Miniso tham vọng lấn sân sang thị trường Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Diệp Quốc Phú nhà sáng lập chuỗi Miniso đang chuẩn bị mở cửa hàng lớn đầu tiên tại New York, bước đầu của kế hoạch mở rộng sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Miniso tham vọng lấn sân sang thị trường Mỹ

Mới đây, tại Quảng trường Thời đại của Thành phố New York, một chú chim cánh cụt nhồi bông màu xanh tên là Pen Pen đang thu hút được nhiều sự chú ý. Pen Pen là linh vật của công ty Miniso Group Holdings đến từ Trung Quốc. Đây là một trong các hoạt động trong tuần lễ khai trương cửa hàng hàng đầu toàn cầu của công ty tại khu mua sắm nổi tiếng tại Mỹ. Cả hàng dài thanh thiếu niên đã hào hứng xếp hàng chờ các món quà tặng, bốc thăm may mắn và phiếu mua hàng Miniso trước cửa hàng rộng 350 m2 màu kem tươi sáng.

Người sáng lập chuỗi bán lẻ đồ gia dụng Trung Quốc Miniso, ông Diệp Quốc Phú nhận định, việc mở cửa hàng lớn tại New York được xem là cột mốc quan trọng nhất cho đến nay trong lịch sử 10 năm phát triển của công ty. Ông Diệp Quốc Phú đang ở châu Âu tìm kiếm cơ hội ở đó để mở thêm nhiều cửa hàng có quy mô siêu lớn như vậy.

Người đàn ông gốc Hồ Bắc, người đã xây dựng đế chế bán lẻ hàng gia dụng, không giấu diếm tham vọng sẽ tiến gần hơn đến ước mơ điều hành một siêu thương hiệu quốc tế.

Ông Diệp Quốc Phú cho biết: Công ty đã tiến xa hơn kỳ vọng trong 10 năm đầu tiên của Miniso và mục tiêu của chúng tôi trong 10 năm tới là biến Miniso trở thành 1 siêu thương hiệu trên toàn cầu. Trong tương lai, mọi người tiêu dùng trên thế giới sẽ sử dụng các sản phẩm của Miniso giống như họ chuyển sang Nike để mua quần áo và giày thể thao, Starbucks để mua cà phê và Coke cho đồ uống.

Theo SCMP, ngay từ ngày đầu tiên, ông Diệp Quốc Phú đã có tầm nhìn vượt ra khỏi thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc. Ông mở một cửa hàng ở Singapore vào năm 2015, chỉ hai năm sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên ở tỉnh Quảng Châu. Hiện có hơn 2.100 cửa hàng Miniso bên ngoài Trung Quốc trong tổng số hơn 5.500 cửa hàng.

Ông Diệp Quốc Phú chia sẻ: Chúng tôi đang bán các sản phẩm tiêu dùng có chất lượng tốt với giá cả hợp lý mà mọi người tiêu dùng cá nhân đều có thể sử dụng. Thị trường nước ngoài chiếm 4/5 dân số toàn cầu nên không có lý do gì công ty không chú ý đến điều này. Sau khi khai trương cửa hàng ở Quảng trường Thời đại, ông Diệp Quốc Phú có kế hoạch mở các cửa hàng có diện tích không nhỏ hơn 200 m2 tại các trung tâm mua sắm cao cấp ở các nước phát triển trên toàn thế giới.

Các cửa hàng lớn này sẽ có nhiều lượt ghé thăm hơn và nhiều doanh thu hơn, cuối cùng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho công ty. Các thị trường nước ngoài của Miniso đã tạo ra doanh thu 986,5 triệu nhân dân tệ (143,0 triệu USD) vào năm 2022, tăng khoảng 37,5% so với cùng kỳ năm trước đó, đóng góp gần 2/5 tổng doanh thu của công ty. Ông Diệp Quốc Phú thậm chí còn đưa ra kỳ vọng, trong thời gian dài, doanh thu từ thị trường quốc tế có thể đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu cho Miniso.

Ông Diệp Quốc Phú nói: "Mức giá thấp mà Miniso nổi tiếng không phải là trở ngại để trở thành một siêu thương hiệu. Một sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt thì không có lý do gì người tiêu dùng không thích. Chúng tôi thích trở thành một thương hiệu thực tế giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận".

Hồi tháng 8 năm ngoái, nhà bán lẻ Trung Quốc này đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng toàn cầu vì đã thể hiện mình là một thương hiệu Nhật Bản và sao chép phong cách logo của Uniqlo, đồng thời cho rằng hãng đã mắc một sai lầm nghiêm trọng.

Công ty giải thích bởi vì chiến lược xây dựng thương hiệu toàn cầu của mình vốn được dẫn dắt bởi một nhà thiết kế Nhật Bản từ cuối năm 2015 đến năm 2018, đã khiến đa số người tiêu dùng lầm tưởng họ là thương hiệu thiết kế đến từ Nhật Bản. Tại thời điểm này, công ty cho biết họ sẽ thay thế bảng hiệu và trang trí trong 1.900 cửa hàng trên thế giới và họ sẽ hoàn thành việc này vào cuối tháng 3/2023.

Theo Reuters, được hỗ trợ của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, Miniso bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán New York từ ngày 15/10/2020. Công ty đã huy động được 608 triệu USD bằng việc bán 30,4 triệu cổ phiếu lưu ký ở Mỹ với giá 20 USD/cổ phiếu, cao hơn mức định giá trước đó vào khoảng từ 16,5 - 18,5 USD/cổ phiếu. Như vậy, theo tính toán của Forbes, với việc sở hữu 65% cổ phần của Miniso sau đợt IPO, ông Diệp hiện có giá trị tài sản ròng khoảng 3,9 tỷ USD.

Vị tỷ phú này cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Forbes rằng: "Hiện không có đối thủ cạnh tranh nào đối với thị phần với Miniso trên thị trường toàn cầu. Miễn là chúng tôi không mắc sai lầm lớn, chúng tôi sẽ có không gian phát triển đầy hứa hẹn".

Các chuyên gia phân tích cũng đồng tình với điều này. Jason Yu, giám đốc điều hành công ty tư vấn Kantar Worldpanel nhận định rằng, những người tiêu dùng có thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch và lạm phát sẽ tăng cường săn lùng các sản phẩm đáng đồng tiền như những sản phẩm do Miniso cung cấp.

Công ty bán nhiều loại hàng hóa như mỹ phẩm, đồ dùng và thiết bị, dụng cụ nhỏ trong gia đình được họ tự thiết kế hoặc mang nhãn hiệu sở hữu trí tuệ được cấp phép từ Disney. Bằng cách cắt bỏ những người trung gian và tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các nhà máy, Miniso tiết kiệm chi phí và giá bán 95% các sản phẩm của Miniso đều dưới 7,1 USD ở Trung Quốc, theo bản báo cáo của công ty.

Nhưng tỷ phú Diệp hiện cũng đang chống lại sự cạnh tranh ngày một gia tăng trên thị trường, khi các nhà bán lẻ Trung Quốc khác đã tìm cách thu hút nhiều hơn người tiêu dùng ở cùng phân khúc như Miniso.

Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra hai gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc là Alibaba và Pinduoduo, cả hai đều đang quảng cáo các sản phẩm rẻ hơn để thu hút sự chú ý của những người mua sắm tiết kiệm.

Ông Jason Yu cho rằng, Miniso có lợi thế đi đầu vì đã phục vụ những người mua sắm tiết kiệm trong nhiều năm.

Ông cho biết, công ty đã định vị thương hiệu của mình rất tốt. Nhưng Miniso cũng cần phải tiếp tục củng cố hình ảnh thương hiệu và quản lý tốt chuỗi cung ứng của mình vì họ hiện đang có quá nhiều danh mục sản phẩm.

Tin bài liên quan