Mở thị trường chứng khoán phái sinh, nhiều cái khó

Mở thị trường chứng khoán phái sinh, nhiều cái khó

(ĐTCK) Là đầu mối được Bộ Tài chính giao triển khai TTCK phái sinh, lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, đến nay, các công việc chuẩn bị cho mở cửa thị trường đang đi đúng lộ trình, đặc biệt là bài toán hệ thống công nghệ đã cơ bản ổn thỏa... Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho mở cửa thị trường này đang gặp không ít khó khăn.

Bao lâu để TTCK phái sinh phát triển?

Giải đáp mối nghi ngại của các bên liên quan rằng TTCK phái sinh rất mới và phức tạp, nên việc chuẩn bị mở cửa thị trường đang chậm và cần bao lâu nữa để có thể phát triển thị trường này, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) thừa nhận, đúng là TTCK phái sinh rất phức tạp, bởi đây là thị trường bậc cao. Do đó, để các thành viên thị trường hiểu và nắm rõ về thị trường này cần thời gian không thể ngắn, nhưng hy vọng không đến 5 năm…

“Khi triển khai TTCK phái sinh sẽ thu hút được nhiều NĐT chuyên nghiệp, am hiểu thị trường tham gia...”, ông Phong tin tưởng và cho rằng, TTCK phái sinh trong cái nhìn của NĐT nước ngoài là công cụ phòng ngừa rủi ro rất tốt. Do vậy, việc xây dựng và triển khai TTCK phái sinh sẽ giúp NĐT nước ngoài tin tưởng hơn khi đầu tư vào TTCK Việt Nam. Từ đó, sẽ dần có tác động lan tỏa đến các NĐT nhỏ lẻ, giúp dần mở rộng quy mô thị trường.

Điều khá thú vị là khi còn trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ông Nguyễn Thành Long, tân Chủ tịch HNX là một trong những người trực tiếp tham gia hoạch định hệ thống pháp lý về TTCK phái sinh, nay ở vai trò mới, các thành viên thị trường kỳ vọng ông sẽ tận dụng những ưu thế của mình trong góp phần thúc đẩy áp dụng các quy định pháp lý để sớm mở cửa TTCK phái sinh như mong đợi.

Theo ông Long, việc xây dựng TTCK phái sinh, ai cũng nghĩ là cần, bởi hiện chỉ có duy nhất biện pháp để NĐT hạn chế rủi ro là bán chứng khoán. Bởi vậy, khi thị trường giảm điểm, cả NĐT cá nhân lẫn tổ chức đều đua nhau bán tháo.

“Định hướng triển khai các sản phẩm ban đầu trên TTCK phái sinh rất rõ ràng, với hai sản phẩm. Sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu. Vai trò của nhà quản lý, của Sở GDCK là biến một sản phẩm khó, rất phức tạp, rất xa lạ trở thành gần gũi và dễ sử dụng cho NĐT...”, ông Long nói và cho biết thêm, các NĐT chuyên nghiệp trên thị trường trái phiếu đang rất cần Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. HNX sẽ nỗ lực phát triển sản phẩm này để tạo thuận lợi cho NĐT khi sử dụng… 

Cần sự phối hợp của các bên liên quan

Để mở cửa TTCK phái sinh, HNX đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Liên quan đến việc xây dựng sản phẩm Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu, ngoài việc lựa chọn chỉ số do HNX quản lý làm tài sản cơ sở, các bộ chỉ số do Sở GDCK TP.HCM quản lý, hoặc bộ chỉ số chung cho cả hai thị trường cũng là nguồn tài sản cơ sở để có thể xây dựng các hợp đồng tương lai có sức hấp dẫn đối với NĐT. Do đó, cần có cơ chế phối hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán để tạo thuận lợi cho phát triển sản phẩm, công bố thông tin và giám sát giao dịch liên thị trường.

Mặt khác, phương thức thanh toán giao dịch Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 5 năm là chuyển giao vật chất, nên số lượng trái phiếu trong rổ chuyển giao phải tương đối ổn định và đảm bảo đầy đủ khi thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, thực tế trái phiếu chính phủ có thể lựa chọn để thanh toán các hợp đồng tương lai là khá ít và phụ thuộc nhiều vào kế hoạch phát hành của Kho bạc Nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn này, HNX đề xuất Kho bạc Nhà nước cần phối hợp với Sở trong xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm, trong đó có tính đến yếu tố làm tài sản cơ sở để chuyển giao thanh toán cho Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.                   

Tin bài liên quan