Mùa soát xét bán niên: Lộ diện những báo cáo “không sạch”

Mùa soát xét bán niên: Lộ diện những báo cáo “không sạch”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính bán niên soát xét sẽ giúp nhà đầu tư có góc nhìn đầy đủ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2020.

Nặng, nhẹ ý kiến nhấn mạnh

Theo quy định, chậm nhất là ngày 14/8, các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn sẽ phải công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét 2020. Với những doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận gia hạn, thời hạn là 29/8.

Trong gần 200 báo cáo tài chính bán niên 2020 sau soát xét được công bố trên cổng thông tin của UBCK tính đến hết ngày 11/8/2020, số báo cáo được chấp thuận toàn phần chiếm tỷ lệ chủ yếu. Tuy vậy, cũng có một số báo cáo bị đơn vị kiểm toán đưa thêm vấn đề nhấn mạnh.

Chẳng hạn, trên báo cáo soát xét của CTCP Cán thép Thái Trung (TTS), Công ty Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh việc công ty này đang có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 355,53 tỷ đồng, lỗ lũy kế chiếm 46,3% vốn điều lệ, với 235,21 tỷ đồng đến 30/6/2020.

Tuy vậy, AASC cũng lưu ý thêm, việc TTS đang có CTCP Gang thép Thái Nguyên vừa là khách mua hàng với khối lượng lớn, vừa là bên cung cấp nguyên vật liệu chính là lợi thế giúp Công ty giảm áp lực vốn lưu động hỗ trợ cho khả năng hoạt động liên tục, giảm lỗ lũy kế.

Trong báo cáo bán niên của CTCP Cấp nước Gia Định (GDW), Công ty Kiểm toán AFC Việt Nam cũng nhấn mạnh, đơn giá mua sỉ nước sạch từ Công ty mẹ - Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, áp dụng khi tính giá vốn trong nửa đầu năm nay chưa được Hội đồng quản trị thông qua.

Do đó, kết quả kinh doanh có thể bị thay đổi khi đơn giá mua sỉ nước được phê duyệt chính thức khác giá tạm tính.

Hay tại CTCP Đầu tư DNA (KSD), Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM cho biết, khoản đầu tư vào CTCP Vật Liệu xây dựng Hải Phòng của doanh nghiệp với giá trị 8,3 tỷ đồng chưa có cơ sở xem xét trích lập dự phòng giảm giá do đơn vị này không phải là đối tượng phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ.

Ảnh hưởng từ điều chỉnh này (nếu có) với KSD là đáng kể khi quy mô tài sản của Công ty chỉ hơn 105 tỷ đồng và đang kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm nay.

Tuy vậy, không phải với điểm nhấn mạnh, lưu ý nào của kiểm toán viên, nhà đầu tư cũng cần phải lo ngại.

Chẳng hạn, báo cáo bán niên của CTCP Than Hà Tu - Vinacomin (THT), một doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư theo trường phái “ăn cổ tức” ưa chuộng, báo cáo tài chính bán niên cũng bị đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về nguồn hình thành tài sản cố định từ chi phí tập trung do Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam cấp vào chỉ tiêu “dự phòng phải trả dài hạn” với giá trị 4,3 tỷ đồng.

Con số 4,3 tỷ đồng này khá nhỏ so với quy mô tài sản, nguồn vốn hơn 1.980 tỷ đồng của THT. Trong khi đó, tin tức tích cực hơn là Công ty đã báo lãi trước thuế 24 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, sớm vượt kế hoạch năm.

PXL, PSB thị giá tăng bất chấp ý kiến ngoại trừ

CTCP Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (PXL) là một trong những đơn vị bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020.

Nguyên nhân là Công ty có khoản nợ phải thu từ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Xi măng dầu khí 12.9 với số tiền 44,99 tỷ đồng nhưng đơn vị kiểm toán chưa thu thập được văn bản thỏa thuận gia hạn thời gian thu hồi công nợ.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, đến ngày 30/6/2020, nợ phải thu liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh tại dự án Khách sạn Dầu khí Kinh Bắc với CTCP Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc có giá trị 15 tỷ đồng chưa được thực hiện đánh giá khả năng thu hồi. Hiện dự án này đã dừng triển khai.

Thực tế, những vấn đề này chính là nguyên nhân khiến báo cáo tài chính 2019 của PXL bị kiểm toán ngoại trừ, nhưng đến nay chưa được khắc phục.

Kết quả kinh doanh của Công ty nửa đầu năm 2020 cũng kém khả quan khi chỉ thu về hơn 1 tỷ đồng doanh thu, giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế giảm 32,3% với đóng góp chủ yếu từ doanh thu tài chính.

Tuy vậy, những vấn đề như doanh thu, lợi nhuận giảm, lỗ lũy kế, cơ cấu tài chính mất cân đối, một số khoản mục bị kiểm toán ngoại trừ tại PXL không còn khiến nhà đầu tư e ngại như trước.

Trên thị trường, thị giá cổ phiếu tiếp tục duy trì xu hướng tăng từ đầu năm đến nay, có lúc đã tăng đến 50% so với đầu năm.

Động lực giúp thị giá cổ phiếu duy trì đà tăng được đánh giá đến từ kỳ vọng tái cơ cấu PXL, nhất là sau khi Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam thoái vốn, còn Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Energy) mua và trở thành cổ đông lớn với sở hữu 19,14% từ đầu tháng 6/2020.

Đến đầu tháng 7/2020, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) nâng tỷ lệ nắm giữ lên 6,27%. Như vậy, đến nay, nhóm Gelex đang sở hữu 25,41% vốn tại PXL.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2020, cổ đông PXL đã thông qua tờ trình cho phép Gelex nâng sở hữu lên 65% vốn mà không cần chào mua công khai, đồng thời thông qua phương án phát hành riêng lẻ.

Sự đầu tư của Gelex đang được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phục hồi cho PXL sau nhiều năm khó khăn.

Một doanh nghiệp khác cũng bị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính bán niên là CTCP Đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình (PSB).

Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán VACO chi nhánh TP.HCM cho biết không thu thập được thông tin về khả năng thu hồi khoản nợ xấu với Công ty TNHH Đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn với giá trị 13,5 tỷ đồng (đã được PSB trích lập dự phòng 3,7 tỷ đồng) và đơn vị này đang bị tòa án mở thủ tục phá sản.

Ngoài ra là số tiền 1,1 tỷ đồng tiền phạt giao hàng chậm mà Liên doanh Vietsopetro đã trừ vào nợ phải trả của Công ty trong năm 2019 chưa được PSB hạch toán chi phí.

PSB được đánh giá là doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, với số dư tiền và tiền gửi có kỳ hạn 445,4 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý II/2020, tương đương hơn 9.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% so với thị giá cổ phiếu. Số tiền này đem về trên 25 tỷ đồng doanh thu tài chính cho Công ty mỗi năm.

Cấu trúc tài chính của PSB cũng rất tốt khi  không có vay nợ. Tuy vậy, những năm qua, Công ty chỉ đạt vài trăm triệu đồng lợi nhuận mỗi năm, chủ yếu do khoản chi phí quản lý đã ngốn đáng kể phần thu nhập tài chính và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. 6 tháng đầu năm, doanh thu của PSB giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận vẻn vẹn 351 triệu đồng.

Bất chấp kết quả kinh doanh èo uột và bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ với báo cáo bán niên, thị giá PSB trên UPCoM tăng 143% trong vòng 2 tháng qua sau thời gian dài đi ngang vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu.

TOP: Đáng ngại khi tiếp tục bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến

CTCP Phân phối Top One (TOP) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên bị kiểm toán “từ chối đưa ra ý kiến” trong mùa báo cáo bán niên năm nay.

Trong báo cáo soát xét do Công ty TNHH Kiểm toán TTP thực hiện, hàng loạt vấn đề đã bị kiểm toán viên nêu ra.

Cụ thể, trong tháng 6/2020, Công ty đã chuyển nhượng 47% vốn tại CTCP Lâm nông sản thực phẩm Hà Giang, dẫn đến khoản lỗ tài chính 84,2 tỷ đồng và giảm tỷ lệ sở hữu tại đây về 48%, tuy nhiên đơn vị kiểm toán không xác định được giá trị hợp lý của doanh nghiệp này.

Đến thời điểm 30/6/2020, TOP cũng chưa trích lập dự phòng cho khoản giảm giá đầu tư vào Lâm nông sản thực phẩm Hà Giang dù nếu tạm tính theo giá chuyển nhượng gần nhất (giá của hợp đồng trên là 32.000 đồng/cổ phiếu), TOP sẽ cần trích lập dự phòng cho khoản đầu tư là
86 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng cho biết, theo biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 12/6/2020, TOP đã thực hiện góp vốn 17,3 tỷ đồng vào CTCP Chăn nuôi Hà Giang 1 và 17,3 tỷ đồng vào CTCP Chăn nuôi Hà Giang 2, nhưng đến thời điểm phát hành báo cáo, đơn vị kiểm toán chưa tiếp cận được với hàng loạt hồ sơ liên quan đến dự án.

Những vấn đề này làm bức tranh tài chính của TOP thêm u ám bên cạnh việc Công ty báo lỗ đột biến 87,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Lỗ lũy kế đến 30/6/2020 lên gần 89 tỷ đồng, chiếm 35% vốn điều lệ.

Trước đó, tại báo cáo tài chính 2019, TOP bị một công ty kiểm toán khác là CPA Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến với nhiều vấn đề liên quan đến công nợ phải thu, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn.

Trên báo cáo tài chính năm 2019, một số doanh nghiệp khác cũng đã bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến như CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC), CTCP Landmark Holding (LMH), CTCP Thép Dana - Ý (DNY) hay Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX)…

Đến nay, các doanh nghiệp này đều chưa công bố báo cáo bán niên 2020 có soát xét của kiểm toán.

Đây chắc chắn sẽ là báo cáo được nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp này chờ đợi để xem xét và đánh giá rõ hơn chuyển biến trong những vấn đề đã được đơn vị kiểm toán nêu ra trước đó.

Tin bài liên quan