Ngân hàng thương mại Việt Nam: Những chuyển biến trong giai đoạn 2015 - 2019

Ngân hàng thương mại Việt Nam: Những chuyển biến trong giai đoạn 2015 - 2019

(ĐTCK) Các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong 5 năm qua đã phải thực hiện các hoạt động tái cơ cấu khó khăn và tốn kém nhằm giải quyết trục trặc được để lại bởi sự tăng trưởng bùng nổ từ cách đây 15 năm.

Những bài toán cần giải

Trong khi sự ổn định của hệ thống được duy trì và tăng trưởng tín dụng đạt tốc độ cao trở lại để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, những ngân hàng yếu kém và nợ xấu ngoại bảng vẫn còn đó. Bên cạnh việc phải tiếp tục giải quyết triệt để các vấn để lịch sử để lại, thách thức trong thời gian tới là huy động thêm vốn chủ sở hữu và hướng tới các chuẩn mực quản trị hiện đại.

Thời kỳ 2005 - 2009 là giai đoạn phát triển bùng nổ của các NHTM về số lượng, tín dụng và tài sản có. Cho đến cuối giai đoạn này, tổng số NHTM trong nước lên đến 42. Sau gần 9 năm tái cấu trúc kể từ 2011, số lượng ngân hàng trong nước đã giảm xuống còn 35 hoàn toàn thông qua sáp nhập. Với việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức, chỉ trong 5 năm từ 2005 - 2009, tín dụng nội địa đã tăng 4,6 lần, từ đó dẫn tới bong bóng tài sản trong TTCK và bất động sản.

Nhiều NHTM được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn hay thành lập mới với quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ đã buộc phải huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng vì không có cơ sở người gửi tiền vững mạnh để đẩy mạnh cho vay.

Việc quá lệ thuộc vào cái gọi là thị trường 2 này để huy động vốn đã khiến nhiều ngân hàng bị mất thanh khoản giai đoạn 2009  - 2011 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát vào năm 2008 - 2009.

Tăng trưởng kinh tế thấp, doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm đòn bẩy nợ, TTCK và bất động sản sụt giảm sâu đã khiến tín dụng tăng không cao trong những năm 2012 - 2014 với tốc độ bình quân 11%/năm.

Ông Nguyễn Xuân Thành

Đến năm 2015, tín dụng đã tăng cao trở lại. Về định hướng chính sách, tăng trưởng tín dụng 17 - 18% được cho là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng GDP ở mức 6,6 - 6,8%. Lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, kinh doanh mở rộng giúp tăng nhu cầu vay nợ cho sản xuất. Nhưng khu vực tăng cao nhất là tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng.

Đến cuối 2017 đã xuất hiện những quan ngại trong cộng đồng các nhà đầu tư về ổn định kinh tế vĩ mô nếu tín dụng tiếp tục tăng cao và liệu lịch sử chu kỳ bất ổn có lặp lại. Điểm rất tích cực là chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng hơn trong năm 2018 và kết quả là tín dụng chỉ tăng xấp xỉ 14%. Trong khi đó, tăng trưởng GDP lại đạt tốc độ 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm và lạm phát tiếp tục được duy trì dưới mục tiêu 4%. Trong năm 2019, xu thế là tín dụng sẽ tiếp tục tăng thấp và nếu vậy thì trong 5 năm 2015 - 2019, tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 2 lần.

Tín dụng tăng trưởng tốt và đặc biệt là tăng mạnh ở các lĩnh vực có lãi suất cho vay cao đã giúp các NHTM cải thiện đáng kể lợi nhuận của mình. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tính bình quân cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng tăng từ 6,3% năm 2015 lên trên 10% năm 2018.

Sau những năm đẩy mạnh mở rộng cho vay, hầu hết các NHTM đều báo cáo nợ xấu gia tăng từ năm 2011. Dù nợ xấu chính thức theo báo cáo tài chính chỉ chiếm 4,9% tổng dư nợ của toàn hệ thống TCTD, nhưng con số thực tế theo Thanh tra NHNN thì lên tới 17,4% vào quý III/2012.

Một số lượng đáng kể các ngân hàng có nợ xấu cao, thậm chí là âm vốn chủ sở hữu nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đã bị giám sát đặc biệt và phải tái cấu trúc bắt buộc. Đằng sau những khoản nợ xấu lớn là việc cho vay chéo và cho vay theo quan hệ, lách các quy định về đảm bảo an toàn qua một cơ cấu sở hữu phức tạp. Từ đầu 2015, tỷ lệ nợ xấu chính thức hay còn gọi là nợ xấu nội bảng đã giảm mạnh, từ 4,93% vào cuối tháng 9/2012 (con số cao nhất về tỷ lệ nợ xấu được báo cáo chính thức) xuống dưới 2% vào cuối năm 2018.

Việc cải thiện khả năng sinh lợi đã giúp các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đúng thực tế hơn. Tuy nhiên, việc nợ xấu giảm trong thời gian qua không hẳn là do được xử lý một cách thực chất, mà là nhờ hai yếu tố: chuyển nợ xấu nội bảng thành nợ xấu ngoại bảng bằng mô hình VAMC (giảm tử số); và tăng trưởng tín dụng nhanh (tăng mẫu số). Nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng VAMC thì nợ xấu vẫn chiếm 6,7% tổng dư nợ vào cuối 2018, nhưng cũng đã giảm so với mức 8,6% vào năm 2017.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các NHTM đã giảm về dưới ngưỡng 3%, nhưng nếu chỉ nhìn từ số liệu tài chính công bố thì vẫn còn “vấn đề tồn tại” là những ngân hàng có tỷ lệ các khoản phải thu và lãi phải thu lớn trên giá trị tổng tài sản, cho dù đã được phép hạch toán và xử lý trong thời gian dài.

Những ngân hàng yếu kém nhất và thực tế là đã âm vốn chủ sở hữu đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng 100% sở hữu nhà nước để tập trung vào tái cấu trúc. Nhưng những ngân hàng có tỷ lệ tài sản có khác cao, trong đó là các khoản phải thu và lãi dự thu lớn, cũng vẫn là những tổ chức tài chính không thật sự khỏe mạnh. Trong nhóm các tổ chức này, tỷ lệ các khoản phải thu và lãi phải thu lên tới 11-21% tổng tài sản.

Chính vì vậy, hệ thống vẫn có nhiều ngân hàng, để đảm bảo thanh khoản và mở rộng cho vay, phải đua lãi suất, bao gồm trả lãi suất cao hơn cho các khoản tiền gửi lớn để có vốn huy động. Có thể nói, những ngân hàng này vẫn đang tạo ra rủi ro lớn cho toàn hệ thống và cả nền kinh tế nếu không được tái cấu trúc triệt để. Việc áp đặt trần tăng trưởng tín dụng hạn chế cho các ngân hàng này và kéo dài thời gian tái cơ cấu là không hiệu quả.

Để có khung pháp lý hữu hiệu hơn, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua vào năm 2017. Yếu tố tích cực nhất của Nghị quyết là gia tăng quyền cho các NHTM trong việc tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và tăng quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Nhiều con nợ vì vậy đã có động cơ trả nợ cao hơn khi biết chủ nợ có quyền thu hồi tài sản đảm bảo mạnh hơn. Và thực tế sau gần 2 năm thực hiện cho thấy, những hình thức xử lý nợ xấu điển hình theo Nghị quyết 42 là thu giữ tài sản đảm bảo là bất động sản và tổ chức mua bán nợ xấu.

Trong nhiều trường hợp, cổ đông lớn của TCTD và chủ của tổ chức mua bán nợ xấu là một hoặc có quan hệ sở hữu mật thiết. Đây là yếu tố then chốt để giao dịch mua nợ và xử lý tài sản đảm bảo được diễn ra dễ dàng và giúp thâu tóm bất động sản.

Chính vì vậy, những vướng mắc giữa Nghị quyết 42 và Luật Kinh doanh bất động sản cần được khắc phục để sau khi tài sản đảm bảo là bất động sản được thu hồi và chuyển nhượng cho chủ mới thì có thể được tiếp tục triển khai đầu tư nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định rõ các mối quan hệ giữa cổ đông lớn của ngân hàng và bên mua nợ xấu, giám sát chặt chẽ và ngăn chặn mọi hành vi vay tiền của ngân hàng để mua nợ xấu của chính ngân hàng đó (hay những TCTD liên quan trong quan hệ sở hữu chéo).

Hướng tới chuẩn mực cao hơn

Nhìn về phía trước, việc phát triển hệ thống ngân hàng thương mại vững mạnh ở Việt Nam không chỉ là xử lý các vấn đề tồn tại của quá khứ, mà là hướng tới một nền tảng đủ vốn chủ sở hữu một cách thực chất và tuân thủ các quy định an toàn ở chuẩn mực cao hơn do cơ quan quản lý áp đặt và trên cơ sở của một hệ thống quản trị nội bộ vững mạnh.

Trên báo cáo chính thức, các NHTM đều đạt hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và tỷ lệ bình quân của toàn hệ thống vượt trên mức quy định rất nhiều. Nhưng chiếu theo chuẩn quốc tế, thì hầu hết các ngân hàng vẫn thiếu vốn.

Tăng trưởng tín dụng cao trong những năm qua lại càng làm cho nền tảng vốn chủ sở hữu thêm mỏng. Việc thúc đẩy các NHTM tăng vốn được đề ra, nhưng nỗ lực thực sự của các ngân hàng là rất hạn chế. Thời hạn 2020 đã gần đến và mới chỉ ba NHTM chính thức đạt chuẩn quốc tế về Basel II.

Một động cơ khuyến khích tốt trong thời gian tới là nếu các ngân hàng đạt chuẩn Basel II thì sẽ được tăng trưởng tín dụng thoải mái hơn. Mặc dù việc áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng ngân hàng riêng rẽ được NHNN cho là cần thiết để đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô trong bối cảnh vẫn còn nhiều TCTD yếu kèm, nhưng chính sách mang tính hành chính này đã làm bóp méo hoạt động kinh doanh và cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Sự phát triển vững mạnh của hệ thống NHTM ở cấp độ vĩ mô căn bản phụ thuộc vào chất lượng quản trị ngân hàng ở cấp độ vi mô, đặc biệt là quản trị rủi ro. Khung pháp lý về quản trị và kiểm soát nội bộ đã được NHNN ban hành và có hiệu lực từ năm 2019. Nhưng khung pháp lý trên giấy là chưa đủ. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy điểm then chốt là ở việc thực thi chính sách và đảm bảo tuân thủ trong thực thi mà không có trì hoãn hay ngoại lệ.

Từ NHTM sẽ thấy được lợi ích của việc bỏ nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống quản trị, tăng vốn và tuân thủ các quy định an toàn trong một môi trường chính sách rõ ràng, minh bạch và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Tin bài liên quan