Ngần ngừ, chậm trễ, nhiều doanh nghiệp sẽ rời thị trường

Ngần ngừ, chậm trễ, nhiều doanh nghiệp sẽ rời thị trường

Ngần ngừ, chậm trễ, nhiều doanh nghiệp sẽ rời thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Nếu các bộ, ngành, địa phương ngần ngừ, chậm trễ trong thực hiện hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể trở lại được, thậm chí sẽ chết.

Doanh nghiệp không thể đợi hơn nữa

Bất cứ sự ngần ngừ, chậm trễ nào trong triển khai các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19, thì không chỉ khiến thêm nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, mà số doanh nghiệp có thể quay trở lại cũng sẽ giảm đi.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Nghị quyết 105/NQ-CP được ban hành và có hiệu lực vào ngày 9/9/2021.

Lo ngại doanh nghiệp không thể trở lại đang tăng lên không còn là dự báo từ các cơ quan quản lý nhà nước hay các chuyên gia nghiên cứu. Báo cáo tổng hợp phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ hơn điều này.

Trong số hơn 21.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ban IV, tỷ lệ tạm ngừng do dịch chiếm 69%; số doanh nghiệp cố gắng duy trì dù không thể hoạt động toàn công suất là 16%; số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể là 15%.

Trong số các doanh nghiệp tạm dừng, lý do lớn nhất là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước (35,4%), do không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch là 21%.

Điều đáng nói, có tới 45% doanh nghiệp đang tạm dừng không thể dự tính được họ sẽ phải đóng cửa bao lâu. 40% trong số doanh nghiệp tạm dừng chỉ còn đủ tiền hoạt động khoảng 1 tháng. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp đang cố gắng duy trì là 17,7%…

Ngay trong Nghị quyết 105/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nhận diện là rất khó khăn; nguồn lực dự trữ đang cạn dần, trong khi thị trường trong nước, quốc tế suy giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm; sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp tục suy giảm.

Đòi hỏi vào cuộc ngay

“Lúc này, các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc ngay để đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động. Đây cũng là giải pháp để người lao động trở lại”, ông Phan Đức Hiếu sốt ruột.

Cũng phải nói rõ, việc xác định mô hình sản xuất an toàn, phù hợp không chỉ là chìa khóa để doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động, mà còn là điều kiện để duy trì được các hợp đồng với nhiều đối tác lớn.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, nhiều đối tác có yêu cầu không được thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nếu muốn ký hợp đồng, có đối tác chỉ đặt hàng khi tỷ lệ người lao động được tiêm vắc-xin đạt yêu cầu của họ…

“Nhiều đối tác đặt câu hỏi bao giờ doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại. Họ sẽ quyết định đơn hàng quý tới khi chúng tôi có câu trả lời, mà câu này thì doanh nghiệp không tự mình trả lời được”, ông Việt thẳng thắn.

Đây là điều mà TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam lo ngại. “Thị trường không thể đợi chúng ta đóng - mở để chống dịch. Nếu họ không an tâm khả năng hoàn tất đơn hàng, họ sẽ tìm đối tác mới”, ông Bình lý giải.

Đây là lý do nhiều doanh nghiệp dệt may không thể nói trước về đơn hàng của năm 2022 khi việc thực hiện đơn hàng mùa cuối năm 2021 vẫn đang bất ổn.

“Chúng tôi đã gửi đề xuất cho phép Công ty thực hiện chủ động các phương án phòng chống dịch và cả điều trị F0 nếu có, vì May 10 có năng lực y tế dự phòng tại chỗ. Chúng tôi cũng đề nghị tiêm nhanh vắc-xin cho người lao động, kể cả tham gia thử nghiệm vắc-xin nội địa. Chỉ có các cách này thì chúng tôi mới trả lời khách hàng được là có đảm bảo ổn định sản xuất hay không”, ông Việt cho biết thêm.

Nhìn vào bảng phân công của Nghị quyết 105/NQ-CP, có thể thấy nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương nhận được đang rất trúng với những gì doanh nghiệp cần, liên quan đến lưu thông hàng hóa, duy trì lao động, điều kiện an toàn phòng dịch và tiếp cận vốn. Bộ Y tế được giao chủ trì 7 nhiệm vụ chính. Bộ Thông tin - Truyền thông, Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước có 4 nhiệm vụ chính. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao được giao 5 nhiệm vụ chính…

Các con số này chưa bao gồm các nhiệm vụ phối hợp giữa các bộ, ngành. Như vậy, chỉ cần một bộ nào đó chậm trễ, việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương khác có thể sẽ bị chậm theo.

“Nghị quyết 105/NQ-CP đã nhắc đến các mô hình sản xuất an toàn ngoài mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” và giao địa phương, doanh nghiệp chủ động thống nhất. Giải pháp này đúng nhu cầu của doanh nghiệp, sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động. Nhưng, sự chủ động này còn phụ thuộc vào nhiệm vụ mà Bộ Y tế được giao về lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các vùng đang áp dụng Chỉ thị 16 có thể hoạt động trở lại, phụ thuộc vào các điều kiện nào được coi là an toàn để hoạt động”, ông Hiếu lý giải.

Đó là chưa kể đến hàng loạt giải pháp về luồng xanh, về việc yêu cầu không được cản trở lưu thông hàng hóa sẽ đợi Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn rõ thêm, nhất là khi Nghị quyết 105/NQ-CP đã mở khái niệm hàng hóa gồm cả hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất… Những tranh luận về khái niệm thế nào là hàng hóa thiết yếu hồi đầu tháng 8 vừa qua, thời gian đầu các địa phương thực hiện giãn cách khiến doanh nghiệp “khóc dở, mếu dở” thực sự vẫn đang ám ảnh nhiều doanh nghiệp.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan