Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế bất chấp đại dịch Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn.

Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế bất chấp đại dịch Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn.

Năm 2021, Vĩnh Phúc xếp thứ 9 cả nước về tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 21/1/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện công bố kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu nhiệm vụ năm 2022 của tỉnh.

Thông tin từ UBND tỉnh cho hay, năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Vĩnh Phúc vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật. GRDP ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2021, ước tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 63,74%, ngành dịch vụ chiếm 28,43%, ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản chiếm 7,83% (so với tỷ trọng tương ứng năm 2020 lần lượt là 61,32% - 30,45% - 8,23%).

Năm 2021, môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc tiếp tục được cải thiện khi thu hút được trên 1,025 tỷ USD vốn FDI, tăng 51,29% so với cùng kỳ năm 2020, thu hút được 21,8 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 143,07% so với năm 2020.

Theo ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thì dù phải chịu ảnh hưởng của tất cả các làn sóng Covid-19, nhưng Vĩnh Phúc vẫn có 18/19 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch, 12 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt, duy nhất 1 chỉ tiêu là tăng trưởng là không đạt được. Riêng với chỉ tiêu này, ban đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư đề suất ở mức tăng trưởng 6 – 6,5% so với 2020, nhưng với mục tiêu áp sát tăng trưởng ở mức 2 con số, Vĩnh Phúc đã nâng chỉ tiêu năm 2021 lên mức 9%, và dù kết quả năm 2021, tỉnh chỉ đạt mức tăng trưởng là 8,02%, nhưng Vĩnh Phúc vẫn đứng thứ 9 toàn quốc và là một kết quả rất đáng khích lệ.

Về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Vĩnh Phúc đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu như sau: GRDP tăng 8 – 9%; tổng thu ngân sách phấn đấu đạt 31,9 nghìn tỷ đồng; thu hút 450 triệu USD vốn FDI, 10.500 tỷ đồng vốn DDI; giải quyết việc làm mới cho khoảng 16- 17.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 79%; về y tế phấn đấu đạt tỷ lệ 11 bác sĩ/10.000 dân, 36,8 giường bệnh/10.000 dân...

Cùng với đó, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ kép “chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội”, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án mới, có công nghệ tiên tiến.

Tin bài liên quan