Chợ nổi là nét đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, thuận lợi cho phát triển du lịch sông nước

Chợ nổi là nét đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, thuận lợi cho phát triển du lịch sông nước

Mở cửa thế giới du lịch sông nước Mê kông

Một trong những nội dung trọng tâm trong Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt năm 2015 là xác định sản phẩm du lịch xanh đặc thù “Thế giới sông nước Mê Kông” (Mekong Water World).     

Thách thức lớn của du lịch vùng đất Chín Rồng

Mekong Water World là sự thể hiện những giá trị cốt lõi của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước, biển đảo Đông - Tây Nam, là kết tinh của quá trình lịch sử lao động sáng tạo của bao thế hệ người đồng bằng, giàu bản sắc văn hóa Nam Bộ, thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hóa lịch sử, tạo ra nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị. “Thế giới sông nước Mê Kông” là một biểu hiện cụ thể của du lịch xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn chưa được đầu tư đúng mức, khai thác chưa có hiệu quả. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phát triển du lịch của  vùng này thời gian qua chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, còn thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa.

Cách làm du lịch ở nhiều địa phương còn nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính khác biệt giữa các sản phẩm du lịch của vùng; các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù của từng địa phương. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững là ba điểm yếu, đồng thời cũng là thách thức lớn nhất khiến cho du lịch vùng đất Chín Rồng khó tạo ra sự bứt phá để vươn lên.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Thời gian qua, liên kết vùng phát triển du lịch được được nhiều tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng và một mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết vùng để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thực sự hiệu quả. Một chương trình liên kết vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng “lợi thế dùng chung” và tạo ra “sản phẩm du lịch xanh đặc thù của vùng” không chỉ là mục tiêu của một đề án, mà còn là mong ước lớn lao của các địa phương và người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Để mở cửa cho “Thế giới sông nước Mekong”, cần sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, cần chọn 3 vấn đề đột phá trong triển khai thực hiện đề án này là: xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch, tạo nguồn lực vật chất đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cần sớm thành lập và đi vào hoạt động Ban Chỉ đạo, điều phối và Văn phòng Ban Chỉ đạo, điều phối phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai thực hiện cá kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình và bước đi phù hợp trong chiến lược phát triển chung của du lịch vùng này.

Cần xúc tiến hình thành Quỹ Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước (đầu tư hạ tầng, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, kinh phí thường xuyên của các bộ, địa phương, Chương trình hành động quốc gia về du lịch…), cần nghiên cứu xây dựng, đề xuất để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển du lịch. Việc hình thành và phát triển nguồn quỹ này phải trên cơ sở gắn bó lợi ích thiết thực của các chủ thể liên quan (tổ chức, doanh nghiệp, người dân…) với lợi ích chung của ngành. Kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “cluster” - cụm ngành du lịch.

Sản phẩm du lịch xanh đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch là 3 trụ cột của ngành “công nghiệp không khói”, gắn bó cộng đồng, không gian du lịch vùng. Sự liên kết thực chất và mạnh mẽ đang được kỳ vọng sẽ giúp mở cửa Thế giới du lịch sông nước Mê kông thời gian tới.

Tin bài liên quan