Nga đang nghiên cứu thiết kế đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới tới Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (19/10), Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết, họ đang nghiên cứu thiết kế cơ sở hạ tầng cho đường ống dẫn khí đốt từ đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga tới Trung Quốc.
Nga đang nghiên cứu thiết kế đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới tới Trung Quốc

Nga và Trung Quốc vào đầu năm 2022 đã đồng ý tăng cường cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống mới, dự kiến sẽ xuất khẩu thêm 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Nga hiện cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia đã bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2019. Lưu lượng khí đốt vận chuyển vào năm 2022 từ Nga tới Trung Quốc đã đạt 15 tỷ m3, trong khi tổng lưu lượng trong cả năm nay dự kiến sẽ tăng lên 22 tỷ m3.

Nga và Trung Quốc đã đồng ý tăng cường cung cấp khí đốt cho Nga từ nhiều năm trước, còn Gazprom và các tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ của Trung Quốc đã làm việc trong nhiều năm để tăng nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống.

Hôm thứ Năm (19/10), Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một phụ lục cho thỏa thuận xuất khẩu khí đốt thông qua đường ống Sức mạnh Siberia để có thêm lượng khí đốt được cung cấp vào cuối năm 2023.

Nga cũng hy vọng đạt được một thỏa thuận lớn để vận chuyển thêm 50 tỷ m3 mỗi năm đến Trung Quốc thông qua dự án mới với đường ống Sức mạnh Siberia 2 thông qua Mông Cổ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã kéo dài và tốn nhiều công sức vì các vấn đề chính như giá khí đốt vẫn khó nắm bắt.

Đầu tuần này, Giám đốc điều hành Gazprom, Alexey Miller cho biết, Nga có thể sớm cung cấp cho Trung Quốc khối lượng khí đốt tương đương với khối lượng mà Nga vận chuyển đến Tây Âu trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Trước xung đột, Nga cung cấp khoảng 35% tổng lượng khí đốt cho châu Âu.

Năm nay, xuất khẩu của Gazprom sang châu Âu đã sụt giảm và kéo lợi nhuận của tập đoàn khí đốt này đi xuống. Gazprom đã báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm giảm mạnh do việc vận chuyển khí đốt tới châu Âu giảm so với năm 2022 khi Nga vẫn cung cấp khí đốt qua đường ống cho khách hàng châu Âu trong hầu hết nửa đầu năm ngoái.

Tin bài liên quan