Mỹ và đồng minh "tung đòn" trừng phạt mới với Nga

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, trong khi EU đề xuất cấm nhập khẩu than từ Nga sau khi chỉ trích chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc giao tranh ở Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc giao tranh ở Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 5/4 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và các đồng minh sẽ gia tăng hạn chế đối với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp nhà nước Nga, đồng thời nhắm vào các quan chức chính phủ Nga và gia đình của họ.

"Những gì chúng tôi sẽ công bố, với sự phối hợp của G7 và EU, là một gói biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga và tiếp tục cô lập nước này về kinh tế, tài chính và công nghệ", bà Psaki nói, đồng thời lưu ý rằng G7 và EU chiếm khoảng 50% nền kinh tế toàn cầu.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Pháp tuyên bố EU có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga vào ngày 5/4. Wall Street Journal đưa tin ngân hàng Sberbank của Nga có thể nằm trong số các tổ chức bị nhắm mục tiêu trừng phạt.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 5/4 cho biết châu Âu đã lên kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than đá.

"Tất cả chúng tôi đã thấy những hình ảnh khủng khiếp từ Bucha và các khu vực khác mà quân đội Nga đã rút đi gần đây. Những hành động này sẽ không thể bỏ qua. Chúng tôi sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu lượng than đá từ Nga trị giá 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) mỗi năm", bà von der Leyen cho biết.

Lệnh cấm than đá được xem là lệnh cấm vận phối hợp đầu tiên của Liên minh châu Âu đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng khổng lồ "nuôi sống" nền kinh tế Nga, tạo ra doanh thu lớn mỗi năm.

Đợt trừng phạt thứ 5 của châu Âu với Nga cũng bao gồm lệnh cấm hoàn toàn các giao dịch với ngân hàng lớn thứ hai của Nga là VTB và 3 ngân hàng khác. Các tàu do Nga đăng ký hoặc điều hành sẽ bị cấm đến các cảng của EU, ngoại trừ các tàu chở nhiên liệu, thực phẩm và các khoản viện trợ nhân đạo khác.

Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga. Anh cũng nối gót với kế hoạch ngừng nhập khẩu năng lượng Nga từ cuối năm nay. Trong khi đó, EU chỉ đặt mục tiêu giảm 2/3 nguồn cung năng lượng Nga.

Theo Viện nghiên cứu tài chính quốc tế IFF, nếu cả Mỹ, Anh và EU cùng áp lệnh cấm vận năng lượng Nga, Moscow sẽ thiệt hại 20% sản lượng, tương đương 300 tỷ USD doanh thu xuất khẩu tùy thuộc vào mức biến động giá. Hiện tại, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.

EU đã áp đặt 4 đợt trừng phạt Nga nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Đợt trừng phạt mới của Mỹ và đồng minh được công bố sau khi Ukraine cáo buộc Nga có liên quan tới cái chết của hàng trăm dân thường ở thị trấn Bucha. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, chỉ trích đây là thông tin giả mạo nhằm bôi nhọ Nga.

Tin bài liên quan