Morgan Stanley đưa ra 3 lý do giải thích tại sao cuộc suy thoái Covid-19 sẽ ngắn

Morgan Stanley đưa ra 3 lý do giải thích tại sao cuộc suy thoái Covid-19 sẽ ngắn

(ĐTCK) Nền kinh tế toàn cầu đang trong một chu kỳ mở rộng mới và sản lượng sẽ trở lại mức tiền khủng hoảng Covid-19 vào quý IV, theo các nhà kinh tế của Morgan Stanley.

“Chúng tôi tự tin cho mô hình hồi phục theo hình chữ V với những dữ liệu tăng trưởng kinh tế đáng ngạc nhiên và các hành động chính sách”, theo nhóm các nhà kinh tế học Morgan Stanley dẫn đầu bởi Chetan Ahya đưa ra trong báo cáo triển vọng công bố vào ngày 14/6.

Dự đoán một cuộc suy thoái mạnh mẽ nhưng ngắn ngủi, các nhà kinh tế cho biết họ kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt mức âm 8,6% trong quý II/2020 và phục hồi lên mức 3% vào quý I/2021.

Morgan Stanley cũng đưa ra lưu ý với 3 lý do tại sao cuộc suy thoái Covid-19 sẽ ngắn. Đó là, đây không phải là một cú sốc nội sinh được kích hoạt bởi sự mất cân bằng lớn, áp lực giảm đòn bẩy sẽ vừa phải hơn, cuối cùng là các hỗ trợ chính sách khá lớn và sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phục hồi.

Các hỗ trợ chính sách từ ngân hàng trung ương và các bộ tài chính bơm tiền vào nền kinh tế sẽ không thể giảm nhanh chóng, báo cáo cho biết thêm.

Trong đó, rủi ro đối với triển vọng kinh tế hiện tại bao gồm sự phát triển của virus và vacxin.

“Trong trường hợp cơ bản, chúng tôi giả định rằng một đợt lây nhiễm thứ hai sẽ xảy ra vào mùa thu, nhưng nó sẽ có thể kiểm soát được và dẫn đến việc phong tỏa có chọn lọc”, theo quan điểm các nhà kinh tế học với kịch bản vacxin có sẵn vào mùa hè năm 2021.

“Ngược lại, chúng tôi giả định trong trường hợp tiêu cực rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt sẽ xảy ra như những gì đã diễn ra trong đầu năm nay sẽ dẫn đến kịch bản thị trường giảm mạnh trở lại sau thời gian hồi phục”, theo báo cáo.

Quan điểm của Morgan Stanley trái ngược hoàn toàn với những quan điểm thận trọng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuần trước cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm hơn dự kiến và vẫn còn bất ổn sâu sắc xung quanh triển vọng hồi phục.

Các trường hợp lây nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh gần đây ở Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại về sự hồi sinh của đại dịch ở Trung Quốc, có thể làm chậm sự phục hồi trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã, Phó thủ tướng Trung Quốc nói rằng rủi ro rất cao cho sự bùng phát ở Bắc Kinh.

Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase do Bruce Kasman dẫn đầu đã nhấn mạnh một rủi ro rằng, nợ công gia tăng và thâm hụt có thể buộc các chính phủ phải đẩy lùi các gói kích thích tài khóa khổng lồ mà họ đưa ra.

“Những thay đổi trong chính sách tài khóa cùng với các hạn chế dự kiến từ ngân hàng trung ương là một yếu tố quan trọng làm cơ sở cho dự báo của chúng tôi về sự phục hồi không hoàn chỉnh của nền kinh tế trong năm 2021”, theo các nhà kinh tế của JPMorgan.

Tin bài liên quan