Minh bạch là cơ sở thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững. Ảnh: Dũng Minh

Minh bạch là cơ sở thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững. Ảnh: Dũng Minh

Cần xây chắc “lá chắn” nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nền kinh tế, nếu thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” thì thị trường bảo hiểm là “lá chắn”, nên càng ổn định, bền vững bao nhiêu thì nền kinh tế càng chống chọi rủi ro tốt bấy nhiêu.

Tăng cường minh bạch hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Để thị trường bảo hiểm thực hiện đúng chức năng là “lá chắn” cho các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, của mỗi cá nhân và gia đình, tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm là vô cùng cần thiết.

Theo đó, cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về trình độ chuyên môn của nhân viên bảo hiểm, phải được đào tạo và cấp chứng chỉ tối thiểu tương đương chứng chỉ đại lý bảo hiểm để hạn chế việc tư vấn bảo hiểm sai, thực hiện trách nhiệm bồi thường/trả tiền bảo hiểm không đầy đủ, gây thiệt hại cho bên mua bảo hiểm.

Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho khách hàng, dẫn đến tranh chấp và bên mua thường là bên chịu bất lợi.

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các hồ sơ từ chối bồi thường/trả tiền bảo hiểm, hồ sơ có áp dụng chế tài/giảm trừ quyền lợi để bảo vệ lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm - đối tượng cần hỗ trợ khi gặp hoạn nạn cần tới bảo hiểm.

Khi nhận được đơn thư khiếu nại, phản ánh/kêu cứu của bên mua bảo hiểm bị từ chối chi trả bảo hiểm/bị cắt xén quyền lợi, Bộ Tài chính (thông qua Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) cần tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải trình, thay vì trả lời chung chung là “đề nghị bên mua bảo hiểm khởi kiện ra tòa theo Luật Tố tụng dân sự” như hiện nay.

Hạn chế xung đột pháp lý khi phê duyệt sản phẩm bảo hiểm

Đối với công tác phê duyệt sản phẩm bảo hiểm, cơ quan quản lý cần tham chiếu các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và những sắc luật liên quan để tránh xảy ra tranh chấp khó giải quyết sau này.

Chẳng hạn, với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính đã phê duyệt cho các doanh nghiệp bảo hiểm điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật, nhưng quy định tại Mục 3a, Điều 16 - Luật Kinh doanh bảo hiểm lại nêu không được áp dụng điểm loại trừ trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý.

Thực tế, trong quá trình hỗ trợ khách hàng đòi bồi thường, chúng tôi gặp nhiều trường hợp tai nạn giao thông bên mua bảo hiểm chỉ vi phạm hành chính (lấn làn, đè vạch, không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ...) do vô ý, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm lợi dụng điều khoản loại trừ này để từ chối trách nhiệm bảo hiểm.

Nhân đây, tôi kiến nghị giữ nguyên quy định tại Mục 3a, Điều 16 - Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bởi việc bỏ điều khoản này tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có thể dẫn đến việc bị nhà bảo hiểm lợi dụng để loại trừ mọi hành vi vi phạm pháp luật vào hợp đồng, gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm trong các vụ tai nạn giao thông.

Tương tự, với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, Bộ Tài chính đã phê duyệt quy tắc bảo hiểm, trong đó có quy định bên mua bảo hiểm phải cung cấp hồ sơ tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông cho doanh nghiệp bảo hiểm, trong khi Thông tư 63/2020/TT-BCA của Bộ Công an lại quy định, cơ quan công an chỉ cung cấp hồ sơ tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm, không cung cấp cho lái xe. Hệ quả là bên mua không cung cấp được hồ sơ công an có thể bị từ chối bồi thường, bị giảm trừ số tiền bồi thường.

Bộ Tài chính cũng phê duyệt quy tắc bảo hiểm xe cơ giới có điểm loại trừ trường hợp lái xe có cồn trong máu, mà chưa lưu ý đến trường hợp cồn sinh lý người nào xét nghiệm cũng có chỉ báo lớn hơn 0. Một số doanh nghiệp từng lợi dụng điểm loại trừ này để từ chối bồi thường các vụ thiệt hại lớn.

Giám sát chặt chẽ hơn hoạt động bancassurance

Những năm gần đây, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua đại lý để trở thành kênh phân phối quan trọng nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, động thái kiểm tra, chấn chỉnh và giám sát chặt hơn hoạt động này từ cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn ngân hàng của cơ quan quản lý là rất quan trọng.

Trên thực tế, tình trạng người vay vốn bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm, thậm chí là các sản phẩm không liên quan (vay mua nhà, mua xe, kinh doanh... bị ép mua bảo hiểm nhân thọ) diễn ra khá phổ biến, chẳng hạn người có nhu cầu vay vốn mua ô tô nếu không mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm do ngân hàng cho vay chỉ định sẽ không được giải ngân, tăng lãi suất, không cấp giấy thông hành phương tiện...

Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm không có chứng chỉ đào tạo đại lý theo Điều 86 - Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ngân hàng chạy theo hoa hồng ép khách hàng mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm dịch vụ kém, nhưng trả hoa hồng cao, còn doanh nghiệp bảo hiểm xâm hại quyền lợi của khách hàng để bù đắp lại.

Lâu nay, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ muốn đẩy mạnh kênh bancassurance hầu hết đều trả hoa hồng cho ngân hàng cao hơn quy định và để bù đắp phần vượt quá này, hạn chế chi phí bồi thường là giải pháp tất yếu, mà điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Vẫn còn tồn tại tình trạng nhân viên ngân hàng cấu kết với đại lý bảo hiểm nhân thọ (kênh bancassurance) tư vấn không đầy đủ, thậm chí tư vấn sai… để hướng người gửi tiền (chủ yếu là người lớn tuổi, người ít thông tin) không gửi tiết kiệm, mà chuyển sang mua sản phẩm nhân thọ liên kết đầu tư với con số lãi minh họa cao hơn, trong khi lãi thực nhận không như vậy. Đến hạn tái tục, người gửi không có khoản tiền tương đương để đóng phí sẽ mất toàn bộ số tiền đã đóng, mà họ vẫn đang nhầm tưởng là gửi ngân hàng. Thực tế, không ít trường hợp người lớn tuổi bị mất sạch khoản tiền tiết kiệm dưỡng già khi sập bẫy các đối tượng này.

Siết chặt chi hoa hồng bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

Hiện nay, hầu như không doanh nghiệp bảo hiểm nào chi hoa hồng nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo đúng tỷ lệ quy định là ô tô 5% và mô tô 20% tổng doanh thu phí, mà lên tới 55% đối với ô tô và 80% đối với mô tô. Hậu quả là bên mua bảo hiểm bị xâm hại quyền lợi khi xảy ra rủi ro, trong khi phí bảo hiểm thực chất bị công ty bảo hiểm và trung gian phân phối chia chác nhau.

Đối với những trường hợp bán bảo hiểm xe cơ giới khác với điều khoản đã đăng ký (thu hẹp phạm vi bảo hiểm), trái với quy định tại Khoản 4a, Khoản 6, Điều 39 - Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đề nghị Bộ Tài chính thu hồi công văn chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm vật chất xe ô tô.

Tin bài liên quan