“Món quà quý” cho cộng đồng doanh nghiệp

“Món quà quý” cho cộng đồng doanh nghiệp

Một động lực mới cho nền kinh tế, cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ được thiết lập vào ngày hôm nay (12/6), khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua.

Khi bình luận về dự luật này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã không ngần ngại nói rằng, đây sẽ là một “món quà quý” cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng hơn cả một món quà, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một khi được thông qua, với hàng loạt điều khoản về hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, thị trường, thuế, phí, chuyển giao công nghệ…, sẽ tạo động lực không nhỏ thúc đẩy hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, vốn hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển. Mà doanh nghiệp khỏe mạnh và phát triển, thì đó là động lực quan trọng để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển.

Điều quan trọng, Dự thảo Luật không phải được xây dựng theo kiểu “có gì hỗ trợ nấy”, mà là dựa trên khảo sát nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. Bởi thế, nếu Luật được thông qua và đi vào cuộc sống, sẽ không còn những nỗi sợ hãi vì sao doanh nghiệp Việt không chịu lớn, tại sao thành lập nên doanh nghiệp rồi lại để nó èo uột, khó sống.

Với hàng loạt điều khoản, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, nói đúng hơn là sẽ được phục vụ, để đồng hành phát triển cùng đất nước. Không còn chỗ cho nhũng nhiễu, không còn chỗ cho xin - cho. Một Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính - thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cuối tuần qua, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, phần lớn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đề cập đến một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời sẽ làm được điều đó, và không chỉ là những tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, mà còn là trong dài hạn, để tạo nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm nay, mà cả trong giai đoạn sau này.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều đại biểu cho rằng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là điều kiện cần và đủ, thậm chí là điều kiện quan trọng nhất, là nòng cốt để Việt Nam phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ, không phải quá phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là điều kiện cần và đủ, thậm chí là điều kiện quan trọng nhất, là nòng cốt để Việt Nam phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ
Và hẳn nhiên, trong bối cảnh ấy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân chính là một “luồng gió mới” thổi vào những kỳ vọng và nỗ lực xây dựng và phát triển khu vực tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Còn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì thế cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý, hoạch định chính sách lẫn dư luận xã hội trông đợi rất nhiều.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng, tiếp cận tín dụng, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường… Do đó, họ mong muốn có một bộ luật có thể giải quyết tất cả những khó khăn của doanh nghiệp. Khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, những kỳ vọng đó sẽ được hiện thực hóa.

Bởi thế, hôm nay, tất cả đang chờ đợi những bàn tay bấm nút thông qua của các đại biểu Quốc hội. Để cộng đồng doanh nghiệp có một món quà quý. Để nền kinh tế có thêm một động lực mới để vượt qua giai đoạn khó khăn này, tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn sau.

Tin bài liên quan