Mòn mỏi chờ cổ đông nhà nước thoái vốn

Mòn mỏi chờ cổ đông nhà nước thoái vốn

(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông năm nay, nới room dường như không còn là tâm điểm, thay vào đó câu chuyện về thoái vốn của cổ đông nhà nước được đề cập nhiều hơn. 

Vinachem nắm trên 51% vốn tại 21 doanh nghiệp

Câu chuyện tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) là một trong những ví dụ điển hình cho việc cổ đông nhỏ mong chờ động thái thoái vốn từ cổ đông nhà nước.

Hiện Vinachem đang nắm giữ trên 51% vốn tại 21 doanh nghiệp. Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó có một số doanh nghiệp nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư như CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) và CTCP Pin ắc quy Miền Nam (PAC), CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Bột giặt Lix (LIX), CTCP Bột giặt NET (NET)…

Tại đại hội đồng cổ đông của nhiều doanh nghiệp thành viên của Vinachem vài năm trở lại đây, câu hỏi mà cổ đông thường xuyên được đặt ra với ban lãnh đạo doanh nghiệp là thời điểm nào Vinachem sẽ thoái vốn. Câu trả lời mà cổ đông nhận được thường chỉ gói gọn trong câu: “Chờ quyết định từ Tập đoàn”.

Không khó hiểu vì sao Vinachem chưa thoái vốn vội ở nhóm công ty này. Bởi ngoại trừ Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình đang ngập trong thua lỗ thì hầu hết các thành viên còn lại đều “ăn nên làm ra”, mang về cho Vinachem những khoản cổ tức khá lớn mỗi năm.

Chẳng hạn, CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), theo báo cáo tài chính quý I/2017, BFC đạt doanh thu 1.172 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả quý I/2017 khả quan, ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc BFC cho biết, tỷ lệ cổ tức năm 2017 dự kiến 25%, nhưng Công ty sẽ cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch để trả cổ tức cho cổ đông cao hơn mức dự kiến.

Năm 2016, dù không hoàn thành kế hoạch doanh thu, nhưng lợi nhuận trước thuế của BFC 420 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2015 và vượt gần 14% chỉ tiêu đề ra, HĐQT BFC thống nhất tăng tỷ lệ cổ tức 2016 lên 30%, thay cho kế hoạch 20% đã được duyệt trước đó.

Còn CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM), năm 2016, CSM đạt doanh thu 3.286 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 260 tỷ đồng, vượt 2% so với chỉ tiêu đề ra. Năm 2016, CSM cũng điều chỉnh mức cổ tức lên 23%, thay vì kế hoạch cổ tức 10%...

Trước đó, câu chuyện cổ đông nhà nước nắm giữ tỷ lệ tới trên 90% tại Sabeco hay trên 80% tại Habeco và lần lữa việc thoái vốn nhiều lần được công luận đề cập, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng đến nay, lộ trình thoái vốn của cổ đông nhà nước vẫn chưa có diễn biến mới…

Cổ đông nhà nước vẫn nắm nhiều ghế trong HĐQT

Đó là ý kiến chung của cổ đông khi nói về việc tham gia của nhà nước tại các doanh nghiệp nằm trong diện Nhà nước thoái vốn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của CTCP Pin ắc quy miền Nam (PAC), ngay từ đầu phiên thảo luận, nhiều cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo xung quanh câu chuyện cơ cấu nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty. Theo đó, trong 5 thành viên HĐQT, bao gồm Chủ tịch, có đến 4 thành viên đến từ Vinachem.

Tại Đại hội đồng cổ đông của CTCP Kinh doanh khí miền Nam (PGS), nhiều cổ đông cũng cho rằng, trong cơ cấu HĐQT PGS có 4/5 thành viên đại diện cổ đông lớn nhà nước là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) là quá nhiều. Vị cổ đông lâu năm này cho rằng, PGS cần tập hợp trí tuệ bên ngoài. Bên cạnh đó, HĐQT PGS nên tăng cường thành viên HĐQT độc lập nhằm đưa hoạt động Công ty theo chuẩn minh bạch, vì hiện tại hầu như không có thành viên HĐQT độc lập nào.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty Khí Việt Nam (VGAS), cổ đông công ty mẹ PGS đã thống nhất chủ trương sẽ thoái vốn tại PGS trong năm nay, nhưng thời điểm cụ thể vẫn chưa được thông báo. Trong bối cảnh đó, HĐQT của PGS hiện nay vẫn chủ yếu là đại diện đến từ GAS.           

Tin bài liên quan