Nền kinh tế tự chủ để hội nhập hiệu quả, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt với những cú sốc bên ngoài là một trong những nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam hội nhập tốt hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Nền kinh tế tự chủ để hội nhập hiệu quả, bền vững

Nền kinh tế tự chủ không phải là tự cung, tự cấp

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ tổ chức ngày 5/6 tại TP.HCM đã xác định chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Theo lịch trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ phát biểu tại Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh, sự kiện này sẽ là nơi chia sẻ quan điểm giữa đại diện các ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện các tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Tình hình thế giới hiện tại diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định trên nhiều phương diện đã khiến nhiều quốc gia chú trọng hơn đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài.

Cần phải nhắc đến bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cách đây nửa tháng tại Đại học Harvard, khi tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc. Trong đó, Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay. Tuy nhiên, xu hướng độc lập, tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, tự cung, tự cấp, mà gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế.

“Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Những vấn đề nóng sẽ được bàn tới

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế thế giới đang đối mặt với 2 cú sốc lớn: tác động của Covid-19 vẫn còn phức tạp; xung đột địa chính trị. Tác động của chúng không chỉ làm chuỗi cung ứng thế giới đang bị gián đoạn, giá các hàng hóa thiết yếu tăng cao, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, mà còn dẫn tới sự dịch chuyển lớn chuỗi cung ứng, từ chuỗi sang mạng, nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng tăng cao.

Chính vì vậy, trong cấu trúc Diễn đàn, trước khi diễn ra Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao, 3 hội thảo chuyên đề sẽ được thực hiện song song. Các vấn đề nóng nhất của nền kinh tế sẽ được bàn tới, gồm: lao động sau đại dịch Covid-19, phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản và đổi mới công nghệ. Đồng thời, Việt Nam là nền kinh tế hội nhập sâu, nên các biến động chuỗi cung ứng sẽ là những rủi ro chính, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đến nền kinh tế.

“Đây là các thị trường nhân tố sản xuất, những yếu tố đầu vào quan trọng trong phát triển, tạo năng lực cạnh tranh, sức sáng tạo cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta thiết lập các thị trường phát triển bền vững, phân bổ nguồn lực còn hạn hẹp một cách hiệu quả, thì nền kinh tế sẽ có năng lực nội tại đủ mạnh để chống chịu tốt hơn với các cú sốc bên ngoài”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương phân tích.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư có nội dung chuyên sâu về quản trị rủi ro quốc gia, với sự tham gia phát biểu của Phó tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Năm nay, lần đầu tiên Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao sẽ có sự tham gia của 3 bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao sẽ tập trung thảo luận các nội dung như: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới...

Tin bài liên quan