Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Năm 2012, thị trường BĐS vẫn tiếp tục khó khăn

(ĐTCK) Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về tương lai của thị trường bất động sản.

Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: "Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân". Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về nội dung này?

Đây là một nội dung rất mới trong chính sách phát triển nhà ở của nước ta. Trước đây, chúng ta để cho hoạt động phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, nên các doanh nghiệp hầu như chỉ tập trung xây dựng nhà ở thương mại để bán. Kết quả là khi thị trường có nhiều biến động bất lợi thì doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thị trường bị méo mó.

Để khắc phục tình trạng trên, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã xác định rõ: cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường, trong giai đoạn tới chúng ta cần phải tập trung phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa với sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.

Có 8 nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn về nhà ở mà thị trường nhà ở phi hàng hóa cần phải đáp ứng, đó là: nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho người nghèo ở khu vực nông thôn; nhà ở cho người nghèo ở khu vực đô thị; nhà ở cho lực lượng vũ trang; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, trí thức; nhà ở cho sinh viên; nhà ở cho công nhân lao động và nhà ở cho những đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cả không nơi nương tựa...).

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vậy trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, phát triển nhà ở xã hội sẽ thực hiện theo phương thức nào để đạt hiệu quả, thưa Bộ trưởng?

Phương thức phát triển nhà ở xã hội được triển khai đa dạng theo nhiều hướng như: Nhà nước đầu tư nhà ở cho thuê giá rẻ, đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hình thức đối tác công - tư (PPP); ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư nhà ở để bán, cho thuê với người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hỗ trợ để người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai cải thiện nhà ở...

 

Việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia với rất nhiều mục tiêu lớn liệu có quá sức đối với Bộ Xây dựng?

Nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở là lâu dài, nhưng trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ tập trung cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, các giải pháp đã nêu trong Chiến lược thành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách và các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các địa phương, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia cùng Nhà nước giải quyết vấn đề nhà ở. Tôi tin rằng, khi có sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống kể trên thì Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia sẽ thành công.

 

Thưa Bộ trưởng, đối với phân khúc thị trường nhà ở hàng hóa, giải pháp nào để giúp cho thị trường này phát triển lành mạnh?

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản đã chỉ rõ, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát thị trường bất động sản; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển đô thị; thực hiện tái cơ cấu hàng hóa bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường...

Bên cạnh đó, cần tổ chức rà soát các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường nhà ở; kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

 Năm 2012, thị trường BĐS vẫn tiếp tục khó khăn ảnh 1

Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đưa 4 nhóm tín dụng bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất để tiếp tục cho vay vốn sản xuất và được dư luận đánh giá cao. Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, tín dụng cho hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục được xử lý ra sao?

Tôi cho rằng, không có cách nào khác là phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.

Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời, áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.

Các tổ chức tín dụng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở; các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012; trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản; thực hiện tạm dừng, giãn tiến độ đối với các dự án đầu tư có sản phẩm bất động sản dư thừa, khó tiêu thụ, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án có sản phẩm đáp ứng nhu cầu cao của xã hội để phù hợp với mối quan hệ cung - cầu của nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ khó khăn về xác định giá đất sát giá thị trường, về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất cho phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu, ban hành các định chế tài chính mới như: Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường; nghiên cứu, đề xuất về thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, bất động sản.

 

Bước sang năm mới 2012, Bộ trưởng nhận định thế nào về tương lai của thị trường bất động sản? Phân khúc bất động sản nào sẽ là tiềm năng?

Mặc dù đã đạt được mục tiêu đề ra của năm 2011 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng những khó khăn, thách thức vẫn đang hiện hữu.

Vì vậy, năm 2012, Chính phủ cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, mà đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng tăng trưởng hợp lý và điều này sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản.

Vì vậy, tôi cho rằng, thị trường bất động sản năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. Phân khúc nhà cho người thu nhập thấp sẽ là thị trường tiềm năng, nhưng giá phải ở mức độ phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.