường. Các ông lớn bán lẻ trực tuyến này tang cường độ phủ ở thị trường Việt Nam bằng việc hỗ trợ các chương trình xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. DHL e-commerce vừa xây dựng mạng lưới giao nhận bằng cách liên kết với hơn 100 cửa hàng bán lẻ, gồm cả các cửa hàng tiện lợi và quán cà phê.

Tuy nhiên, theo ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, do tỷ lệ mua sắm trực tuyến tăng cao kéo theo nhu cầu đầu tư cho các ứng dụng công nghệ trong ngành bán lẻ. Hoạt động kinh doanh và tiếp thị sản phẩm thông qua internet sẽ giúp doanh số bán lẻ gia tăng vượt bậc.

Lợi thế này giúp cho các nhà bán lẻ tiếp cận một lượng lớn người mua và giảm chi phí. Tuy nhiên, những lo ngại về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và mức độ dễ sử dụng của phần mềm/ứng dụng là những nhân tố cần được đề cập để gia tăng nhận diện hình ảnh thương hiệu và xây dựng niềm tin của người dùng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan