“Mong Chính phủ thấu hiểu giới kinh doanh hơn”

“Mong Chính phủ thấu hiểu giới kinh doanh hơn”

Doanh nghiệp đang phải vật lộn với những bất ổn kinh tế trong nước và thế giới để duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, vì vậy họ mong khi bộ máy nhân sự ổn định, Chính phủ mới sẽ tìm ra giải pháp gỡ bí.

 

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng như kỳ vọng của họ với Chính phủ.

 

"Chính phủ nên đứng vào vị trí của doanh nghiệp"

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM

 

“Mong Chính phủ thấu hiểu giới kinh doanh hơn” ảnh 1

Tôi mong Chính phủ mới có thể thúc đẩy và tập trung thực hiện việc minh bạch hóa chính sách và luật pháp, tạo sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

 

Khách quan mà nói, bộ máy hành chính của chúng ta mặc dù đã được cải thiện song nhiều nơi tình trạng quan liêu vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, tôi kỳ vọng Chính phủ mới cần phải quyết liệt hơn nữa với công việc này.

 

Chính phủ và những người trong bộ máy quản lý hành chính phải đứng vào vị trí của doanh nghiệp để từ đó thấu hiểu được doanh nghiệp đang làm gì, cần gì, bức xúc điều gì, trên cơ sở đó sẽ có hướng giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Vì suy cho cùng, đất nước chỉ phát triển, Chính phủ chỉ hoàn thành tốt công việc điều hành của mình chỉ khi doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và thành công trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới.

 

“Luật đang quá chồng chéo gây khó khăn cho chúng tôi"

Ông Bùi Văn Khích, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

 

Từ nay đến cuối năm, vấn đề vốn, lãi suất, giá cả và thời tiết mưa nhiều dẫn đến việc khai thác, chế biến than khó khăn. Hiện chúng tôi gặp khó vì vấn đề vốn và chính sách chồng chéo. Cụ thể, phí môi trường quy định 6.000 đồng mỗi tấn than. Vừa rồi UBTV Quốc hội lại thông qua thuế môi trường đánh 20.000 đồng cho mỗi tấn than là chồng chéo.

 

Luật Khoáng sản sửa đổi lại quy định thuế quyền khai thác tài nguyên dự kiến lên tới 5-10% là đánh đố doanh nghiệp. Ngoài ra, tôi cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu chính sách “thâm niên thợ lò”, ưu tiên cho họ nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định chung.

 

Bản thân Vinacomin đang chưa thu hồi vốn từ khoản nợ 1.000 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực (EVN). Điều quan trọng là cần sớm thị trường hóa giá than và điện. EVN phải thanh toán thì Vinacomin mới có vốn để tái cơ cấu, khai thác mỏ mới cấp than cho nền kinh tế. Tôi cho rằng, những chính sách này không chỉ riêng tập đoàn làm được mà mà chắc chắn nhà nước cũng phải có những chỉ đạo để gỡ khó cho doanh nghiệp.

 

Tôi kỳ vọng khi nhân sự mới được thông qua, nguyện vọng của doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu. Chính phủ cần thấy được khó khăn mà doanh nghiệp đầu ngành đang phải đối mặt. Những vấn đề mà tập đoàn và tổng công ty đang khó khăn chắc chắn là sẽ được Quốc hội và Chính phủ tập trung hơn và sẽ có những giải pháp hiệu quả hơn. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng thế.

 

"Không nên so sánh với doanh nghiệp tư nhân vì chúng tôi phải lo trăm thứ bà rằn"

Ông Mai Đức Đề, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam

 

“Mong Chính phủ thấu hiểu giới kinh doanh hơn” ảnh 3

Tôi cho rằng, 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Giá cả đang leo thang, trước kia mỗi chỉ vàng mua được một tấn xi măng thì nay mua được những 4 tấn. Các đơn vị của xi măng đang gặp phải tình trạng nếu tiếp tục đầu tư thì sẽ lỗ rất lớn. Lãi suất ngân hàng thông báo là 18% nhưng thực tế, chúng tôi phải đi vay tới 21-22%. Thử hỏi rằng các doanh nghiệp làm sao có thể có lợi nhuận để bù đắp? Không lẽ thôi không đầu tư?

 

Nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp mới có thể tái sản xuất đầu tư. Vì thực tế, lỗ thì không ai muốn làm.

 

Nhân sự mới của Chính phủ chịu nhiều áp lực. Nhưng chúng tôi mong bộ máy mới mà Quốc hội bầu ra sẽ hiểu doanh nghiệp hơn bởi thực sự chúng tôi đang phải chịu sức ép rất nặng nề. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn hay nhận được những lời so sánh "sao doanh nghiệp FDI họ làm ăn hiệu quả thế", nhưng có mấy ai biết, các doanh nghiệp tư nhân hay FDI làm sao lo được "trăm thứ bà rằn" như doanh nghiệp nhà nước.

 

Các tổng công ty nhà nước phải lo vấn đề an sinh xã hội rất nhiều. Nhân sự trong Chính phủ mới phải làm sao để doanh nghiệp thấy rằng họ được quan tâm, ưu tiên cho phát triển sản xuất kinh doanh. Chúng ta nói nhiều đến việc coi các tổng công ty, tập đoàn nhà nước là cú đấm, bình ổn dẫn dắt thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng và Chính phủ giao phó. Vậy thì Nhà nước phải quan tâm để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 

"Ra sân chơi quốc tế thì phải có tài chính mạnh"

Ông Bùi Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải

 

“Mong Chính phủ thấu hiểu giới kinh doanh hơn” ảnh 4

Ngành hàng hải phải chịu tác động trực tiếp tới sự ảnh hưởng kinh tế thế giới trong suốt 3 năm qua. Chúng tôi tiếp nhận 2.000 lao động từ 5 đơn vị của Vinashin và đã thu xếp nhân sự, cơ cấu lại tài chính lại. Tàu của Vinaline gặp một số chuyện không vui vừa qua cũng đã giải quyết xong.

 

Vấn đề vốn đang được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Vận tải biển đòi hỏi vốn lưu động tương đối lớn, nếu khó khăn về tài chính, vốn không đáp ứng mà lại đi hoạt động kinh doanh trên thương trường quốc tế thì chỉ cần thanh toán chậm hoặc sai ký kết hợp đồng chúng ta sẽ dễ xảy ra việc bắt giữ tàu. Thời gian vừa rồi tài chính của chúng tôi chưa được khỏe nên xảy ra một số việc không vui. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ mới cần có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tập đoàn vay vốn để chúng tôi duy trì được đội tàu hoạt động trên biển quốc tế.

 

Đối với những con tàu không đủ tài chính hoạt động mà phải nằm neo, không hoạt động thì sẽ nguy hiểm. Giá trị một đội tàu tính ra khoảng 6-7 tỷ đôla. Một con tàu chỉ cần dừng hoạt động một năm thì giá trị con tàu có thể mất 30-40%, khôi phục lại sẽ mất chi phí rất lớn.

 

Tôi cho rằng, trong điều kiện hội nhập kinh tế hàng hải, chúng ta phải có đủ hai điều kiện là phải chấp nhận theo luật chơi quốc tế và tài chính mạnh. Trong các giai đoạn trước, vận tải biển chỉ khó khăn từ 6 tháng đến một năm nhưng đến nay thì quá xấu, chúng tôi mong những người đảm nhiệm vai trò lớn trong nhân sự mới của Chính phủ có sự quan tâm chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Cần có giải pháp làm thị trường địa ốc phát triển minh bạch hơn"

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc sàn bất động sản Thế kỷ

 

“Mong Chính phủ thấu hiểu giới kinh doanh hơn” ảnh 5

Chính phủ nhanh chóng ổn định nhân sự của bộ máy quản lý nhà nước các cấp để doanh nghiệp không phải chờ đợi "tân quan tân chính sách".

 

Tôi hy vọng Chính phủ nhanh chóng ổn định chính sách vĩ mô, thể chế và các quy định liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, theo đó, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể hoạch định cho mình những chiến lược phát triển dài hạn, tránh những rủi ro phát sinh do việc thay đổi chính sách hoặc qui định liên quan tới ngành của mình.

 

Trong lĩnh vực bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, cần có sự hài hoà giữa những quy luật của kinh tế thị trường, với những mục tiêu an sinh xã hội. Những chính sách về thuế - công cụ điều tiết chủ yếu của Nhà nước cũng mong muốn được cụ thể, rõ ràng và ổn định hơn. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng sẽ được thực hiện một cách quyết liệt và dứt điểm, góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch và ổn định.