Hiện tượng thao túng giá cổ phiếu là có nhưng rất khó phát hiện.

Hiện tượng thao túng giá cổ phiếu là có nhưng rất khó phát hiện.

“Mổ xẻ” cổ phiếu có hiện tượng bị thao túng

(ĐTCK-online) Trong thời gian gần đây, một số bài báo và ý kiến NĐT từ các diễn đàn đã nêu lên hiện tượng làm giá của "cá mập" đang diễn ra trên TTCK. Vậy những biểu hiện bất thường tại một số cổ phiếu có thể được quy kết là hiện tượng thao túng giá hay chưa, chúng ta thử đi sâu phân tích vấn đề này.

Hiện tượng SAM

Những biến động lên xuống với biên độ giao dịch chênh lệch lớn trong phiên đã xuất hiện ở một số mã cổ phiếu trong thời gian gần đây. Thời gian đó, VN-Index đang chuyển động nhấp nhô đi ngang tại vùng kháng cự 500 - 530 điểm. Trong những chuyển động bình thường của thị trường đã xuất hiện những biến động khá bất thường của một số cổ phiếu.

Phiên giao dịch ngày 13 - 14/1/2009, khi hầu hết cổ phiếu trên sàn HOSE đều giảm điểm với khối lượng giao dịch thấp thì một khối lượng mua giá trần đã được tung vào cổ phiếu SAM. Đây là biểu hiện mà nhiều NĐT cho rằng là bất thường đối với phiên giao dịch giảm điểm. Khi thị trường chuyển động nhấp nhô đi ngang với khối lượng giao dịch thấp thì những biến động bất thường rất dễ được nhận biết. Vì lượng mua và bán thường ít nên giá cổ phiếu ít khi đặt ở giá trần hay giá sàn và tâm lý thăm dò làm cho khối lượng giao dịch khá thấp. Vì lẽ đó mà bất kỳ một khối lượng giao dịch lớn nào được đặt giá ATO ngay từ đầu phiên mà không có một thông tin tốt hoặc xấu nào hỗ trợ từ các chủ thể tham gia thị trường, đều có thể coi là những biến động bất thường. Theo tâm lý phản ứng dây chuyền, khi một khối lượng lớn cung cầu xuất hiện thường kéo theo NĐT mua bán theo, điều đó cũng có nghĩa là tạo cung cầu giả trên thị trường, dẫn dắt NĐT mua bán sai lệch.

Hiện tượng một lượng cầu lớn được tung vào đầu phiên không chỉ diễn ra tại cổ phiếu SAM mà còn ở một số cổ phiếu khác như: S96, STP… Phiên giao dịch ngày 18/1/2007, khối lượng cầu lớn này cũng xuất hiện tại cổ phiếu ASM, ANV (HOSE) và VSP (HNX). Việc cổ phiếu SAM tăng liên tục 3 phiên (trong đó 2 phiên kịch trần) vào các ngày 13, 14, 15/1 và kéo giá lên với khối lượng khớp lệnh rất lớn  đang là một câu hỏi lớn đối với NĐT. Trong khi đó, thông tin về giao dịch của CTCP Vật liệu cáp Sài Gòn cũng đang là một dấu hỏi lớn khiến nhiều NĐT băn khoăn. Công ty đã đăng ký xin phép Sở GDCK TP. HCM được phép được bán ra 178.766 cổ phiếu SAM bắt đầu từ ngày 23/11/2009 đến ngày 31/12/2010. Nhưng đến ngày 11/1/2010, Công ty vẫn chưa bán ra được cổ phiếu nào với lý do thị trường biến động. Không biết, sau khi công bố thông tin này, trong thời gian kế tiếp Công ty vẫn được tiếp tục bán ra hay không? Nếu Công ty bắt đầu bán ra trong 3 ngày tăng giá vừa qua thì đó là một vấn đề cần phải xem xét.

Đâu là hành vi thao túng giá?

Quy định tại điều 28, Mục 6 về vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán của Nghị định 36/2007/NĐ-CP, hành vi thao túng giá cổ phiếu TTCK được ghi rõ: là hành vi của các NĐT cá nhân hoặc NĐT tổ chức thực hiện các giao dịch để làm cho mọi NĐT khác hiểu sai lệch về thị trường, tạo ra cung cầu giả tạo, hay việc cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán để thao túng giá chứng khoán. Tạo ra giao dịch vòng tròn, tức là người này bán cho người kia, sau một vòng giao dịch trở về người bán ban đầu, nhưng giữa người bán và người mua đều không thu được lợi nhuận, mà chỉ nhằm tạo ra cho loại chứng khoán đó thường xuyên có giao dịch mua bán trên thị trường. Giao dịch để tạo cho mức giá của loại chứng khoán đó được duy trì ổn định (không tăng, không giảm trên thị trường) được coi là giao dịch nhằm duy trì ổn định giá trên thị trường; giao dịch nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

Như vậy, theo Luật Chứng khoán và các quy định liên quan thì các hành vi mua bán bất thường, không cần thu lợi nhuận bất chính, chỉ tạo ra cung cầu giả lôi kéo mọi người mua bán theo là có thể bị quy vào hành vi thao túng giá trên thị trường. Những hành vi giao dịch đột biến, tạo một lượng cầu hay cung lớn đầu phiên đi ngược với xu thế chung của thị trường đều có thể coi là hành vi thao túng giá. Bởi theo phản ứng dây chuyền (tâm lý bầy đàn) những khối lượng cung cầu lớn đều dẫn đến hiện tượng mua bán theo của các NĐT. Việc mua chặn giá tạo vùng để mua vào cổ phiếu của các tổ chức đầu tư nước ngoài trước đây cũng có thể coi là hành vi thao túng giá trên TTCK Việt Nam.  

Ngày 1/1/2010, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó có quy định chi tiết về các tội phạm chứng khoán. Tội thao túng giá chứng khoán được quy định là phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính lớn, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt từ 2 - 7 năm tù giam. Nhưng với một hành vi đi từ những biểu hiện bất thường, tiếp đó tạo ra những biến động theo ý muốn chủ quan để thu lợi bất chính lại là một quá trình đòi hỏi thanh tra giám sát của UBCK phải có trình độ, kinh nghiệm và am hiều quy luật thị trường. Mặc dù TTCK Việt Nam đã trải qua 10 năm, nhưng xét trên các vụ việc có biểu hiện thao túng thu lợi bất chính thì khả năng giám sát của cơ quan quản lý so với thực tế vẫn còn có một khoảng cách.