Ngân hàng Trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất lên 20%/năm khi đồng rúp bị giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (28/2), Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tăng hơn gấp đôi lãi suất từ 9,5%/năm lên 20%/năm khi đồng rúp đạt mức thấp kỷ lục so với đồng đô la do một loạt các biện pháp trừng phạt mới do châu Âu và Mỹ đưa ra.
Ngân hàng Trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất lên 20%/năm khi đồng rúp bị giảm mạnh

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, việc tăng lãi suất “được thiết kế để bù đắp rủi ro giảm giá của đồng rúp và lạm phát”. Điều này nhằm để ngăn chặn việc nhà đầu tư nước ngoài bán tháo chứng khoán Nga trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy thoái của thị trường.

Ngân hàng Trung ương cũng cho biết, họ sẽ giải phóng 733 tỷ rúp (8,78 tỷ USD) trong dự trữ ngân hàng địa phương để tăng tính thanh khoản.

Những động thái này nhấn mạnh nỗi lo sợ về một cuộc tháo chạy trên các ngân hàng của Nga. Hiện tại, hàng dài người đang xếp hàng để rút tiền mặt tại các máy ATM ở các thành phố của Nga. Sberbank Europe, một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Nga cho biết, họ đã đối mặt với “lượng rút tiền gửi đáng kể chỉ trong một thời gian rất ngắn”.

ECB cho biết, Sberbank Europe và các chi nhánh khác của ngân hàng “đã đối mặt với lượng tiền gửi bị rút ròng đáng kể do tác động của căng thẳng địa chính trị. Điều này khiến vị thế thanh khoản của ngân hàng bị suy giảm. Và không có biện pháp khả dụng nào có cơ hội thực tế để khôi phục vị trí này ở cấp tập đoàn và ở từng chi nhánh trong liên minh ngân hàng”.

Cuối tuần qua, Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada đã đồng ý loại các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.

Trong vài năm qua, Nga đã tích lũy được lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ trị giá 630 tỷ USD, mức cao nhất từ ​​trước đến nay mà các nhà phân tích cho rằng sẽ giúp nước này chịu được các lệnh trừng phạt và tổn thất về doanh thu xuất khẩu. Nhưng nếu một số tài sản đó bị đóng băng, điều đó sẽ thay đổi phép tính cho Nga.

“Chúng tôi sẽ làm tê liệt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Điều này sẽ đóng băng các giao dịch và sẽ khiến Ngân hàng Trung ương không thể thanh lý tài sản của mình”, Chủ tịch Ủy ban EU, Ursula von der Leyen cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (27/2).

“Việc người Nga không thể triển khai một phần trong số hơn 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối mà ngân hàng trung ương Nga đã dày công xây dựng có nghĩa là chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp về nền kinh tế. Và ý tưởng cô lập Nga, điều mà chỉ vài ngày trước đây có thể được cho là không tưởng, thì giờ đây nó đã trở thành hiện thực”, ông David Marsh, Chủ tịch của tổ chức tư vấn chính sách kinh tế OMFIF cho biết.

Tin bài liên quan