Mỹ: Dấu hiệu suy thoái gia tăng

Mỹ: Dấu hiệu suy thoái gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có 8 trong số 12 chỉ số cơ bản đang báo hiệu kinh tế Mỹ suy thoái, khiến thị trường chứng khoán gần đây giảm điểm.

Từ đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc chiến chống lại lạm phát bằng cách nhanh chóng tăng lãi suất, hiện đạt 4,25 - 4,5%/năm, mức cao nhất 15 năm qua. Kết quả, lạm phát dần hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức tăng 9,1% trong tháng 6 (cao nhất trong hơn 40 năm) đã lùi dần về mức 7,1% trong tháng 11.

Mỹ đã tạo được 263.000 việc làm mới trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%, gần mức thấp nhất trong vòng 53 năm qua. GDP sau khi tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm 2022 đã tăng 2,6% trong quý III và mô hình GDPNow của Atlanta Fed cho thấy kinh tế vẫn đang tăng trưởng...

Vậy nhưng, suy thoái kinh tế lại đang có khả năng xảy ra nhiều hơn. Mới đây, 62,5% các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự báo, suy thoái sẽ xảy ra trong năm 2023.

Thực tế, trong tháng 11/2022, doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 0,6%, mức giảm hàng tháng mạnh nhất trong 1 năm qua. Trong khi đó, sản lượng sản xuất đang giảm, kế hoạch tăng vốn của nhiều doanh nghiệp có nguy cơ thất bại...

Theo bảng dự báo rủi ro suy thoái kinh tế, có 8 trong số 12 chỉ số cơ bản đang báo hiệu suy thoái, bao gồm cả những dấu hiệu báo trước suy thoái truyền thống.

Trước đó, với các dấu hiệu như đường cong lợi suất, giá dầu, giá cổ phiếu ngân hàng, chỉ số đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất suy giảm, thị trường bất động sản ảm đạm..., ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ là Bank of America dự đoán, kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong tháng 3/2023.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa có hai tuần giảm điểm trong bối cảnh mối lo suy thoái kinh tế ngày càng lớn, khi Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất.

Hiện tại được xem là chu kỳ tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ nhất của Fed kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, tiêu dùng vốn chiếm 2/3 GDP nhìn chung vẫn ổn định nhờ tiền lương tăng, mức lương trung bình theo giờ tăng 0,6% trong tháng 11, tiết kiệm tích lũy và bảng cân đối tiêu dùng lành mạnh.

Tiền lương tăng chủ yếu do nhu cầu sử dụng lao động tăng, dù tình trạng sa thải nhân sự hàng loạt đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất như Meta - công ty mẹ của Facebook sa thải 11.000 nhân viên, Amazon sa thải hàng nghìn người, Google có kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên.

Bởi lẽ, nhân sự của các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ chiếm chưa đến 2% tổng số việc làm của Mỹ, dù giai đoạn 2020 - 2021 tăng cường tuyển dụng lao động.

Thậm chí, tổng cộng các công ty lớn trong chỉ số S&P 500 sử dụng chưa tới 20% lực lượng lao động.

Chính các doanh nghiệp quy mô nhỏ (có ít hơn 250 nhân viên) là lực lượng sử dụng người lao động lớn nhất và là động lực thúc đẩy nhu cầu lao động, chiếm tới 79% cơ hội việc làm hiện tại và hơn 90% mức tăng sau đại dịch Covid-19.

Với thị trường lao động phục hồi và lạm phát vẫn ở mức cao, Fed dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất lên 5,1%/năm trong năm 2023. Cơ quan này dự báo, lạm phát sẽ còn cao hơn mức mục tiêu 2% tới ít nhất cuối năm 2025 và đến cuối năm 2023 vẫn còn ở mức trên 3%.

Các quan chức Fed nhiều lần nhấn mạnh rằng, cần phải thấy lạm phát liên tục giảm và cảnh báo, không nên quá lạc quan về các xu hướng chỉ diễn ra trong vài tháng.

Tin bài liên quan