Các chứng khoán có giá tăng cao bất thường thường có số cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường rất ít.

Các chứng khoán có giá tăng cao bất thường thường có số cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường rất ít.

Một góc nhìn về các cổ phiếu “lạ”

(ĐTCK-online) Kể từ khi niêm yết ngày 17/12, cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn (SQC) đã góp phần đưa P/E bình quân của các cổ phiếu niêm yết ở sàn Hà Nội lên cao. Bởi tính theo mức giá đóng cửa ngày 28/12 là 129.00 đồng/cổ phiếu thì chỉ số P/E dự kiến năm 2009 của SQC ở mức 159 lần, tính trên bình quân gia quyền số cổ phiếu lưu hành là 32,66 triệu cổ phiếu và kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong bản cáo bạch là 25 tỷ đồng (tính theo vốn điều lệ mới là 1.000 tỷ đồng thì P/E là 517 lần).

Cũng theo bản cáo bạch, năm 2010, kế hoạch lợi nhuận của SQC là 300 tỷ đồng; tính trên vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng thì cổ phiếu SQC đang được giao dịch với P/E 43 lần. Một mức P/E cao gấp 3 lần P/E dự kiến của hầu hết cổ phiếu đang niêm yết trên sàn TP. HCM và Hà Nội hiện nay.

Chính vì thế, SQC được xếp vào nhóm cổ phiếu lạ, nhất là khi giá tăng liên tục, từ mức 81.000 đồng/cổ phiếu hôm chào sàn, với tính thanh khoản rất thấp trong 5 phiên giao dịch đầu tiên, 4 phiên gần đây mới tăng lên trên 100.000 đơn vị/phiên.

Không ít người nhận xét, SQC là cổ phiếu bị làm giá. Giám đốc một công ty chứng khoán nói: “Lượng cổ phiếu SQC ngoài thị trường rất ít nên giá SQC chưa phải là giá thị trường”.

Thực tế, một đặc điểm thường thấy ở các cổ phiếu có giá tăng cao bất thường là số cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường rất ít. Điển hình trường hợp này thời gian qua là cổ phiếu của Công ty Vạn Phát Hưng (VPH). Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó các cổ đông nội bộ nắm giữ 90%. Giá cổ phiếu này hôm chào sàn TP. HCM là 36.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng 27 phiên liền, đạt 124.000 đồng/cổ phiếu, rồi giảm dần đều xuống 48.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/12 (ngày 29/12 là 57.500 đồng/cổ phiếu).

Quay trở lại trường hợp SQC. Đây là công ty lớn, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, nhưng đa số cổ phiếu nằm trong tay những cổ đông lớn. Riêng các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, cổ đông là lãnh đạo Công ty đã cam kết nắm giữ từ 1 đến 2 năm khoảng gần 80% vốn điều lệ của SQC. Số cổ phiếu còn lại chủ yếu thuộc sở hữu của cán bộ, nhân viên Công ty.

Một chuyên gia kiểm toán từng làm việc cho công ty kiểm toán nước ngoài lớn nhận định: “Quy định công ty đại chúng là có 100 cổ đông, nhưng số lượng này chỉ có ý nghĩa khi các cổ đông không có mối liên hệ với nhau. Nếu một trăm cổ đông mà lại có mối liên hệ là anh em, bạn bè, người trong công ty thì xét kỹ danh sách cổ đông không có tính đại chúng”.

Nhận xét về các cổ phiếu có P/E cao bất thường, cán bộ cấp cao của một Sở giao dịch cho rằng, những cổ phiếu này làm ảnh hưởng cả thị trường. Một trong những lý do là cổ phiếu có P/E cao, đặc biệt là khi có giá trị vốn hóa cao như SQC, khi đưa vào danh sách cổ phiếu tính P/E chung của thị trường sẽ đẩy P/E của TTCK Việt Nam lên, không cạnh tranh với các thị trường trong khu vực.

Để tính P/E trung bình của cổ phiếu niêm yết trên sàn TP. HCM, các công ty chứng khoán đã phải loại VIC, cổ phiếu có P/E luôn ở mức trên 100 lần ra khỏi danh sách. Có lẽ SQC cũng sẽ bị loại khỏi những cổ phiếu đại diện cho sàn Hà Nội khi tính P/E bình quân nếu tiếp tục được giao dịch ở mức P/E cao như hiện nay.

Xét ở góc độ tiêu chuẩn niêm yết, cổ phiếu như VIC ở sàn TP. HCM hay SQC ở sàn Hà Nội không có vấn đề gì, nhưng xét về chất lượng cổ phiếu niêm yết thì không ít ý kiến cho rằng, đây chưa phải cổ phiếu có chất lượng cao đến mức đáng được giao dịch ở mức giá cao bất thường.

Một số công ty chứng khoán khuyến cáo, giá cổ phiếu bất thường như hiện nay không hẳn vì triển vọng công ty khả quan, mà rất có thể là do bị làm giá. NĐT có thể thu được lợi nhuận lớn trong quá trình cổ phiếu được một thế lực đầu tư nào đó đẩy lên, nhưng khi thế lực đó buông tay thì giá cổ phiếu sẽ sụt giảm. Khi đó, những NĐT mua sau sẽ là người gánh chịu rủi ro nặng nề.