Năm thất bát của các ngân hàng thương mại nhà nước

(ĐTCK-online) Trái với tốc độ tăng trưởng và hoạt động kinh doanh tăng chóng mặt của các ngân hàng thương mại cổ phần, khối ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đã có một năm thất bát nhất trong lịch sử phát triển kinh doanh của mình. Chỉ số ROE tính chung của khối NHTMNN đã giảm 46% xuống còn 13,15%, trong khi các ngân hàng cổ phần, nước ngoài và liên doanh thì đều chứng kiến việc gia tăng của chỉ số này.

Theo báo cáo cuối năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) của ngân hàng này giảm gần 1/3 xuống còn 18% vào thời điểm cuối năm 2007. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng cũng giảm 16,8% nhưng vẫn đạt mức lợi nhuận cao nhất trong khối các NHTMNN đạt giá trị 2.056 tỷ đồng.

Không riêng gì Vietcombank, các ngân hàng khác gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng chứng kiến việc suy giảm của nhiều chỉ tiêu.

Nguyên nhân chủ yếu của việc có một kết quả kinh doanh tồi trong lịch sử là do các ngân hàng chủ yếu dồn vốn cho việc gia tăng trích lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như chi phí hoạt động tăng lên đáng kể trong năm vừa qua trong những đợt trồi sụt của tỷ giá VND và USD cũng như việc tăng giá vốn tiền đồng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng gấp đôi tỷ lệ dữ trữ bắt buộc.

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank, việc tăng trích lập quỹ dự phòng là do việc phân loại nợ được tiến hành chặt chẽ hơn theo quy định mới của NHNN cho phù hợp với chuẩn quốc tế. Nếu như năm 2006, Vietcombank chỉ trích lập 40% số dự phòng rủi ro chung phải trích lập, nhưng trong năm 2007, Vietcombank đã trích lập đầy đủ 100% dự phòng rủi ro theo quy định, tức là 1.179 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với số tiền trích lập dự phòng năm 2006.

Lớn nhất là Agribank với khoản trích lập 6.300 tỷ đồng trong năm 2007, Incombank cũng trích lập 2.428 tỷ đồng dự phòng rủi ro, cao hơn kế hoạch 2.100 tỷ đồng trong năm 2007.

Ngoài lý do tăng số tiền trích lập quỹ dự phòng rủi ro, việc các ngân hàng bổ sung vốn điều lệ và vốn tự có từ tiền cấp bổ sung vốn của Chính phủ, phát hành trái phiếu… đã khiến các ngân hàng này dù có tăng được mức lợi nhuận tuyệt đối so với năm trước nhưng các chỉ tiêu ROA, ROE vẫn giảm. Theo báo cáo, lợi nhuận của Agribank tăng 40% so với năm 2006, Incombank đạt lợi nhuận trước thuế là 1.450 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với kế hoạch.

Mặc dù “tạm dừng bước” năm nay, nhưng hầu hết các NHTMNN đều đặt kỳ vọng cao vào năm 2008 khi mọi bước chuẩn bị cho việc cất cánh đã gần hoàn tất. Vietcombank dự định đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 40% trong năm nay và thậm chí còn cao hơn nữa. Agribank dự định đạt mức tăng lợi nhuận tối thiểu là 10% so với năm 2007.

Theo thông tin mới nhất từ Agribank, trong số các NHTMNN, Chính phủ đã lùi thời hạn tiến hành cổ phần hoá Agribank vào cuối năm 2009 sau khi cân nhắc kế hoạch giãn các đợt IPO của các tổ chức lớn. Các ngân hàng còn lại sẽ tiến hành trong năm nay bao gồm BIDV và Incombank.