Mối lo khủng hoảng sau cuộc sáp nhập siêu ngân hàng Thụy Sĩ

Mối lo khủng hoảng sau cuộc sáp nhập siêu ngân hàng Thụy Sĩ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc giải cứu ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ về cơ bản đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng nổ, nhưng đồng thời cũng có thể kéo theo những thách thức không hề nhỏ. 

Thương vụ Credit Suisse sáp nhập vào UBS đã giúp toàn cầu tránh được một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, đồng thời mang đến những cơ hội tốt giúp nền kinh tế của Thụy Sĩ sớm được hồi phục. Tuy nhiên, quy mô của siêu ngân hàng mới sau khi được sáp nhập có thể là nguy cơ khiến Thụy Sĩ sẽ tiếp tục chìm trong khó khăn vào thời gian tới.

UBS vốn là một trong những ngân hàng lớn nhất tại Thụy Sĩ và vị thế của nó ngày càng tăng cao khi sáp nhập với đối thủ lớn khác đó là Credit Suisse, tuy nhiên vẫn chưa thể biết được về mức độ thành công của thương vụ sáp nhập thế kỷ này.

Giáo sư tài chính Arturo Bris của Trường Kinh doanh Thụy Sĩ IMD nhận định: “Một trong những sự thật được khẳng định rõ ràng nhất trong các nghiên cứu học thuật là việc sáp nhập ngân hàng hầu hết chưa bao giờ thành công”.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng đang cảm thấy lo ngại rằng thỏa thuận sáp nhập mới này sẽ dẫn đến bối cảnh khủng hoảng việc làm tại Thụy Sĩ. Bởi một khi quá trình sáp nhập hoàn tất, số vị trí việc làm chắc chắn sẽ giảm đi nhiều bởi hai ngân hàng này có hàng loạt chi nhánh trên khắp Thụy Sĩ, cung cấp các loại hình dịch vụ giống nhau. Đồng thời, việc có một siêu ngân hàng quy mô rất lớn như vậy có thể làm giảm đi sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính của Thuỵ Sĩ.

Giáo sư Bris của IMD chia sẻ thêm rằng: “Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở thành phố nơi tôi đang sống có vị trí đối diện với chi nhánh của UBS và chắc chắn giờ đây thì một trong hai chi nhánh phải đóng cửa”.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế BAK nhận định, có khoảng 12.000 vị trí ở 2 ngân hàng UBS và Credit Suisse sẽ biến mất.

Những mối đe dọa về khủng hoảng kinh tế - tài chính tại Thụy Sĩ vẫn luôn thường trực kể từ khi thực hiện thương vụ sáp nhập này. Hiện tại, siêu ngân hàng này đang có tổng cộng khoảng 120.000 nhân viên trên toàn cầu, trong đó hơn 37.000 người lao động ở Thuỵ Sĩ, chiếm khoảng 18% lực lượng lao động của nước này.

Về vấn đề việc làm của các nhân viên, Giám đốc điều hành UBS, Ralph Hamers cũng đã phát đi tín hiệu sẽ cắt giảm bớt nhân viên khi tuyên bố ngân hàng này cố gắng giảm 8 tỷ franc (8,9 tỷ USD) chi phí mỗi năm cho tới năm 2027 và 6 tỷ franc (6,5 tỷ USD) trong số đó sẽ đến từ việc cắt giảm nhân sự.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sỹ, Karin Keller-Sutter cho biết, ngân hàng Credit Suisse đã vay của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB, ngân hàng trung ương) khoản tiền hàng tỷ USD để đảm bảo thanh khoản. Bản thân Credit Suisse cũng cho biết, ngân hàng này dự định vay tới 50 tỷ franc Thụy Sỹ (54,35 tỷ USD) từ ngân hàng trung ương nước này để tăng cường thanh khoản.

Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sĩ đã kêu gọi một cuộc điều tra về những sự kiện đã xảy ra tại Credit Suisse, lập luận rằng siêu ngân hàng mới được thành lập này sẽ làm tăng rủi ro cho nền kinh tế Thụy Sĩ.

Sự sụp đổ của một trong những ngân hàng lâu đời nhất tại Thụy Sĩ cũng gây ra cú sốc cho nhiều công dân nước này. Hans Gersbach, Giáo sư kinh tế vĩ mô tại Đại học ETH cho biết: “Credit Suisse là một phần bản sắc của Thụy Sĩ. Ngân hàng này đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước”.

Giả thiết tiếp theo được đặt ra là nếu siêu ngân hàng mới cần cứu trợ, điều mà UBS đã làm trong cuộc khủng hoảng vào năm 2008, thì nguồn lực tài chính của chính phủ Thụy Sĩ có thể sẽ không đủ. Việc tồn tại tổ hợp UBS và Credit Suisse có thể lại là một sự đe dọa lớn đối với kinh tế nước này.

Tin bài liên quan