Mối tương quan giữa dầu và đồng đô la đang thay đổi

Mối tương quan giữa dầu và đồng đô la đang thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi nền kinh tế phát triển, mối quan hệ về giá giữa các loại tài sản có thể thay đổi, nhưng thường theo cách tiến hóa và thầm lặng đến mức các nhà đầu tư mất cảnh giác. Đó là những gì đã xảy ra với giá dầu và đồng đô la. 

Một sự thay đổi trong mối quan hệ lịch sử đang ngày càng lan rộng khắp các nền kinh tế và thị trường toàn cầu và đưa các nhà nhập khẩu dầu ở các thị trường mới nổi vào tình thế đặc biệt khó chịu.

Mối tương quan "mới" giữa đồng đô la và dầu là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực dầu mỏ của Mỹ. Các phương pháp tiếp cận sản xuất mới, đặc biệt là công nghệ khai thác fracking và khoan ngang đã giúp Mỹ chuyển đổi từ một nước nhập khẩu ròng lớn thành một nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên kể từ năm 2017. Từ năm 2019, Mỹ cũng là nước xuất khẩu ròng năng lượng nói chung và nước này cũng trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới vào năm ngoái.

Theo chiều hướng phát triển dài hạn, giá dầu tăng cao sẽ mất dần sức ảnh hưởng tới đồng đô la. Hàng hóa này sẽ khó có thể làm thâm hụt thương mại của Mỹ như trước đây bởi nước này sẽ không phải mất quá nhiều đô la để mua dầu như trước. Có thể nói, mối tương quan giữa giá dầu và đồng đô la đang dần bị đảo lộn, điều này khiến cho giá dầu và đồng đô la trở nên bất ổn hơn.

Trong khi đó, việc trở thành nhà xuất khẩu ròng những hàng hoá quan trọng này có nghĩa là đồng đô la sẽ gia nhập câu lạc bộ “tiền tệ hàng hóa” (commodity currency - tên gọi được đặt cho đồng tiền của các quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô). Ngày nay, tương tự như động lực được thấy ở đồng đô la Canada hoặc krone Na Uy, giá dầu tăng sẽ cải thiện các điều kiện thương mại của đất nước và cung cấp một biện pháp hỗ trợ tiền tệ.

Tuy nhiên, vai trò to lớn của đồng đô la trên thị trường tiền tệ toàn cầu có nghĩa là sức mạnh của chúng tạo ra những gợn sóng toàn cầu lớn và thường không được chào đón. Cụ thể, mối quan hệ giữa dầu mỏ và đồng đô la ngày nay còn gây ra tổn thất lớn hơn cho các nhà nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Họ phải đối mặt với chi phí nhập khẩu cao hơn trong khi đồng đô la mạnh làm suy yếu đồng nội tệ, làm tăng rủi ro lạm phát và ổn định tài chính.

Đợt tăng giá dầu thô mới nhất với việc giá dầu Brent tăng hơn 20% kể từ cuối tháng 6 là do nhu cầu ổn định nhưng có lẽ quan trọng hơn là cảm giác rằng nguồn cung sẽ bị hạn chế trong tương lai gần. Ả Rập Xê Út đã dẫn đầu chiến dịch cắt giảm sản lượng, khi kéo dài việc cắt giảm sản xuất tự nguyện cho đến cuối năm nay nhằm nỗ lực hỗ trợ giá cả. Giá dầu tăng kéo theo sự tăng giá của đồng đô la, khi đó chỉ số DXY của đồng đô la so với các loại tiền tệ chính khác đã tăng hơn 6% từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 10.

Tiền tệ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố - xu hướng về tỷ lệ giữa xuất khẩu và nhập khẩu chỉ là một trong số đó. Trong trường hợp của đồng đô la, sức mạnh gần đây cũng phản ánh sự đóng góp của giá dầu và lo ngại rằng lạm phát của Mỹ sẽ giảm chậm hơn dự kiến ​​trước đây, từ đó gây thêm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Tương quan giữa giá dầu và đồng đô la thay đổi

Tương quan giữa giá dầu và đồng đô la thay đổi

Bộ ba kết hợp của giá năng lượng cao hơn, lãi suất ở Mỹ cao hơn và đồng đô la mạnh hơn là điều mà nhiều quốc gia e ngại nhất vào lúc này. Điều đó đặc biệt đúng đối với các nhà nhập khẩu năng lượng ở châu Á, khu vực mà tốc độ tăng trưởng đang bị thách thức bởi lực cản từ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Hàn Quốc - một trong những nước nhập khẩu dầu ròng lớn nhất thế giới - là một trường hợp điển hình. Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng mạnh nhất trong 5 tháng, chủ yếu do giá hàng hóa tăng. Ngân hàng trung ương đã duy trì lãi suất chính sách ổn định. Trong khi cản trở lĩnh vực sản xuất yếu kém, các quan chức lại tập trung hơn vào việc giảm lạm phát. Trọng tâm đó bao gồm cả chính sách tiền tệ: ngân hàng trung ương khi đó đã can thiệp thường xuyên để ngăn đồng won suy yếu và tăng chi phí nhập khẩu. Chỉ trong tháng trước, đồng won đã mất giá khoảng 2% so với đồng USD mặc dù ngân hàng trung ương đã rút dự trữ ngoại hối khoảng 4 tỷ USD (1% tổng dự trữ ngoại hối).

Mặc dù các nhà đầu tư nên tính đến mối quan hệ cấu trúc giữa đồng đô la và dầu khi xem xét rủi ro của quốc gia, nhưng điều quan trọng cần nhớ là mối tương quan giữa dầu và đô la sẽ vẫn thay đổi trong khoảng thời gian ngắn hơn, tùy thuộc vào yếu tố nào đang chi phối từng loại tài sản. Trong khi câu chuyện hiện tại đang tập trung vào nguồn cung dầu, đặc biệt là trong bối cảnh có khả năng xảy ra sự gián đoạn rộng hơn ở Trung Đông, thì trọng tâm trong thời gian tới có thể dễ dàng chuyển sang nhu cầu giảm nếu tác động chậm trễ của chính sách tiền tệ toàn cầu trở nên thắt chặt hơn.

Nhưng khi giá dầu giảm, mặc dù có thể gây tổn hại đến tình hình thương mại của Mỹ, nhưng có thể không đủ để làm giảm giá trị bền vững và đáng kể của đồng đô la. Điều cũng quan trọng trong lịch sử là liệu các nhà đầu tư toàn cầu có xem rủi ro suy thoái kinh tế lớn hơn là lý do để tăng mức độ nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản của Mỹ như trái phiếu Kho bạc hay không.

Những giao dịch mua trái phiếu Kho bạc thường giúp hỗ trợ đồng đô la trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Điều đó nói lên rằng, tình trạng rối loạn chức năng đang diễn ra của chính phủ Mỹ và những lo ngại về tính bền vững nợ ngày càng tăng có nghĩa là chúng ta nên đề phòng một sự thay đổi mối quan hệ cơ cấu khác có thể xảy ra, lần này là giữa chu kỳ kinh tế và nhu cầu trái phiếu Kho bạc và đồng đô la sẽ phản ánh kết quả.

Tin bài liên quan