Mỹ lo ngại mặt trái của gói đầu tư cơ sở hạ tầng ngàn tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Để thay đổi diện mạo nước Mỹ, gói đầu tư cơ sở hạ tầng ngàn tỷ USD vừa được Thượng viện thông qua phải cần đến vài năm, còn nguy cơ nhãn tiền là "thổi" lạm phát tăng cao.
Công trường xây dựng hạng mục cầu cạn của dự án đường sắt cao tốc California, cạnh đoạn đường cao tốc 99 gần thành phố Fresno, bang California. Ảnh chụp vào tháng 10/2019. Nguồn: AP

Công trường xây dựng hạng mục cầu cạn của dự án đường sắt cao tốc California, cạnh đoạn đường cao tốc 99 gần thành phố Fresno, bang California. Ảnh chụp vào tháng 10/2019. Nguồn: AP

Lời cảnh tỉnh từ dự án sa lầy

Quốc hội Mỹ đã phải mất nhiều năm cuối cùng mới đạt được mục tiêu lập pháp vốn đã được lên kế hoạch từ lâu là nâng cấp cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp. Nhưng ngay cả khi được ban hành thành luật vào mùa thu này, người Mỹ có thể phải mất nhiều năm nữa mới cảm nhận được hết tác động của gói đầu tư cơ sở hạ tầng ngàn tỷ USD.

Trong khi kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Joe Biden mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng trên khắp nước Mỹ chỉ trong vài tuần thực thi, thì các cấu phần quan trọng của gói đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô 1.200 tỷ USD được Thượng viện thông qua vào ngày 10/8, có thể mất vài năm mới phát huy tác dụng.

Nhiều nguồn đầu tư đáng kể có thể sẽ nhanh chóng được giải ngân, đặc biệt là để nâng cấp các dự án hạ tầng hiện có, chẳng hạn như sửa chữa đường xá. Nhưng các dự án công trình công cộng lớn thường phải trải qua một quá trình triển khai kéo dài qua các khâu từ cơ quan liên bang, địa phương, đến doanh nghiệp xây dựng tư nhân. Và có thể phải nhiều năm sau mới tạo ra được cơ sở hạ tầng mới.

Như vậy, lợi ích lâu dài của những dự án hạ tầng lớn là điều sẽ thúc đẩy chính quyền liên bang và cấp địa phương nhiệm kỳ tới hành động, nhưng lại bất lợi cho những quan chức muốn lĩnh ngay "phần thưởng chính trị" từ các dự án này. Trong khi đó, Nhà Trắng cho rằng gói đầu tư cơ sở hạ tầng này sẽ đem lại lợi ích kinh tế cả trong ngắn hạn và lâu dài cho nước Mỹ, đồng thời dẫn chứng các cuộc thăm dò cho thấy gói đầu tư này được cử tri cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ rộng rãi.

Dựa trên báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, ông Marc Goldwein, Phó chủ tịch Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB - một tổ chức phi lợi nhuận) và ông Donald Schneider, chuyên gia kinh tế tại Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ ước tính rằng, khoảng 566 tỷ USD trong gói đầu tư 1.200 tỷ USD, sẽ được đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng, nhưng chỉ khoảng 20 tỷ USD được giải ngân vào cuối năm tài chính 2022. Trong khi đó, năm tài chính 2022 sẽ kết thúc ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra cùng năm.

Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho rằng: "Sẽ là một thách thức thực sự khi nhận các khoản tín dụng chính trị để hoàn thành các dự án trong 3 - 5 năm tính từ bây giờ, và đó cũng là thời điểm phần lớn các dự án sẽ phải hoàn thành". "Chúng ta đang nói về rất nhiều dự án dài hơi trong lĩnh vực băng thông rộng, cơ sở hạ tầng điện, hệ thống nước, thậm chí cả phương tiện công cộng và đường sắt, và sẽ mất một khoảng thời gian để thực hiện từ đầu đến cuối", chuyên gia Moody’s Analytics lưu ý.

Theo tờ Washington Post, dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng dành hàng tỷ USD cho các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Mỹ mà nhiều chuyên gia cho rằng đang rất cần nâng cấp, chẳng hạn như đường cao tốc, đường bộ, cầu, hệ thống nước, các tuyến đường sắt đô thị và thương mại.

Trong khi đó, ông Jim Tymon, Giám đốc điều hành Hiệp hội các quan chức vận tải và đường cao tốc Mỹ lại lạc quan hơn khi cho rằng nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trên (sau khi được Thượng viện phê chuẩn, dự luật sẽ tiếp tục phải trải qua "cửa ải" tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện), dòng đầu tư sẽ bắt đầu chảy qua các kênh liên bang hiện có đến các bang và thành phố ngay sau tháng 10.

"Mọi thứ đã sẵn sàng để thực hiện và tác động sẽ được cảm nhận khá nhanh chóng. Họ (các bang và thành phố - BTV) đã sẵn sàng… nhận số tiền đó và rót vào các dự án để tạo ra sự khác biệt thực sự về chất lượng cuộc sống của người dân", ông Jim Tymon cho biết.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2, ông Tymon cho rằng việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian hơn, chẳng hạn như việc phát triển các trạm sạc xe điện. Nhiều bang đều lên kế hoạch triển khai sáng kiến tham vọng này trong nhiều năm. Chuyên gia này nhận định, có khả năng rằng nguồn vốn 5 năm của liên bang sẽ giúp các bang thực hiện các kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 một cách chiến lược hơn, thay vì phải ứng phó theo hàng năm tùy thuộc vào những sáng kiến bất chợt của Washington. Điều này có thể giúp rút ngắn tiến độ triển khai các dự án lớn xuống còn 3 - 4 năm, thay vì 7 hoặc 8 năm.

Mặt khác, ông Ray LaHood, cựu Bộ trưởng Giao thông dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, lại cho rằng những dự án hạ tầng quy mô lớn và phức tạp thường kéo dài trong nhiều năm, chẳng hạn như dự án đường hầm xe lửa mới vượt sông Hudson nối bang New Jersey với Penn Station ở trung tâm tài chính Manhattan. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Giao thông Mỹ lưu ý, cũng có một số hạng mục đường giao thông và các dự án khác mà các bang có thể nhanh chóng triển khai, tạo ra tác động ngay.

Trong một tuyên bố gần đây, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates cho biết gói đầu tư cơ sở hạ tầng trên là thực hiện lời hứa tranh cử của Tổng thống Biden "bằng việc đạt được tiến bộ trong hầu hết các lĩnh vực chính trong vòng 1 năm", bao gồm cầu đường, vận chuyển, internet tốc độ cao, và năng lượng sạch.

"Những khoản đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả cho các gia đình Mỹ trong ngắn - trung - dài hạn, thậm chí trong nhiều thập kỷ tới và các thế hệ tiếp theo, giống như tuyến Đường sắt xuyên lục địa (Bắc Mỹ) và hệ thống đường cao tốc liên bang", ông Andrew Bates nhấn mạnh.

Nhưng những nỗ lực trước đây trong cải tạo cơ sở hạ tầng tại Mỹ đã để lại những lời cảnh báo. Năm 2009, cựu Tổng thống Obama phê duyệt luật đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư 3,5 tỷ USD cho bang California thực hiện dự án đường sắt cao tốc nhằm thay đổi phương thức đi lại của người dân. Gần 12 năm sau, những người dân California cảm nhận được rất ít sự thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, ngoài những cuộc tranh cãi gay gắt giữa các quan chức địa phương về cách thức tiến hành dự án.

Dự án này đã sa lầy bởi một quá trình xây dựng kéo dài, một phần vì Mỹ thiếu kinh nghiệm xây dựng đường sắt cao tốc và vì yêu cầu bang California phải khởi công xây dựng trước khi thu hồi toàn bộ đất cần thiết cho dự án. Còn việc buộc tuyến đường sắt cao tốc này phải đi qua khu vực đông dân cư nhưng ít tiếp xúc với trục đường bộ Bắc - Nam, dường như chỉ xoa dịu được những tranh cãi chính trị, còn việc xây dựng vẫn bị trì hoãn.

Nguy cơ thổi bùng lạm phát

Trong khi tranh luận về tác động ngắn và dài hạn còn chưa nguôi, thì dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD hứng thêm luồng chỉ trích rằng nó sẽ càng "đổ thêm dầu vào lửa" cho lạm phát.

Dự luật dài 2.702 trang này, nếu được thông qua và ban hành, sẽ là một kỳ tích trong đàm phán của lưỡng đảng. Nhưng xuất hiện những quan ngại rằng trong dài hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tăng cung của nền kinh tế Mỹ và giúp níu chân lạm phát ở mức thấp, nhưng tác động trong ngắn hạn có thể hoàn toàn ngược lại.

Nhật báo Wall Street Journal dẫn một báo cáo mới đây của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Mỹ) xuất bản cho thấy những bằng chứng về tác động tiêu cực ngắn hạn của đầu tư cơ sở hạ tầng đối với nền kinh tế và không tìm thấy dấu hiệu nào về tác động kích thích. Nguyên nhân là một phần do việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới sẽ làm gián đoạn việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có, và thay vì kích thích, sẽ kìm hãm nguồn cung của nền kinh tế.

Đơn cử, trong quá trình xây dựng đường, lưu lượng giao thông tăng lên đáng kể và chỉ giảm sau khi dự án hoàn thành. Thời gian tham gia giao thông tăng lên càng làm tăng thời gian cần thiết để nền kinh tế sản xuất ra cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ, điều này đẩy giá cả đi lên. Với gói đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn đến 1.200 tỷ USD, thì hiện tượng này càng trở nên lan rộng.

Một biện pháp kinh tế vĩ mô mà các nhà hoạch định chính sách thường dùng đến là điều chỉnh tăng lãi suất khi nền kinh tế đang tăng trưởng trên mức tiềm năng, và kích thích nền kinh tế thông qua việc cắt giảm lãi suất khi tình hình kinh tế khó khăn. Các trường hợp bất thường như khủng hoảng tài chính hoặc y tế có thể buộc chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn. Với lập luận trên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến được cho là xảy ra sai thời điểm.

Bởi lẽ, chính sách tiền tệ hiện nay đang kích thích nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930. Các hộ gia đình Mỹ với hơn 2.500 tỷ USD tiết kiệm dư thừa, cũng đang bắt đầu đem tiền ra sài, trong khi chương trình trợ cấp thất nghiệp cũng đã thúc đẩy tiền lương tăng lên đối với những người lao động thuê mới. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng từ sau khi Đạo luật về kế hoạch giải cứu người Mỹ (ARPA) được thông qua vào mùa xuân.

Tin bài liên quan