Một thị trường tăng giá mới của Mỹ đang diễn ra, liệu xu hướng này có thể kéo dài?

Một thị trường tăng giá mới của Mỹ đang diễn ra, liệu xu hướng này có thể kéo dài?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong vài tháng trước, thị trường tài chính đã bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, lạm phát và viễn cảnh lãi suất tăng nhanh. Tháng 1 đến tháng 6 năm nay là nửa đầu năm tồi tệ nhất đối với cổ phiếu Mỹ trong hơn 5 thập kỷ.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 21% trong khi chỉ số Nasdaq giảm 32% trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 6, thị trường đã có một sự hồi phục đáng chú ý. Chỉ số Nasdaq đã tăng hơn 20% từ mức thấp và chính thức bước vào thị trường tăng giá. Chỉ số S&P 500 đã tăng 17% và đang tiến tới vùng tăng trưởng. Liệu thị trường có thể tiếp tục đảo lại hay không?

Tin tốt là xu hướng hồi phục của thị trường đang được củng cố bởi tin tốt. Báo cáo lợi nhuận gần đây cho thấy, người tiêu dùng Mỹ vẫn đi mua sắm trong quý II. Chỉ số tâm lý của người tiêu dùng đang tăng lên. Mỹ đã có thêm 530.000 việc làm trong tháng 7 và đáng ngạc nhiên hơn là giá tiêu dùng không tăng so với một tháng trước đó.

Diễn biến thị trường nửa đầu năm 2022 vẫn chưa cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống tài chính. Bên cạnh những đợt sụt giảm trong lĩnh vực tiền điện tử, nền tài chính Mỹ cho đến nay đã chứng minh được khả năng phục hồi.

Cách giải thích xu hướng tăng là giả định rằng một cuộc hạ cánh mềm đang diễn ra. Điều này có nghĩa lạm phát sẽ giảm xuống mà không làm lệch tốc độ tăng trưởng kinh tế, và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thậm chí có thể không cần tăng lãi suất quá nhanh. Kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát, ngay cả trong năm tới đã giảm mạnh.

Định giá thị trường cho thấy Fed có thể sẽ tăng lãi suất với tốc độ nhẹ nhàng hơn so với dự kiến ​​hồi đầu mùa hè, trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 5. Các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall kỳ vọng các công ty sẽ tương đối ổn định và không có sự sụt giảm đáng kể về thu nhập trong năm nay.

Tuy nhiên, còn quá sớm để thở phào nhẹ nhõm. Lạm phát còn lâu mới bị đánh bại. Chỉ số giá tiêu dùng không tăng trong tháng 7 chủ yếu do chi phí năng lượng giảm, bao gồm cả xăng dầu. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực và năng lượng là 3,7% hàng năm vào tháng 7 - cao hơn nhiều so với phạm vi mục tiêu của Fed. Hơn nữa, những con số việc làm ấn tượng đi kèm với tốc độ tăng lương nhanh chóng, cho thấy áp lực giá cơ bản có thể không giảm dễ dàng như vậy.

Trong khi đó, báo cáo lợi nhuận của các công ty không phải là tất cả đều màu hồng. Mặc dù các nhà đầu tư đón nhận tin tức về báo cáo mạnh mẽ từ nhiều công ty, họ cũng đã bỏ qua những báo cáo từ các doanh nghiệp không có sự tăng trưởng.

Alphabet đã báo cáo doanh thu và thu nhập thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Alphabet đã tăng gần 8% sau tin tức này.

Và các mối đe dọa đối với thu nhập hiển hiện ở phía trước. Việc Fed tăng lãi suất vẫn chưa có tác dụng đầy đủ. Ngay cả khi những người mua sắm Mỹ cho đến nay vẫn không hề bối rối, thì phần còn lại của thế giới đã phải chùn bước. Sự phục hồi của Trung Quốc sau vụ các đợt phong tỏa do Covid-19 còn mờ nhạt; tăng trưởng trong cả doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp đều giảm so với dự báo của các nhà kinh tế trong tháng 7. Châu Âu vẫn đang ở trong cơn khủng hoảng năng lượng.

Lịch sử đưa ra một lưu ý về sự thận trọng. Hầu hết các đợt suy thoái thị trường trong quá khứ đều bao gồm nhiều đợt phục hồi ngoạn mục trong một “thị trường con gấu” trước khi giá cổ phiếu tiếp tục cuộc tuần hành đi xuống. Trong giai đoạn bong bóng dotcom nổ ra, chỉ số Nasdaq đã giảm một phần ba giá trị từ tháng 3 đến tháng 4/2000 trước khi tăng hơn 20% để bước vào một thị trường tăng giá mới.

Lần này tất nhiên có thể khác. Nhưng để điều đó xảy ra, tin tốt phải tiếp tục đến.

Tin bài liên quan