Năm 2021, các doanh nghiệp trả cổ tức cho cổ đông dự kiến đạt 1.400 tỷ USD, gần đạt mức trước đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo của công ty quản lý tài sản Janus Henderson được công bố hôm thứ Hai (23/8), các khoản thanh toán cổ tức cho các cổ đông năm 2021 dự kiến ​​đạt 1.390 tỷ USD, chỉ thấp hơn 3% so với mức đỉnh trước đại dịch.

Chi trả cổ tức trên toàn cầu trong quý II/2021 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 471,7 tỷ USD, chỉ thấp hơn 6,8% so với quý II/2019. Janus Henderson dự đoán rằng, chi trả cổ tức sẽ trở lại mức cao trước đại dịch trong vòng 12 tháng tới.

Báo cáo cho biết, 84% công ty trên khắp thế giới đã tăng cổ tức hoặc duy trì mức cổ tức so với cùng kỳ năm 2020.

Phần lớn sự tăng trưởng cổ tức được cho là do các công ty bắt đầu lại các khoản thanh toán cổ tức bị đóng băng trong thời gian trước và phát hành cổ tức đặc biệt cao hơn nhờ lợi nhuận tăng cao.

Trong đó, Samsung đã vượt qua Nestle để trở thành công ty chia trả cổ tức lớn nhất thế giới cùng các công ty Rio Tinto, Sberbank và Sanofi cũng lọt vào top 5.

Samsung đã chia trả cổ tức tổng cộng 12,2 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong quý II/2021 và Janus Henderson dự đoán rằng, Samsung có thể sẽ nằm trong số 5 công ty chia trả cổ tức nhiều nhất thế giới trong suốt năm 2021.

Jane Shoemake, Giám đốc danh mục đầu tư khách hàng về cổ phiếu toàn cầu tại Janus Henderson cho biết: “Sự phục hồi mạnh mẽ hơn rất nhiều so với dự đoán của chúng tôi và tôi nghĩ rất đáng khích lệ khi chúng tôi thấy các công ty này cảm thấy đủ mạnh để trả lại tiền mặt cho các cổ đông”.

Sự khác biệt về địa lý

Báo cáo cho biết, các khoản thanh toán cổ tức ở Anh tăng 60,9% và ở châu Âu tăng 66,4% trong khi phần lớn việc cắt giảm cổ tức là ở các thị trường mới nổi. Điều này một phần đã phản ánh tác động chậm trễ từ chia cổ tức trong năm 2020 do lợi nhuận thấp.

Bắc Mỹ là khu vực chia trả cổ tức kỷ lục trong quý II với các công ty Canada chiếm trọng số. Tuy nhiên, các khoản thanh toán trong khu vực Bắc Mỹ phần lớn là cổ tức chưa chia trả trong năm 2020 nên hầu như không thể hiện được sự tăng trưởng thực sự.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoài Nhật Bản, mức tăng trưởng cổ tức là 45% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hàn Quốc và Úc dẫn đầu mức tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, Singapore vẫn bị hạn chế bởi các khoản cổ tức của ngân hàng vẫn chưa được chia trả.

Việc chia trả cổ tức của Nhật Bản cũng được duy trì mạnh mẽ vào năm 2020, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tại các thị trường mới nổi, chia trả cổ tức giảm 3,2% trong khi chỉ 56% công ty ở các thị trường mới nổi tăng hoặc giữ cổ tức ổn định trong quý II.

Sự khác biệt về nhóm ngành

Báo cáo của Janus Henderson cho thấy các công ty khai thác mỏ tăng trưởng có tốc độ chia trả cổ tức nhanh nhất nhờ giá cả hàng hóa bùng nổ, trong khi các công ty công nghiệp và tiêu dùng xa xỉ cũng tăng mạnh trở lại. Những lĩnh vực phòng thủ như viễn thông, thực phẩm và sản phẩm gia dụng cũng duy trì tốc độ tăng trưởng một con số nhất quán như thời gian trước đó.

Ben Lofthouse, người đứng đầu bộ phận đầu tư cổ phiếu toàn cầu tại Janus Henderson cho biết: “Xét về các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhất, triển vọng cổ tức của các lĩnh vực dịch vụ tài chính và hàng hóa là cải thiện nhiều nhất kể từ năm ngoái”.

Nhiều ngân hàng và các công ty dịch vụ tài chính đã phải chịu những hạn chế về quy định đối với việc chi trả cổ tức trong thời kỳ đại dịch và hiện hiện đang bắt đầu gia tăng chia trả cổ tức.

“Các lĩnh vực du lịch và giải trí vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của Covid-19, và trong khi nhiều lĩnh vực đã điều chỉnh hoạt động để có thể tồn tại, lĩnh vực này khó có khả năng trả cổ tức cho đến khi bảng cân đối kế toán phục hồi”, chiến lược gia Ben Lofthouse cho biết.

Tin bài liên quan