Tài năng công nghệ là chìa khóa cho chuyển đổi thành công.

Tài năng công nghệ là chìa khóa cho chuyển đổi thành công.

Ngân hàng mở, những “bí quyết” thành công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong những năm gần đây, ngành ngân hàng Việt Nam đã chủ động chuyển đổi để phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế số và công tác chuyển đổi số là vấn đề được các ngân hàng quan tâm, đưa vào chiến lược phát triển.

Ngân hàng mở, động lực chính của quá trình số hóa ngân hàng

Số hóa là một sự chuyển đổi sâu sắc mang lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng, phát triển các dòng doanh thu mới, tạo lợi nhuận từ các tài sản hiện có và gia tăng cơ hội tham gia vào một hệ sinh thái với lợi ích chung lớn hơn.

Ngày nay, Ngân hàng mở (Open Banking) là động lực chính của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mà chúng ta đang trải qua trong lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng mở cho phép trao đổi dữ liệu tài chính giữa các ngân hàng với bên thứ ba đồng thời gia tăng việc sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng (API), điều này mở ra hàng loạt các cơ hội mới.

Theo một báo cáo của Accenture, các ngân hàng đều hiểu sự cần thiết phải áp dụng Ngân hàng mở để duy trì tính cạnh tranh, tạo sự thích ứng và giành chiến thắng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Xu thế này được nhấn mạnh một cách rõ ràng trong cuộc khảo sát của Accenture với các cán bộ cấp cao tại 100 ngân hàng lớn, trong đó 65% coi Ngân hàng mở là cơ hội hơn là mối đe dọa, 52% coi đó là cách để trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh truyền thống và 99% có kế hoạch đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này.

Ngân hàng mở đang phát triển trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang hướng tới việc làm thế nào để chia sẻ và quản lý dữ liệu tài chính thông qua các API mở. Tùy thuộc vào từng quốc gia, việc này có thể phải tuân theo quy định của luật pháp (chẳng hạn tại EU, Hồng Kông – Trung Quốc và Úc), hoặc theo quy định thị trường (chẳng hạn tại Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc) hoặc theo hướng kết hợp cả luật pháp và thị trường. Song, bất kể với cách tiếp cận nào, để triển khai thành công Ngân hàng mở, các ngân hàng phải phụ thuộc vào khả năng phối hợp với các đối tác liên quan.

Ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc Khối Ngân hàng giao dịch, Standard Chartered Việt Nam

Ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc Khối Ngân hàng giao dịch, Standard Chartered Việt Nam

Điều này có nghĩa là cần phát triển thành công một hệ sinh thái quan hệ đối tác thông qua việc cộng tác với các đối tác khác trong chuỗi giá trị, cũng như thông qua việc tận dụng các cổng kết nối của nhà phát triển ứng dụng, cùng việc phối hợp với các cơ quan quản lý và việc chuyển tải thông tin đến với khách hàng.

Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang nắm bắt xu hướng này thông qua Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đang thực hiện chương trình này bằng việc bắt tay vào xây dựng một hệ sinh thái đối tác (tức là các bộ thuộc Chính phủ, ngân hàng, công ty tiện ích, các tổ chức phi ngân hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác) kết nối chủ yếu thông qua việc truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với mục đích tạo ra các dịch vụ giá trị gia tăng cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, các ngân hàng ở Việt Nam cũng đang áp dụng Ngân hàng mở với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hiện hữu thông qua ứng dụng API mở - giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng và thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên tham gia trong cùng chuỗi giá trị.

Tất cả những điều này làm nổi bật những bước tiến đã đạt được, cũng như mở ra nhiều cơ hội phía trước, đồng thời thúc đẩy quá trình xem xét, cải thiện khuôn khổ pháp lý và sửa đổi hành lang pháp lý liên quan, chẳng hạn pháp luật về thương mại điện tử với việc công nhận chữ ký số, hợp đồng kỹ thuật số và chứng từ kỹ thuật số…

Việc này sẽ giúp thúc đẩy quá trình tích hợp, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và từng bước xây dựng nền kinh tế số tập trung vào người dân và doanh nghiệp, nhất là khi Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế số lên 20% trong tổng GDP vào năm 2025.

Áp dụng Ngân hàng mở theo hướng nào?

Để thực hiện chiến lược Ngân hàng mở, các ngân hàng nên áp dụng mô hình nền tảng mở và xác định các năng lực tiềm tàng, cũng như nguồn đầu tư cần thiết để biến nó thành hiện thực.

Họ phải hòa mình vào các hoạt động hàng ngày của người tiêu dùng, nhà bán lẻ và các doanh nghiệp bằng cách tập trung mục tiêu vào các thời điểm tài chính cụ thể trong đời sống tài chính của các đối tượng này thông qua việc sử dụng các ứng dụng API bên ngoài.

Họ nên phát triển hệ sinh thái đối tác chiến lược để tạo môi trường cho các hiệu ứng mạng hoạt động, cũng như nên phát triển các mô hình kinh doanh mới với việc bắt đầu suy nghĩ lại về các mô hình doanh thu, việc phát triển sản phẩm và làm thế nào để thương mại hóa sự phát triển của các API mở.

Điều đó nói lên rằng, việc quan trọng cần phải ghi nhớ là chiến lược không chỉ đơn thuần là sự chuyển đổi công nghệ. Về cốt lõi, đó là sự chuyển đổi về con người và văn hóa để kích hoạt các hiệu ứng mạng lưới này. Các nhà lãnh đạo cấp cao của ngân hàng nên định hướng thúc đẩy việc chuyển đổi, trong đó lấy kỹ thuật số làm trung tâm để hiện thực hóa điều này. Để làm được như vậy, đòi hỏi sự phối hợp rất lớn từ các sáng kiến liên ngân hàng, việc mở rộng các mức độ ưu tiên, việc phân bổ nguồn lực và sự cộng tác trong suốt quá trình triển khai.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của ngân hàng nên định hướng thúc đẩy việc chuyển đổi, trong đó lấy kỹ thuật số làm trung tâm để hiện thực hóa điều này.

Ông Sylvester Kinuthia

Thách thức ở đây là việc dẫn dắt một chương trình thay đổi toàn diện, bao gồm việc thay đổi đồng thời văn hóa doanh nghiệp, hệ thống và năng lực. Nó đòi hỏi sự đầu tư, việc lập kế hoạch và việc đưa ra các quyết định phối hợp trong toàn bộ ngân hàng.

Để có được sự thay đổi về văn hóa và đảm bảo sự bền vững của những thay đổi này, các ngân hàng cần thay đổi cách thức hoạt động của mình.

Điều này bao gồm việc lựa chọn được những tài năng phù hợp và tạo điều kiện phát triển năng lực của họ. Nó cũng bao gồm việc tính toán lại và cơ cấu một cách hợp lý các ưu tiên về quản trị, quản lý cũng như phân bổ ngân sách để tổ chức có thể thúc đẩy sự phát triển và đổi mới.

Chính phủ, ngân hàng và các tổ chức nói chung có vai trò trong việc đảm bảo rằng, các tài năng có cơ hội phát triển trên thị trường.

Điều này bao gồm việc có các chương trình giảng dạy phù hợp trong hệ thống giáo dục để giúp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với sự phát triển trong tương lai, cũng như việc cung cấp môi trường làm việc phù hợp (thông qua đào tạo, phát triển công cụ, tài liệu, con người...) trong tổ chức để mọi người có cơ hội nâng cao kỹ năng và phát triển năng lực phù hợp.

Tại Ngân hàng Standard Chartered, chúng tôi bắt đầu hành trình chuyển đổi kỹ thuật số với mục tiêu triển khai một nền tảng kỹ thuật số tiêu chuẩn mạnh trên toàn bộ mạng lưới, mang lại giá trị vượt trội cho khách hàng.

Chúng tôi đã sắp xếp hợp lý cấu trúc ngân hàng mở của mình để cho phép các đối tác và khách hàng có thể kết nối trong nhiều sản phẩm và tại nhiều khu vực. Chúng tôi không ngừng cố gắng trở thành đối tác tài chính đáng tin cậy để thúc đẩy quá trình số hóa và chuyển đổi cho khách hàng…

Chúng tôi hội tụ một nhóm liên chức năng gồm các tài năng trong và ngoài tổ chức (bao gồm cả từ các công ty công nghệ và Fintech) hoạt động trên mọi lĩnh vực và sản phẩm mà chúng tôi cung cấp để đưa những ý tưởng và khái niệm mới ra thị trường theo một hình thức sáng tạo mới.

Nhưng việc này cũng phải đi kèm với sự thay đổi về tư duy do việc triển khai các giải pháp về dữ liệu và kỹ thuật số đòi hỏi một quy trình tiếp cận linh hoạt theo hướng “thử nghiệm và học hỏi”. Đây là một nét văn hóa mà chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng và khuyến khích trong Ngân hàng. Tài năng là chìa khóa cho chiến lược của chúng tôi và sự đa văn hóa của các tài năng là công thức bí mật của chúng tôi.

Standard Chartered có nhân viên từ hơn 130 quốc tịch, đây là một lợi thế cạnh tranh độc đáo vì chúng tôi có thể thích ứng với nhiều thị trường thực tế đa dạng và có khả năng giải quyết mọi vấn đề phức tạp. Một đội ngũ đa dạng về văn hóa hội tụ những quan điểm khác nhau, chính điều này tạo ra thúc đẩy về sáng tạo và đổi mới.

Đây là một thế mạnh của Standard Chartered, đặc biệt khi nhìn vào nền tảng khách hàng đa dạng mà chúng tôi đang phục vụ. Thêm vào đó, sự hợp tác đồng sáng tạo với khách hàng cũng là một nguồn lực dồi dào cho sự phát triển các ý tưởng mới.

Yêu cầu về bảo mật và hợp tác

Open API trực tiếp cung cấp cho hệ sinh thái dữ liệu của ngân hàng lõi (chẳng hạn chi tiết tài khoản, giao dịch thanh toán…), do đó các ngân hàng cần đảm bảo có các khả năng công nghệ cần thiết để quản lý bảo mật và xây dựng sự tin cậy.

Đúng vậy, như là một phần mở rộng của khả năng bảo mật công nghệ thông tin cơ sở, khả năng bảo mật API của ngân hàng phải tuân thủ với cùng nguyên tắc, bao gồm khả năng quản trị và quản lý dữ liệu giống như mọi ứng dụng được sử dụng bởi khách hàng.

Thêm vào đó, điều quan trọng là phải áp dụng một chính sách bảo mật nhất quán cho tất cả các dịch vụ liên quan đến API được triển khai.

Hơn nữa, việc đào tạo khách hàng về dịch vụ là một phần quan trọng trong toàn bộ quá trình này và là trách nhiệm mà các ngân hàng phải đảm nhận, bởi việc này góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Chính việc khách hàng không nhận biết về khả năng của công nghệ trong quản trị và quản lý dữ liệu… về các quy định liên quan điều chỉnh Ngân hàng mở... dẫn đến việc họ ngần ngại trong chia sẻ dữ liệu của mình với bên thứ ba.

Các ngân hàng cần tích cực làm việc với các cơ quan quản lý và các đối tác để đào tạo và chia sẻ thông điệp giải quyết các mối quan tâm của khách hàng về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Điều này đặc biệt quan trọng vì hầu hết khách hàng đều lần đầu tiên được trải nghiệm dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số và các đổi mới công nghệ khác.

Hợp tác với các cơ quan quản lý là động lực và định hướng chính cho chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm cả Ngân hàng mở. Để đảm bảo sự minh bạch về các quy định liên quan và cách tiếp cận nhất quán trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số, các ngân hàng nên làm việc với các cơ quan quản lý, các bộ, ngành liên quan để xem xét và cải thiện khuôn khổ pháp lý hiện hành.

Các đầu mối liên lạc cần phải cởi mở và tính minh bạch cần được duy trì bằng cách chia sẻ các phương pháp và bài học kinh nghiệm, cũng như thông qua ý tưởng, chủ trương trong các lĩnh vực và chủ đề cụ thể được quan tâm.

Tại Standard Chartered, chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc với khách hàng, đối tác, với Chính phủ và các cơ quan quản lý để chia sẻ các chủ trương, ý tưởng giải pháp và sự sáng tạo, vì tất cả chúng ta đều mong muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam. Điều này chắc chắn tạo sức mạnh cho nền kinh tế vì lợi ích chung của các tổ chức, của cộng đồng.

Tóm lại, ảnh hưởng của Ngân hàng mở sẽ rộng hơn nhiều so với chức năng hoạt động của ngân hàng truyền thống (chẳng hạn thanh toán và truy cập thông tin tài khoản).

Các chức năng hoạt động của ngân hàng cũng có thể trở nên vô hình khi chúng được gắn liền với các hoạt động hàng ngày của người tiêu dùng, nhà bán lẻ và nhiều doanh nghiệp khác - hãy coi ngân hàng đơn thuần là một dịch vụ hoặc ngân hàng như một thực thể kinh doanh.

Trong bối cảnh mới, các ngân hàng sẽ cần phải tìm cách chuyển dịch quy mô hoạt động hướng về phía cơ hội hơn là mối đe dọa.

Điều này liên quan đến việc phối hợp các dịch vụ để hướng tới mục tiêu tại các thời điểm cụ thể trong đời sống tài chính của khách hàng, nó sẽ cho phép các ngân hàng mở rộng hoạt động ngoài nền tảng đối tượng khách hàng hiện tại thông qua việc cung cấp các chức năng có giá trị cho các ngành khác.

Hơn nữa, việc mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng này rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng một cộng đồng tài năng lớn để thúc đẩy phát triển sản phẩm và các nền tảng ứng dụng. Nếu việc này được thực hiện một cách bài bản, các ngân hàng có cơ hội phát triển mạnh mẽ - củng cố thương hiệu và nền tảng khách hàng, duy trì một văn hóa riêng biệt và phát triển kinh doanh thông qua sự hợp tác cởi mở với thế giới bên ngoài lĩnh vực tài chính.

Tin bài liên quan