Một số nước châu Á đang dự kiến thu phí du lịch

Một số nước châu Á đang dự kiến thu phí du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành du lịch của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương được các chuyên gia đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Hiện một số điểm đến nổi tiếng đã lo ngại tình trạng quá tải khách du lịch, vì vậy họ đang cân nhắc việc thu phí du lịch.

Theo Euronews: Trong suốt đại dịch Covid-19, các hội đồng du lịch trên khắp thế giới đã thử nghiệm chính sách nhập cảnh có chọn lọc. Giờ đây, trong kế hoạch phục hồi doanh thu, chống tình trạng quá tải và bảo vệ môi trường đã cho thấy có tâm lý chất lượng hơn số lượng.

Các quốc gia ủng hộ khách du lịch "chất lượng" đã triển khai theo các cách thức tiếp cận khác nhau.

The Korea Times cho biết, đảo Jeju của Hàn Quốc đang dự tính áp đặt phí nhằm tìm cách hạn chế sức ép về vệ sinh và môi trường do quá tải lượng khách du lịch. Du khách dự kiến sẽ phải trả trung bình 8.170 won (6,2 USD) mỗi ngày để vào Jeju, bao gồm phí lưu trú trên đảo là 1.500 won cho mỗi đêm. Những người thuê xe hơi sẽ bị tính thêm 5.000 won còn thuê xe mini van là 10.000 mỗi ngày. Khách du lịch thuê xe buýt sẽ bị tính 5% phí thuê.

Chính quyền ở đảo Jeju cho biết, các khoản phí này đang được xem xét. Nếu được thông qua tại Quốc hội Hàn Quốc, các khoản phí này sẽ bổ sung 141 tỷ won vào Kho bạc của chính phủ sau năm đầu tiên và 167 tỷ won trong năm thứ hai.

Tuần trước, Thống đốc Jeju Oh Young-hun đã phát biểu tại hội đồng tỉnh rằng, việc áp dụng thu phí đang được lên kế hoạch rất cẩn thận để có thể thu hút sự ủng hộ của người dân trên khắp Hàn Quốc.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, quá trình này sẽ không thuận lợi, không hề dễ dàng và có thể sẽ vướng phải sự phản đối của dư luận. Ông cũng đang theo dõi sát sao các phản ứng từ chính quyền trung ương, Quốc hội, các doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan báo chí về biện pháp này. Trước mắt, động thái này dường như không được tất cả người dân Hàn Quốc hoan nghênh.

The Korea Times cho biết, chính quyền Jeju từng cố gắng áp đặt một khoản phí nhập cảnh vào hồi năm 2012, nhưng đã vấp phải sự phản đối của người dân. Vào tháng 8/2022, chính quyền của hòn đảo cũng đã yêu cầu Viện Môi trường Hàn Quốc, một cơ quan nghiên cứu do nhà nước điều hành, tiếp tục nghiên cứu tính khả thi của việc triển khai thu phí vào đảo. Động thái của Jeju diễn ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Hawaii, Mỹ cũng đang cân nhắc về khoản "phí xanh" 40 USD hoặc 50 USD đối với khách du lịch để bảo vệ tốt hơn tài nguyên thiên nhiên của Hawaii.

Cũng tại châu Á, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, Sandiaga Uno, cho biết việc chính phủ đang xem xét việc đánh thuế du lịch, hy vọng quá trình nghiên cứu sẽ sớm hoàn tất để có thể đưa ra thảo luận và quyết định vấn đề này.

Trong khi đó, giới kinh doanh lo ngại việc thu phí sẽ làm giảm lượng khách du lịch tới Indonesia. Điều này gây tổn hại lớn cho ngành du lịch, đặc biệt là khi ngành này chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

The Guardian cho biết vào đầu tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư, Luhut Pandjaitan, cũng từng kêu gọi thu phí du lịch đến Bali. Ông cho rằng, thiên đường nghỉ dưỡng cần chuyển hướng khỏi du lịch đại trà mà nên tập trung vào việc xây dựng hình ảnh thành điểm đến chất lượng, văn minh. Ước tính mỗi năm, Bali thu hút 6,2 triệu lượt khách nước ngoài. Theo đó, ngành du lịch đóng góp khoảng 60% cho nền kinh tế của hòn đảo này.

Thái Lan cũng đã chính thức thông qua quy định về thu khoản lệ phí du lịch đối với du khách quốc tế nhập cảnh vào Thái Lan kể từ ngày 1/6 tới.

Theo Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn, khoản phí này đa phần sẽ dùng để trang trải chi phí bảo hiểm và chăm sóc y tế cho các khách du lịch. Điều này cũng nhằm bảo vệ an toàn, quyền lợi cho du khách khi đặt chân đến Thái Lan.

Theo thông tin chính thức từ chính phủ Thái Lan, mức phí áp dụng khách du lịch quốc tế lần lượt là 150 baht và 300 baht. Trong đó, du khách di chuyển bằng đường hàng không thì phải chịu mức phí cao hơn là 300 bath, còn du khách đến Thái Lan bằng đường bộ thì sẽ chịu mức phí thấp hơn chỉ 150 baht.

Lý giải cho sự chênh lệch giá trên, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết, mức phí rẻ hơn đối với những người đến bằng đường thủy hay đường bộ vì họ có thể chỉ ở lại đất nước trong ít ngày. Trong đó, những khách chỉ ở Thái Lan trong một ngày và không ngủ lại qua đêm thì sẽ được miễn lệ phí này.

Tuy có ảnh hưởng đôi chút về mức giá vé và dịch vụ của các công ty lữ hành, nhưng việc làm này đã được nhà chức trách Thái Lan cân nhắc từ lâu. Sau hai năm bị trì hoãn vì dịch Covid-19 thì giờ đây, quy định này sẽ chính thức được thực hiện. Trước đó, Thái Lan cho biết đã thu về khoảng 1 triệu baht/ngày (hơn 29.000 USD/ngày) tiền phí tham quan từ khách du lịch đến quần đảo Phi-Phi.

Cục Công viên quốc gia, động vật hoang dã và bảo tồn thực vật trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cho biết, số tiền phí trên được tính kể từ khi hệ thống vé điện tử bắt đầu được đưa vào vận hành từ tháng 7/2022.

Bà Rakchanok Paenoi, Giám đốc Công viên quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu Ko Phi-Phi, cho biết, doanh thu phí vào cửa nhờ bán vé điện tử đã tăng khoảng 20 - 30% lên trung bình 1 triệu baht/ngày, hay tổng cộng 137 triệu baht kể từ khi hệ thống bán vé điện tử được đưa vào vận hành.

Phí du lịch vốn đã tồn tại từ rất lâu ở một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bỉ, Đức… như là một cách để các địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và bảo tồn văn hóa. Tại Bhutan, loại phí du lịch này còn cao gấp đôi Thái Lan, khoảng 20 euro (tương đương 510.000 đồng). Ở Malaysia, phí du lịch là một khoản phí cố định và được áp dụng cho mỗi đêm lưu trú của du khách. Khoản phí này thường không vượt quá 4,3 USD/đêm.

Năm 2022, Maldives, nơi được coi là "thiên đường nghỉ dưỡng", đã áp dụng mức phí mới đối với tất cả các người muốn rời khỏi quốc gia này, bao gồm cả người dân địa phương. Mức phí thu phụ thuộc vào hạng ghế trên máy bay của khách, chẳng hạn như hạng phổ thông là 30 USD, hạng thương gia là 60 USD và hạng nhất là 90 USD. Tương tự ở Nhật Bản, du khách đến Nhật Bản phải trả 8,4 USD khi họ đến đất nước.

Tin bài liên quan