Bình quân quy mô vốn chủ sở hữu của 10 NHTM lớn nhất Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD.

Bình quân quy mô vốn chủ sở hữu của 10 NHTM lớn nhất Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD.

Ngân hàng lộ “gót chân Asin”

(ĐTCK-online) Sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, diện mạo ngành ngân hàng đã có những thay đổi mạnh mẽ, bằng chứng là nhiều dịch vụ mới xuất hiện, khách hàng được chăm sóc chu đáo hơn, quy mô của các ngân hàng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, hệ thống ngân hàng đang bộc lộ những điểm yếu, mà theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ cơ quan quản lý đã phải tính đến việc xây dựng khung pháp lý để sáp nhập những ngân hàng nhỏ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, tránh đổ vỡ.

Tại cuộc hội thảo "Đổi mới và phát triển ngân hàng Việt Nam trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế" cuối tuần qua, đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã chỉ ra 3 điểm yếu của các ngân hàng. Thứ nhất, dịch vụ chưa phát triển, kém sức cạnh tranh, các ngân hàng chủ yếu cung cấp dịch vụ tín dụng, thanh toán và chuyển tiền. Ngoài dịch vụ thẻ mới được chú trọng trong thời gian gần đây, các dịch vụ khác như quản lý tài sản, quản lý đầu tư chưa phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện các ngân hàng nước ngoài có thể cung cấp khoảng 1.000 dịch vụ khác nhau cho khách hàng, trong khi các ngân hàng Việt Nam chỉ có chưa đầy 100 dịch vụ.

Điểm yếu thứ hai là năng lực tài chính còn hạn chế. Dù hệ số an toàn vốn tối thiểu của hầu hết ngân hàng thương mại (NHTM) đều đạt theo chuẩn yêu cầu của NHNN, nhưng bình quân quy mô vốn chủ sở hữu của 10 NHTM lớn nhất Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD. Ngoài hệ thống NHTM quốc doanh có số vốn điều lệ thuộc loại trung bình so với các ngân hàng trong khu vực, các NHTM có quy mô vốn nhỏ đều nằm trong tình trạng cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu hoạt động. Điều này làm cho khả năng thanh khoản và tính bền vững của hệ thống chưa cao.

Điểm yếu thứ ba là công tác quản trị tài sản nợ - có, quản trị rủi ro còn hạn chế. Trong những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt tốc độ rất cao, đặc biệt là các NHTM mới chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị, trong khi cơ sở hạ tầng công nghệ, mạng lưới chi nhánh còn yếu, năng lực quản trị điều hành chưa được cải thiện tương xứng với tốc độ mở rộng quy mô hoạt động. Đáng chú ý, năm 2007 có gần 50 tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng dư nợ trên 50% và gần 30 tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng dư nợ trên 100%. Nhiều tổ chức tín dụng chưa xây dựng hệ thống đánh giá xếp hạng tín dụng nội bộ cho các nhóm khách hàng theo thông lệ. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát rủi ro thanh khoản còn yếu. Nguyên nhân là công tác quản trị tài sản nợ tại các NHTM còn yếu, các ngân hàng chưa thực sự làm chủ được nguồn vốn huy động với đặc điểm về loại tiền, kỳ hạn thực tế luôn biến động trong bối cảnh lạm phát cao, đồng USD xuống giá và TTCK suy giảm.

Đề cập đến "gót chân Asin" của các ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mùi, Phó giám đốc Học viện Tài chính cho biết, một công trình nghiên cứu định lượng về hiệu quả hoạt động của 32 NHTM Việt Nam đã đưa ra nhận xét: chỉ có 79,1% ngân hàng sử dụng hiệu quả đầu vào, không ít ngân hàng sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn chưa hợp lý. Số ngân hàng cổ phần tuy lớn về lượng, nhưng trong quá trình hoạt động hàm chứa nhiều yếu tố bất ổn như vốn nhỏ, chất lượng tài sản có thấp, trong khi các ngân hàng này còn phải chịu sức ép do sự kỳ vọng quá mức của NĐT vào cổ phiếu.

Bà Mùi cho rằng, trước những biến động thất thường của nền kinh tế, sự chậm trễ hay những can thiệp quá mức của các cơ quan quản lý thì tính dễ bị tổn thương và đổ vỡ của một số ngân hàng mới thành lập từ nông thôn chuyển lên đô thị là khó tránh khỏi nếu không có sự ứng cứu kịp thời của NHNN. Thực tế này đòi hỏi phải cơ cấu lại các NHTM theo hướng giảm thiểu số lượng, gia tăng năng lực tài chính, trình độ quản lý và công nghệ. Cơ quan quản lý nên xây dựng cơ chế khuyến khích mua và tiếp nhận nợ, sáp nhập - mua lại để một mặt tăng năng lực tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, mặt khác giảm bớt số lượng các ngân hàng.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank cũng cho rằng, Chính phủ nên tính đến trường hợp một số ngân hàng có chủ trương sáp nhập trong tương lai gần, khuyến khích (không phải bắt buộc) các ngân hàng nhỏ sáp nhập thông qua việc xây dựng lộ trình phát triển cho các ngân hàng Việt Nam và xây dựng hành lang pháp lý cho việc sáp nhập, tránh tình trạng khi các ngân hàng đã có chủ trương sáp nhập nhưng cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp lý không rõ ràng khiến cho ngân hàng mất cơ hội và ở trong tình trạng dở dang không mong muốn.

Cụ thể hóa những chỉ tiêu để NHTM vượt qua khó khăn trong thời gian tới, bà Lê Thị Huyền Diệu (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) cho rằng, một NHTM cần có hệ số an toàn vốn trong giai đoạn hiện nay khoảng 10% (bình thường là 8%); tỷ lệ cho vay trên huy động dưới 60% (khi nền kinh tế ổn định thì tỷ lệ này dưới 80%); tỷ lệ huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chiếm khoảng 5% tổng tài sản; cơ cấu thu nhập đa dạng đến từ nhiều nguồn khác nhau, tỷ trọng thu từ dịch vụ chiếm ưu thế trong cơ cấu thu nhập; tỷ trọng cho vay chứng khoán, bất động sản trong tổng dư nợ thấp, giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay phải cao hơn số dư nợ và luôn được đánh giá lại giá trị thị trường, đồng thời phải tuân thủ việc trích lập dự phòng theo quy định của NHNN.