Công ty bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản, nhưng được phép mua cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh

Công ty bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản, nhưng được phép mua cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh

“Mở cửa” cho bảo hiểm đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi), từ năm 2023, công ty bảo hiểm được quyền tự do đầu tư, kinh doanh, mà chỉ hạn chế một số lĩnh vực rủi ro nhằm bảo đảm an toàn.

Khơi thông dòng vốn bảo hiểm

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2021 ước đạt 577.069 tỷ đồng (tăng 22,24% so với năm 2020). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.223 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.846 tỷ đồng. Điều này cho thấy, số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn liên tục tăng trưởng hàng năm ở mức 2 con số ngay cả thời điểm kinh tế gặp khó khăn.

Tuy lĩnh vực bảo hiểm cũng được nhìn nhận đã và đang đầu tư vô cùng lớn vào nền kinh tế, nhưng hoạt động đầu tư chưa đa dạng do giới hạn bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành từ năm 2000.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đủ lớn mạnh và có sự tham gia của hầu hết tập đoàn bảo hiểm lớn nhất trên thế giới, nên việc ban hành danh mục đầu tư không còn phù hợp. Vì vậy, từ năm 2023, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc “chọn bỏ”, thay vì “chọn cho” như hiện nay.

Một đột phá nữa đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là từ năm 2023 sẽ không cấm đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện về tài chính và quản lý ngoại hối. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập hoặc góp vốn thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài; mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là nội dung rất mới nên Quốc hội giao Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bao gồm cả nội dung này.

Theo quy định mới, kể từ năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm được tự do kinh doanh, đầu tư ngoài những lĩnh vực cấm nêu trên. Song, để bảo đảm an toàn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, trong mỗi lĩnh vực, doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư một tỷ lệ cụ thể để phân tán rủi ro, tránh trường hợp “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Cụ thể, theo Điều 99 - Quy định chung về đầu tư trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác; không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; không được phép đầu tư kim khí quý, đá quý; đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ một số trường hợp có quy định khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cũng không được kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh...

Đảm bảo an toàn là trên hết

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đủ lớn mạnh nên việc ban hành danh mục đầu tư không còn phù hợp. Vì vậy, từ năm 2023, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc “chọn bỏ”, thay vì “chọn cho” như hiện nay.

Hiện nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư, chứ không tới từ hiệu quả kinh doanh bảo hiểm gốc, nên việc quy định mới “mở cửa” cho hoạt động đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi nhuận mới hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Dẫu vậy, là ngành kinh doanh có đặc thù riêng nên quan điểm xuyên suốt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm là đầu tư an toàn.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, trong danh mục đầu tư của BIC, Ban điều hành ổn định đầu tư tiền gửi vào các ngân hàng tốt nhất, tập trung khai thác cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất, đồng thời cẩn trọng hơn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. BIC không tham gia mua trái phiếu của các doanh nghiệp không có mục đích sử dụng vốn rõ ràng.

Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư là một mục tiêu quan trọng, nhưng chỉ tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn và có tỷ lệ sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi.

Trong chiến lược dài hạn đến năm 2025, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cũng xác định sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư để đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, mà vẫn tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng và rủi ro đầu tư để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn...

Không chỉ khối phi nhân thọ, đầu tư sinh lời nhưng phải an toàn cũng là nguyên tắc cao nhất của các doanh nghiệp nhân thọ. Với khối này, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết hạn mức đầu tư đối với mỗi sản phẩm bảo hiểm, ngoài việc phải đảm bảo tuân thủ quy định chung về nguyên tắc đầu tư tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mới.

Chẳng hạn, với bảo hiểm liên kết đơn vị, cơ cấu danh mục đầu tư của mỗi quỹ liên kết đơn vị phải bảo đảm không được đầu tư vào quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trái phiếu chính phủ; không được đầu tư vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trái phiếu chính phủ; tài sản của quỹ liên kết đơn vị không được đầu tư trực tiếp vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý; không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau; không được đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của các công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam...

Tương tự với quy định về đầu tư tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện, tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện không được trực tiếp đầu tư vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý; không được đầu tư vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…

Danh mục và hạn mức đầu tư tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện cụ thể như sau: Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế, nhưng không quá 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện vào một tổ chức tín dụng; mua trái phiếu chính phủ không hạn chế, nhưng không thấp hơn 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ; trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương không vượt quá 25% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ... Tùy vào sự thay đổi của thị trường tài chính và hoạt động đầu tư, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh danh mục và hạn mức đầu tư quy định tại khoản này.

Tin bài liên quan