Ngành cao su tự nhiên, lựa chọn đầu tư an toàn

Ngành cao su tự nhiên, lựa chọn đầu tư an toàn

(ĐTCK-online) Giá cao su tự nhiên (CSTN) ở mức cao cùng sản lượng khai thác dự kiến tăng vào mùa cao điểm hứa hẹn đem lại triển vọng tốt về lợi nhuận cho ngành CSTN năm 2010. Tuy nhiên, trong 2011, với mặt bằng giá ổn định hơn và sản lượng khai thác sụt giảm do quá trình thanh lý, tái canh cây cao su có thể sẽ gây áp lực lên lợi nhuận cho các DN trong ngành.

>> DN ngành cao su tự nhiên sắp về đích 2010

Giá CSTN những tháng đầu năm 2010

Đầu năm 2010, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đã làm tăng nhu cầu CSTN của Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia, trong khi nguồn cung không kịp đáp ứng do trong thời kỳ cây cao su thay lá nên được ngưng cạo vào quý II. Giá cao su đã tăng liên tục và chạm mức kỷ lục 4,1 USD/kg vào tháng 4/2010. Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, giá cao su giảm mạnh 11% xuống 3,64 USD/kg. Điều này được lý giải một phần bởi sự sụt giá đồng tiền của các nước xuất khẩu cao su chính như Thái Baht, Indo Rupiah và Malaysia Ringgit so với USD. Đồng thời, việc đồng Yên tăng giá trong tháng 5 khiến giá CSTN tại sàn giao dịch Tocom giảm do nhà đầu cơ có xu hướng giảm bớt các sản phẩm đầu tư hàng hoá tính bằng Yên. Hơn nữa, Trung Quốc bán ra lượng cao su dự trữ khá lớn để hạ tốc độ tăng giá. Mặt khác, giá dầu giảm nhẹ vào tháng 5 cũng ảnh hưởng đến giá CSTN. Trong tháng 6, giá đổi chiều tăng lại khi USD suy yếu và nỗi lo về khủng hoảng nợ châu Âu phần nào lắng xuống.

 

Kỳ vọng giá CSTN không giảm mạnh trong thời gian tới

Quý III và IV hàng năm là mùa cạo mủ cao điểm với lượng cung CSTN dự kiến tăng, cộng với mặt bằng giá khá cao nửa đầu năm nay nên giá CSTN có thể sẽ có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu không có những tác động tiêu cực bất ngờ từ thị trường, sự điều chỉnh này dự kiến sẽ không đột ngột như thời điểm tuột dốc của giá CSTN trong đợt khủng hoảng toàn cầu năm 2008 vì: 1) Hạn chế nguồn cung từ Thái Lan do mưa lớn kéo dài và dự trữ CSTN ở Trung Quốc và Nhật Bản giảm mạnh; 2) Nhu cầu lớn từ ngành sản xuất sản phẩm cao su (lốp xe, găng tay cao su...).

 

Sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu của các nhà sản xuất CSTN Việt Nam

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) 6 tháng đầu 2010, kim ngạch xuất khẩu CSTN ước đạt 656,4 triệu USD, tăng 82,6% so với cùng kỳ năm trước và đơn giá bình quân đạt 2.744 USD/tấn, tăng 92,7%, mặc dù số lượng chỉ đạt 239.000 tấn, giảm 5,3% so năm trước. Lượng xuất khẩu giảm trong thời gian này một phần do mùa ngưng cạo mủ trong quý II và đầu mùa khai thác lại gặp nắng hạn nên sản lượng tăng chậm. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của CSTN Việt Nam, hạn chế giao dịch mậu biên từ tháng 5 làm giảm đến 19% sản lượng xuất khẩu cao su. Dù vậy, thị trường này vẫn chiếm 58,6% hay 140.096 tấn (bao gồm cao su tổng hợp). Hơn nữa, Trung Quốc chỉ đáp ứng 0,68 triệu tấn trên 3,3 triệu tấn tổng lượng cầu của nước này, do đó nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ một đối tác quan trọng như Việt Nam vẫn rất lớn. Trong khi đó, nội tiêu tăng 82,3%, chiếm 6% và tiêu thụ tại các thị trường khác như Malaysia, Đức, Đài Loan, Nga cũng gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

 

Các công ty cao su niêm yết

Cùng với sự tăng trưởng của giá cao su thế giới trong những tháng đầu năm, các DN cao su đạt được kết quả doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong nửa đầu năm 2010, ngay cả khi giá vốn tăng nhẹ do VRG điều chỉnh chi phí nhân công từ 40% lên 42% trên tổng doanh thu. Một vài DN đã hoàn thành hoặc gần hoàn thành kế hoạch cả năm. Trong nửa năm đầu 2010, HRC đạt 80% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận trước thuế 7 tháng của PHR là 307 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh giá CSTN bình quân ở mức cao, cùng sản lượng khai thác và tiêu thụ của các DN Việt Nam dự kiến tăng lên trong thời gian tới vào mùa cao điểm quý III và IV/2010, cổ phiếu ngành CSTN đáng nhận được sự quan tâm của NĐT, đặc biệt là khi đầu tư cơ bản đang được chú ý nhiều hơn sau đợt suy giảm của thị trường trong thời gian gần đây. Việc Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá USD/VND 2%, lên mức 18.544 VND/USD, dự kiến có tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận của các DN cao su niêm yết với sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ.

Tuy nhiên, những nhân tố tích cực cho cổ phiếu CSTN phần lớn hiện ra rõ nét vào nửa sau của 2010 hơn là vào 2011, khi sản lượng khai thác của một số DN niêm yết sẽ có sự sụt giảm do quá trình thanh lý, tái canh vẫn đang tiếp diễn. Vì vậy, nếu như giá cao su trong năm 2011 hiệu chỉnh từ mặt bằng giá rất cao của năm nay, thì lợi nhuận cao su năm sau của các công ty CSTN niêm yết có thể sẽ giảm so với năm 2010.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của một số DN cao su (Đơn vị: tỷ đồng)

 

 

Giá CP 19/8/2010

Doanh thu 6T/2010

% hoàn thành KH 2010

LNTT 6T/2010

% hoàn thành KH 2010

P/E ước tính 2010

 P/E 2010

P/E 2011

PHR

39.000

715,170

69%

233,000

67%

8,2

8,2

11,1

DPR

61.000

308,910

42%

116,130

52%

8,8

8,8

11,0

TRC

58.000

197,780

40%

87,760

53%

6,4

6,4

8,7

HRC

65.500

106,670

53%

48,080

80%

12,2

12,2

17,9

 

 

* Chi tiết xin xem Báo cáo ngành