PG Bank đang có chủ trương sáp nhập với VietinBank

PG Bank đang có chủ trương sáp nhập với VietinBank

Ngân hàng lớn “bị” chạy đua M&A

Nhiều “ông lớn” trong ngành ngân hàng đang chạy đua mua bán - sáp nhập (M&A) để củng cố tiềm lực.

Vietcombank (VCB) có thể sẽ nhận một ngân hàng thương mại nhỏ khác về chung mái nhà với mình. Điều này không quá ngạc nhiên, bởi trước đây, VCB cũng đã từng làm “bà đỡ” cho một vài ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

VCB cho biết, trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 23/4 sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập một ngân hàng khác. Trong dự thảo một tài liệu khác của Ban điều hành VCB sẽ báo cáo các cổ đông trong kỳ đại hội tới, VCB cũng cho biết sẽ sẵn sàng tham gia tái cơ cấu, sắp xếp lại các ngân hàng thương mại khi có chủ trương của Chính phủ và NHNN.

Trong tài liệu công bố tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 18/4, PG Bank có đề xuất sáp nhập vào VietinBank. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT PG Bank, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, đến nay, Ngân hàng vẫn chưa chốt phương án sáp nhập vào

VietinBank. Việc sáp nhập này mới dừng lại ở việc xin chủ trương.

Thời gian qua, PG Bank đã tìm nhiều đối tác để tái cấu trúc, nhưng VietinBank là đối tác có tiềm năng nhất, nên HĐQT PG Bank đã đề xuất đại hội đồng cổ đông chấp thuận phương án tái cấu trúc PG Bank bằng việc sáp nhập vào VietinBank, với phương án hoán đổi cổ phiếu để

VietinBank sở hữu 99% cổ phần PG Bank, nhưng vẫn giữ nguyên mô hình PG Bank là một ngân hàng.

Theo đánh giá của một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, nếu điều này xảy ra, thì PG Bank sẽ trở thành ngân hàng con của VietinBank. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cấp cao trên thắc mắc, với vị trí của VietinBank hiện nay, không biết có nên “ôm” thêm PG Bank hay không, vì PG Bank là một ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém.

Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của PG Bank đã giảm mạnh từ mức 9,81% của tháng 9/2013 xuống còn dưới 3%. Tuy nợ xấu giảm mạnh, song tín dụng của PG Bank hầu như không tăng trưởng (chỉ tăng 0,6%).

Tại kỳ đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 19/4, Maritime Bank cũng sẽ trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập MeKong Bank - ngân hàng mà Maritime Bank có tỷ lệ chi phối lớn.

Được biết, tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 15/4, MeKong Bank đã trình phương án sáp nhập vào một ngân hàng khác. Điều đáng chú ý là, cổ đông chiến lược nước ngoài của MeKong Bank sẽ chuyển nhượng lại 20% cổ phần cho Maritime Bank.

Trước đó không lâu, đại hội đồng cổ đông của Sacombank đã thông qua chủ trương ủy quyền cho HĐQT xây dựng đề án sáp nhập Southern Bank. Ông Kiều Hữu Dũng, tân Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, HĐQT trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập Southern Bank, nhằm tạo thêm lợi thế cạnh tranh, nâng cao hơn nữa quy mô hoạt động.

Sau khi được đại hội đồng cổ đông thông qua, HĐQT Sacombank sẽ triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập cụ thể theo phương án khả thi và thực hiện các thủ tục cần thiết để trình NHNN. Nhiều khả năng, thương vụ sáp nhập này sẽ hoàn tất trong mùa hè này.

Tuy nhiên, theo giới đầu tư, phân tích lĩnh vực tiền tệ - chứng khoán, các thương vụ sáp nhập trên đều mang dáng dấp vụ “cứu hộ” và gom về một mối để giảm tỷ lệ sở hữu chéo, thay vì sự tự nguyện của hai bên.

Chẳng hạn, với thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, mặc dù trên thực tế, Sacombank không cần thiết phải “ôm” thêm Southern Bank, bởi Southern Bank là một ngân hàng nhỏ, yếu kém, nhưng do hai ngân hàng này cùng chung một chủ sở hữu và cá nhân ông Trầm Bê cùng người thân trong gia đình sở hữu tỷ lệ vượt 20% cổ phần Southern Bank và trên 6% cổ phần tại Sacombank, nên việc sáp nhập sẽ xử lý được vấn đề sở hữu chéo.

Maritime Bank chuẩn bị sáp nhập thêm MeKong Bank cũng có lý do tương tự, khi tỷ lệ chi phối của Maritime Bank tại MeKong Bank là trên 15%.

Có thể thấy, M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang được đẩy mạnh nhằm giảm bớt những ngân hàng yếu kém, từ đó, ngành ngân hàng có thể nhanh chóng giải quyết được khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu... Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, thì đến cuối năm 2015, sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng thương mại, so với con số 45 ngân hàng hiện nay.

Tuy nhiên, việc sắp xếp lại những ngân hàng yếu kém chỉ mới là một phần trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính. Hơn nữa, theo một số chuyên gia, việc ngân hàng quá yếu sáp nhập vào ngân hàng lớn chưa hẳn sẽ giải quyết được vấn đề, thậm chí có thể kéo lùi ngân hàng lớn.

Tin bài liên quan