Mỹ nắm hàng loạt bằng chứng mới có thể giải mã nguồn gốc Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Giới tình báo Mỹ nói với Nhà Trắng rằng, họ vẫn còn hàng loạt bằng chứng cần phân tích thêm bằng máy tính và có thể làm sáng tỏ nguồn gốc bí ẩn của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ điều tra và báo cáo về nguồn gốc Covid-19 trong vòng 90 ngày (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ điều tra và báo cáo về nguồn gốc Covid-19 trong vòng 90 ngày (Ảnh: Reuters).

New York Times dẫn lời một số quan chức cấp cao của Mỹ ngày 27/5 cho biết, giới chức tình báo nước này đã báo cáo Nhà Trắng rằng họ vẫn còn nắm nhiều bằng chứng cần phân tích thêm về nguồn gốc Covid-19.

Họ không tiết lộ những bằng chứng mới đó là gì nhưng hy vọng có thể tận dụng sức mạnh của máy tính để giải đáp câu hỏi liệu virus có vô tình thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc hay không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/5 cho biết, giới tình báo Mỹ đang nghiêng về hai giả thuyết nguồn gốc SARS-CoV-2 gồm virus lây sang người từ động vật nhiễm bệnh hoặc do tai nạn phòng thí nghiệm làm rò rỉ mầm bệnh ra ngoài, nhưng không đánh giá giả thuyết nào có khả năng cao hơn.

Văn phòng Giám sát Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) xác nhận: "Cộng đồng tình báo Mỹ hiện chưa biết chính xác từ nơi nào, bao giờ hoặc bằng cách nào mà virus gây đại dịch Covid-19 được lây truyền từ ban đầu, nhưng đã vạch ra 2 kịch bản có khả năng xảy ra".

Giới khoa học và giới làm chính sách của Mỹ bất ngờ lật lại mối quan tâm về nguồn gốc Covid-19 trong những tuần gần đây. Đầu năm nay, Tổng thống Biden đã giải tán một nhóm của Bộ Ngoại giao Mỹ điều tra giả thuyết virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc. Hôm 26/5, chủ nhân Nhà Trắng chỉ thị cộng đồng tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" điều tra nguồn gốc Covid-19 và báo cáo lại trong vòng 90 ngày.

Mệnh lệnh của ông Biden sẽ thúc đẩy các cơ quan tình báo Mỹ và đồng minh khai thác các thông tin sẵn có như nhân chứng, bằng chứng sinh học cũng như tìm kiếm các bằng chứng tình báo mới để xác định liệu Bắc Kinh có che giấu dịch hay không.

Ngoài ra, một quan chức cấp cao của chính quyền nói với New York Times rằng, trong cuộc điều tra mới này, chính phủ Mỹ sẽ tận dụng nguồn lực các phòng thí nghiệm quốc gia và các nguồn lực khoa học khác chưa từng được sử dụng trong các cuộc điều tra trước đó.

Trung Quốc phủ nhận giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán (Ảnh: Reuters).
Trung Quốc phủ nhận giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán (Ảnh: Reuters).

Theo New York Times, đến nay nỗ lực thu thập bằng chứng từ việc chặn các liên lạc bên trong Trung Quốc không mang lại nhiều hiệu quả. Giới chức tình báo Mỹ cho rằng sẽ rất khó để tìm thấy một email, một tin nhắn văn bản hay tài liệu nào cho thấy bằng chứng về một vụ tai nạn phòng thí nghiệm.

Đầu tuần này, Thời báo Phố Wall dẫn nguồn tin tình báo của một đồng minh của Mỹ nói rằng, 3 nhân viên Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc đã phải nhập viện với các triệu chứng giống như cúm vào tháng 11/2019, không lâu trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh Covid-19 đầu tiên.

Thông tin này được cho là khá quan trọng với cuộc điều tra, nhưng giới chức Mỹ lo ngại nó không đủ để coi là bằng chứng kết luận họ nhiễm virus tại phòng thí nghiệm, mà từ một nơi nào khác.

Trong khi đó, Trung Quốc đến nay nhiều lần phủ nhận và chỉ trích giả thuyết cho rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Phản ứng việc Mỹ lật lại điều tra nguồn gốc Covid-19, trong đó có giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tối 26/5 nói rằng, "một số thế lực chính trị đang cố thao túng chính trị và chơi trò đổ lỗi".

Thông cáo nói thêm, Bắc Kinh ủng hộ "điều tra toàn diện tất cả các ca bệnh ở giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19 trên toàn thế giới cũng như các căn cứ bí mật, các phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới".

Tin bài liên quan