Licogi 14 ghi nhận khoản lỗ hơn 234 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Licogi 14 ghi nhận khoản lỗ hơn 234 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Mùa báo cáo kém vui của ngành địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý II/2022 của nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản cho thấy lợi nhuận suy giảm mạnh.

Thua lỗ, giảm mạnh lợi nhuận

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR), chủ đầu tư siêu dự án nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina (Cái Giá, Cát Bà) tiếp tục báo lỗ 5,75 tỷ đồng trong quý II. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty lỗ hơn 9,27 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên con số gần 246 tỷ đồng.

Vinaconex ITC thuyết minh, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng lên trong khi Công ty không ghi nhận được doanh thu. Tính đến cuối tháng 6/2022, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang và chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận cho dự án Cái Giá là hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm.

Bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm của Vinaconex ITC khác xa so với kế hoạch Hội đồng quản trị Công ty trình đại hội cổ đông thông qua hồi tháng 3. Cụ thể, mục tiêu năm nay của Công ty là đạt doanh thu 506,45 tỷ đồng, tăng 518% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 83,97 tỷ đồng, đột phá so với mức lỗ 7,11 tỷ đồng trong năm ngoái.

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) báo lỗ 114,28 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 84,84 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán.

Nhà Đà Nẵng bắt đầu tham gia đầu tư tài chính từ năm 2010 nhưng nhiều năm liền không có lãi từ hoạt động này. Mảng bất động sản của Nhà Đà Nẵng trong giai đoạn này vẫn ổn định với doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2018 - 2021, mảng kinh doanh chứng khoán mới bắt đầu mang về cho doanh nghiệp khoản lãi vài chục tỷ đồng/năm.

Cũng từ thời điểm này, hoạt động kinh doanh chứng khoán đóng góp nguồn thu chính cho Công ty, còn mảng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng không đáng kể. Bên cạnh đó, với lượng tiền gửi ngân hàng trên 1.000 tỷ đồng duy trì từ năm 2019, Công ty có thêm vài chục tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay ở mỗi quý.

Tuy nhiên, kể từ đầu quý II/2022 tới nay, thị trường chứng khoán lao dốc, Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu, trong khi mảng bất động sản không phát sinh nguồn thu, Nhà Đà Nẵng lần đầu báo lỗ kể từ khi lên sàn niêm yết.

Thị trường chứng khoán lao dốc cũng là nguyên nhân khiến Công ty cổ phần Licogi 14 (mã L14) lỗ hơn 346 tỷ đồng trong quý II. Mặc dù mảng xây lắp, bất động sản vẫn ghi nhận doanh thu gần 88 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp cũng tăng gần 17%, nhưng mức tăng trưởng này không bù đắp được chi phí tài chính phát sinh (dự phòng giảm giá đầu tư tài chính 379,6 tỷ đồng) do giá trị danh mục đầu tư chứng khoán suy giảm mạnh.

Với kết quả này, Licogi 14 ghi nhận khoản lỗ hơn 234 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Licogi 14 từng là hiện tượng của thị trường trong hoạt động đầu tư cổ phiếu, phần vì doanh nghiệp này phân bổ tỷ trọng lớn vào đầu tư chứng khoán, phần khác là do những tài khoản mạng xã hội cùng tên với thành viên Hội đồng quản trị thường xuyên khuyến nghị nhà đầu tư mua những mã trong danh mục đầu tư của Công ty. Việc khuyến nghị này từng khiến các cổ phiếu tăng phi mã.

Phần lớn doanh nghiệp địa ốc niêm yết đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022, nhưng lên kế hoạch là một chuyện, thực hiện kế hoạch đó như thế nào lại là chuyện khác.

Điểm đáng chú ý, trong các kỳ đại hội cổ đông vừa qua, phần lớn doanh nghiệp địa ốc niêm yết đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022, nhưng lên kế hoạch là một chuyện, thực hiện kế hoạch đó như thế nào lại là chuyện khác.

Việc thiếu hụt dòng tiền kinh doanh kể từ khi chính sách tín dụng thắt chặt bên cạnh chi phí nguyên liệu đầu vào tạo ra khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) ước tính trong 6 tháng đầu năm lãi 180 tỷ đồng, chỉ đạt chưa đến 10% so với con số lợi nhuận 1.900 tỷ đồng kế hoạch năm nay.

Trong thư gửi cổ đông về dự kiến kết quả kinh doanh quý II/2022, DIC Corp trình bày năm 2022 là năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành bất động sản nói riêng.

Trong đó, các thách thức nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt như xung đột Nga – Ukraine, chuỗi cung ứng đứt gãy, lạm phát toàn cầu gia tăng buộc các nước đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khoá và tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát; chính sách Zero Covid của Trung Quốc...

“Với Việt Nam, kinh tế khởi sắc nhưng hàng loạt yếu tố tác động tới thị trường bất động sản như thị trường trái phiếu bị rà soát, đóng room tín dụng bất động sản, nguồn nguyên liệu cho thi công rất thiếu do tập trung cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đồng thời, các thủ tục pháp lý bị ách tắc do ảnh hưởng của công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm, xử lý các nhân sự sai phạm”, DIC Corp cho biết.

Những điểm sáng hiếm hoi

Theo quan sát của người viết, tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có một vài doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng đột biến. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển Bình Dương (mã TDC) báo lợi nhuận ròng quý II/2022 đạt 131 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, do quý I thua lỗ nặng, lợi nhuận ròng lũy kế 6 tháng chỉ còn gần 22 tỷ đồng, giảm 37% so cùng kỳ.

Đáng nói, lợi nhuận đột biến trong quý II/2022 của TDC lại không đến từ kinh doanh bất động sản, mà đến từ hoạt động thanh lý tài sản. Ngoài ra, Công ty bất ngờ ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến, lên tới 86,73 tỷ đồng, tuy nhiên, khoản này không được thuyết minh chi tiết.

Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành báo cáo lợi nhuận tăng trưởng trong nửa đầu năm nay nhờ mảng lõi (tính tới thời điểm cuối tuần qua).

Cụ thể, 6 tháng, Công ty đạt 1.479 tỷ đồng doanh thu và 869 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 32% và 36% so với cùng kỳ. Chiến lược theo đuổi mô hình kinh doanh bán sỉ sản phẩm và tập trung nguồn lực vào phát triển dự án đang mang đến sự tăng trưởng trong kinh doanh và hiệu quả đầu tư ấn tượng cho doanh nghiệp này.

Trong tháng 6/2022, Phát Đạt đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - KL, đơn vị sở hữu trực tiếp Dự án Astral City tại Bình Dương. Dự kiến thương vụ này sẽ mang về dòng tiền ngay cho Phát Đạt lên đến 3.350 tỷ đồng cùng với khoản lợi nhuận đáng kể ghi nhận trong quý III và quý IV/2022.

Tin bài liên quan