Một Việt Nam vượt trội

Một Việt Nam vượt trội

0:00 / 0:00
0:00
Là một người Anh, đã sinh sống, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, tôi có thể nhìn nhận và đánh giá Việt Nam vượt trội so với các nước khác ở một khía cạnh nào đó.

Hành trình diệu kỳ

Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1995, đất nước hình chữ S này vẫn bị đánh giá là quốc gia kém phát triển, theo những tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều quốc gia nghèo mà tôi đã đến thăm trước đây đem lại cho tôi ấn tượng là tương đối lộn xộn, vô tổ chức và không an toàn.

Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp hoàn toàn ngược lại: tinh thần làm việc, tính tổ chức, tham vọng và tinh thần cộng đồng của người Việt đều rất mạnh mẽ và có nhiều điểm đáng học hỏi. Hồi đó, tôi đã dự đoán rằng, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước phát triển và công nghiệp hóa.

26 năm sau, thật đáng mừng khi được tận mắt chứng kiến hành trình diệu kỳ của Việt Nam vươn lên và nỗ lực để trở thành nước phát triển. Sự thay đổi từ ngưỡng tương đối nghèo trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình không chỉ thể hiện bằng những tòa nhà chọc trời, những thành phố náo nhiệt hay khu văn phòng đầy ắp những tên tuổi của các tập đoàn lớn, mà còn về chất lượng sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Ông Colin Blackwell, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)

Ông Colin Blackwell, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)

Khi thành công kinh tế của Việt Nam diễn ra nhanh chóng, nhiều người Việt Nam vẫn đánh giá thấp mức độ tiến bộ của họ.

Là một người Anh đã sinh sống, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, tôi có thể nhìn nhận và đánh giá Việt Nam ở một góc độ khác, ở một khía cạnh nào đó có thể so sánh với các nước khác. Điều tôi thấy là, Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà ngày càng vượt lên và trở thành quốc gia phát triển trên nhiều khía cạnh, cũng như là một trong những nơi đáng sống nhất thế giới.

Công việc của tôi (trước kia tôi là giám đốc nhân sự của một số công ty, tập đoàn đa quốc gia) buộc tôi phải đọc nhiều báo cáo, cả trong nước lẫn quốc tế, và thuyết phục các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ngoài tình cảm cá nhân tôi dành cho Việt Nam, tôi cũng tìm hiểu những báo cáo, có những bằng chứng rõ ràng về việc Việt Nam là điểm đáng đến, đáng sống và đáng đầu tư như thế nào.

Khi tôi đưa những danh sách này cho các đồng nghiệp người Việt xem, chính bản thân họ cũng rất ngạc nhiên. Vì vậy, hãy để tôi chia sẻ một số điểm nổi bật ở đây.

Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP rất ấn tượng, thì sự phân bổ của cải trên toàn xã hội thậm chí còn nhiều hơn thế. Việt Nam có tốc độ tạo ra của cải nhanh nhất thế giới trong 20 năm qua. Không chỉ vậy, người Việt Nam còn được dự báo sẽ có mức tài sản cao nhất toàn cầu trong vòng 20 năm tới. Do vậy, phần lớn dân số Việt Nam sẽ sớm trở thành tầng lớp trung lưu.

Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn, được quốc tế hóa nhiều nhất trong lịch sử thế giới, theo các thước đo ngoại thương của Ngân hàng Thế giới so với nền kinh tế nói chung.

Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển toàn diện trong vòng 25 năm tới. Không chỉ vậy, Việt Nam sẽ còn là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới.

Một chỉ số quan trọng là tiềm năng nguồn nhân lực của Việt Nam. Hệ thống PISA đo lường điểm số đạt được trình độ học vấn của các môn học chính ở độ tuổi 15 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố cũng nhiều lần xếp học sinh Việt Nam vào nhóm có điểm số cao hàng đầu thế giới, vượt qua các quốc gia như Hoa Kỳ và Anh.

Các chỉ số này có ý nghĩa quan trọng cho hiện tại và tương lai của đất nước trên con đường vươn tới trở thành nền kinh tế phát triển mà không mắc phải bẫy thu nhập trung bình như các quốc gia khác.

Về công nghệ, năm ngoái, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới có đủ năng lực sản xuất thiết bị 5G. Bên cạnh đó, Việt Nam có tỷ lệ sở hữu thiết bị tiêu dùng kết nối trí tuệ nhân tạo cao thứ hai trên thế giới.

Trong đại dịch gần đây, tôi được nghỉ ngơi nhiều hơn, dành nhiều thời gian ở Việt Nam và quan sát được nhiều hơn. Ngôi chùa lớn nhất, cáp treo dài nhất - tất cả đều là trái ngọt của thái độ cầu thị, lạc quan, một nền kinh tế sáng tạo rất “made in Vietnam”. Đối với một người nước ngoài, những sự thay đổi, dù nhỏ hay lớn, đều tượng trưng cho sự tự tin của người Việt.

Tiềm năng của Việt Nam

Tất cả sự tích cực và nền kinh tế tăng trưởng năng động này đã thúc đẩy quy mô tổng thể của nền kinh tế Việt Nam vượt qua các quốc gia trong khu vực, như Philippines, Malaysia và Singapore trong năm 2020. Khi nói chuyện với bạn bè ở những nước này, phản ứng của họ đều gói gọn trong từ “ngạc nhiên”. Những bình luận mà tôi nhận được thường xoay quanh câu hỏi: “Làm thế nào mà Việt Nam lại làm được?”.

Bất cứ khi nào tôi có dịp phát biểu hoặc tham gia hội nghị trực tuyến ở các nước khác, tôi luôn nhận được câu hỏi rằng, Việt Nam đang làm gì để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế? Tôi luôn đưa ra lý do là ở đó có một nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ và ngày càng có trình độ cao, tầm nhìn dài hạn của bộ máy lãnh đạo và một môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp thành công.

Ở Việt Nam, tuyến đầu chống dịch không chỉ là bệnh viện hay hệ thống y tế như nhiều quốc gia khác, mà còn có sự tham gia tích cực của lực lượng an ninh - họ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng là kiểm soát biên giới và truy tìm dấu vết.

Nhiều bạn bè của tôi từng cười và không tin vào dự đoán của tôi vào năm 1995, rằng Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành tựu trong 2 thập kỷ tới. Tôi đã đúng khi nhìn thấy tiềm năng từ nhiều năm trước. Tôi chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển toàn diện trong vòng 25 năm tới. Không chỉ vậy, Việt Nam sẽ còn là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới, một quốc gia đứng đầu trong nhiều bảng xếp hạng hay các chỉ số quan trọng.

Tin bài liên quan