Ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn mạnh bất chấp các lệnh cấm vận

Ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn mạnh bất chấp các lệnh cấm vận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ sức mạnh thị trường, các chuyên gia nhận định ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn có cơ hội để xoay chuyển dù bị Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản hạn chế xuất khẩu.

Nhờ sức mạnh thị trường, các chuyên gia nhận định ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn có cơ hội để xoay chuyển dù bị Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản hạn chế.

Nhật Bản và Hà Lan là hai nước vừa ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất bán dẫn đến một số quốc gia. Nếu Tokyo cấm 23 loại thiết bị, Hà Lan lại nhằm vào công cụ in thạch bản cực tím hiện đại nhất của hãng ASML.

Cùng với các lệnh cấm từ Mỹ, Trung Quốc sẽ khó khăn hơn khi đạt mục tiêu tự chủ ngành bán dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành nhận định, với tư cách thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn có không gian để xoay chuyển tình hình hiện tại.

Dù Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản cộng lại gần như có thể thống lĩnh thị trường thiết bị chip toàn cầu, tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc lại nằm trong số khách hàng lớn nhất của họ, đặc biệt đối với các nhà sản xuất máy in thạch bản Nhật Bản. Các lệnh cấm vận có thể gây tác dụng ngược, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho rằng: “Việc phong tỏa chỉ kích thích quyết tâm tự phát triển và độc lập của Trung Quốc”.

Chính quyền Mỹ đã chặn đường tiếp cận các loại chip và thiết bị sản xuất tiên tiến của doanh nghiệp Trung Quốc từ Mỹ bằng hàng loạt biện pháp cấm vận vào cuối năm ngoái. Doanh nghiệp Mỹ bị cấm xuất chip điện toán, thiết bị sản xuất chip và sản phẩm cao cấp khác nếu không có giấy phép xuất khẩu.

Mỹ cũng gây sức ép lên các nước đồng minh dựa vào việc thống trị nhiều lĩnh vực trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. ASML – nhà cung ứng thiết bị chip hàng đầu thế giới của Hà Lan mua không ít linh kiện từ Mỹ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chip cũng rất khó có thể “đoạn tuyệt” với Trung Quốc vì nước này mang lại nguồn doanh thu lớn. Với ASML, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba trong năm ngoái, chiếm khoảng 13,9% doanh số. Tương tự, các nhà sản xuất chip của Nhật Bản như Tokyo Electron, Nikon và Canon cũng đang bị phụ thuộc vào thị trường 1,4 tỷ dân này. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, Tokyo Electron thu về 566,2 tỷ yen (4,3 tỷ USD) từ Trung Quốc. Đây là thị trường lớn nhất của họ, chiếm đến 28% tổng doanh thu. Đất nước tỷ dân cũng là thị trường lớn nhất của Nikon, chiếm khoảng 28% doanh số.

Theo dữ liệu Comtrade của Liên hợp quốc năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 32% lên 11,9 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng kim ngạch,

Bất chấp các lệnh cấm vận, những công ty bị ảnh hưởng vẫn tìm cách tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, theo Manabu Takamisawa, Giám đốc Hiệp hội kinh tế Trung – Nhật. Với các doanh nghiệp Nhật Bản, một giải pháp là mở nhà máy tại địa phương để tăng doanh số bán hàng cho Trung Quốc, giảm thiểu tác động từ các lệnh cấm. Theo Caixin, một số công ty Nhật Bản đã bắt đầu chia tách các nhóm để phục vụ thị trường Trung Quốc và quốc tế độc lập với nhau.

Caixin cho rằng, kế hoạch hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản và Hà Lan đều gặp bất đồng nội bộ. Chẳng hạn vào cuối năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết, sẽ tự quyết định các kế hoạch liên quan đến xuất khẩu sản phẩm ASML sang Trung Quốc. Ngày 25/1, CEO ASML Peter Wennink cảnh báo các biện pháp cấm vận Trung Quốc có khả năng sẽ thúc đẩy Trung Quốc phát triển thành công công nghệ sản xuất chip riêng.

Dù vậy, ngành bán dẫn Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ các lệnh cấm. Năm 2018, ASML đã bị cấm bán thiết bị in thạch bản cực tím (EUV) cao cấp nhất cho Trung Quốc. Máy in thạch bản DUV – loại kém hiện đại hơn EUV cũng sẽ bị cấm. ASML đang thống trị thị trường máy in DUV và EUV, theo sau là Nikon.

Nếu không mua được máy in DUV, hy vọng tạo đột phá về công nghệ 7nm của các hãng chip Trung Quốc như SMIC, Hua Hong Semiconductor sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ trong ngắn hạn. Họ phải dựa vào thiết bị trong nước nhưng đi sau nhiều thế hệ so với đối thủ. Huawei có thể sản xuất chip 14nm, trong khi TSMC đã lên kế hoạch sản xuất chip 2nm.

Tin bài liên quan