Mua trái phiếu chia nhỏ từ công ty chứng khoán, ai là trái chủ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện nay, rất nhiều công ty chứng khoán đang áp dụng hình thức chia nhỏ các kỳ hạn và thay đổi lãi suất mà nhà đầu tư được hưởng thấp hơn lãi suất của tổ chức phát hành quy định. Vậy hiểu thế nào cho đúng về trường hợp này?
Mua trái phiếu chia nhỏ từ công ty chứng khoán, ai là trái chủ?

Tại Talkshow Chọn Danh mục do Báo Đầu tư - Đầu tư Chứng khoán tổ chức sáng nay (28/10) với chủ đề: “Hiểu đúng về trái phiếu”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM Công ty Chứng khoán DSC nhận định, thông thường, với một trái phiếu sẽ rất khó bán, cũng khó bán cả một lô trái phiếu cho nhà đầu tư, nhà đầu tư không tiếp cận được và cũng không thích tiếp cận theo hướng như vậy.

Do đó, công ty chứng khoán có sản phẩm riêng để: thứ nhất là chia nhỏ, thứ hai là có thể chia ra các kỳ hạn sao cho phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư. Đó là những sản phẩm dựa trên trái phiếu, là những sản phẩm được các công ty chứng khoán chế biến lại để dễ bán hơn, thu hút được nhiều đối tượng nhà đầu tư tham gia hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi cũng đánh giá, việc chia nhỏ là một cách thức bán hàng rất hấp dẫn, phù hợp và hợp lý với thị trường, nhưng đó là trong bối cảnh bình thường. Vì trong bối cảnh bình thường, việc chia nhỏ dễ bán, thanh khoản cũng rất dễ, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua trái phiếu. Nếu ít người mua hoặc không ai mua, công ty chứng khoán cũng sẵn sàng bỏ vốn ra mua lại rồi chờ bán sau.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần hiểu rõ vấn đề: nếu là trái phiếu báo danh, ai cầm trái phiếu sẽ là trái chủ. Trên thực tế, hầu hết trái phiếu trên thị trường là trái phiếu ghi danh, tức ai ghi danh vào giấy chứng nhận trái phiếu, trái phiếu đứng tên ai thì người đó là trái chủ. Còn bên trung gian, bảo lãnh hay người bên ngoài sẽ làm những vai trò khác. Trái chủ sẽ được quyền và chịu rủi ro của mình.

“Tôi chỉ sợ rằng ngân hàng hay công ty chứng khoán bán ra một cách mập mờ, khiến rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng chắc chắn lấy lại được, muốn chấm dứt kỳ hạn lúc nào cũng được. Điều đó không chắc chắn. Họ cam kết nếu có người mua lại thì bán hộ, nếu không có người mua thì sẵn sàng mua nếu có điều kiện.

Còn bây giờ, làm sao người ta có thể lấy tiền cùng một lúc trong thời điểm khó khăn này, nhà đầu tư biết trước nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra, sẵn sàng chấp nhận thì không vấn đề gì. Đúng là khác nhau một trời một vực về bối cảnh thị trường, điều kiện thay đổi, biến động, đang rủi ro, mất lòng tin rồi thì thị trường bị chặn đứng”, ông Đức phân tích.

Với vai trò là một công ty chứng khoán khi phát hành, ông Bùi Văn Huy khẳng định, tổ chức đó phải có nghĩa vụ với nhà đầu tư về những sản phẩm mà mình đã làm ra; còn rủi ro lúc nào cũng sẽ phụ thuộc vào chính uy tín, chính vị thế của công ty phát hành ra sản phẩm đấy.

Nói thêm về rủi ro, Luật sư Đức lấy ví dụ, khi đường đông, nếu người tham gia giao thông cứ đi bình tĩnh, tuần tự thì sẽ không có tắc đường, mà chỉ xảy ra hiện tượng ùn, nhưng nếu mọi người đi lại lộn xộn một chút lập tức sẽ xảy ra tắc đường kinh hoàng. Thậm chí, những nơi tụ tập đông người đã từng xảy ra thảm cảnh chết hàng chục, hàng trăm người, đó chính là hành vi của chúng ta.

“Với một trái phiếu bình thường, chỉ mình ta rút trước hạn thì không sao. Nhưng nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng rút, cũng giống như câu chuyện rút tiền ngân hàng thì không có một ngân hàng nào, không một công ty nào đủ sức khỏe, đủ tiền chi trả bất thình lình như vậy”, ông Đức nói.

Thậm chí, nếu đua nhau có hành động như vậy thì đến hạn cũng không rút được, không có thanh khoản và đó là chuyện mất cân đối bình thường. Còn nếu cứ bình tĩnh giải quyết, đường không bị tắc, người tham gia sẽ an toàn. Trong trường hợp thực sự rủi ro, nguy cơ mất quá cao, dù nhà đầu tư có đến xếp hàng 24h, một ngày cũng không rút được tiền.

“Nếu đã an toàn rồi thì sao chúng ta lại phải mất công, mất sức, mất tiền bạc, lo lắng vào thân, nên chúng ta cứ bình tĩnh”, ông Đức nhấn mạnh.

Tin bài liên quan