Ngành dệt may chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024 là một năm đầy thách thức với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Dù tình hình đơn hàng đang tăng trở lại, nhưng các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Để tồn tại và phát triển, họ phải nỗ lực cập nhật công nghệ, sản xuất xanh, xúc tiến thương mại…
Ngành dệt may chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại

Yêu cầu bắt buộc

Những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may phục hồi so với năm ngoái. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phục hồi về đơn hàng, ngành dệt may vẫn còn một số khó khăn phải đối mặt như rủi ro về chuỗi cung ứng, xu hướng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, xanh hóa sản xuất…

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 44 tỷ USD. Sang năm 2023, là năm vô cùng khó khăn, kim ngạch xuất khẩu tụt xuống còn 39,5 tỷ USD. Năm 2024, ngành dệt may phấn đấu kim ngạch xuất khẩu bằng mức của năm 2022. Định hướng từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang phát triển bền vững dựa trên chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.

Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư tái cấu trúc, áp dụng những công nghệ tiên tiến, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hợp tác đa phương, đẩy mạnh các mặt hàng nguyên liệu thô - bán thành phẩm (OEM/FOB), các mặt hàng thiết kế gốc (ODM)…

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất và chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may để hàng hóa xuất khẩu sang được các thị trường khó tính, bởi các thị trường như châu Âu, Mỹ có yêu cầu về xanh hóa sản xuất rất cao.

Chú trọng đầu tư

Việt Thắng Jean đã chuyển đổi 100% sang việc áp dụng công nghệ xanh, vừa có thể nâng cao hoạt động sản xuất, vừa gắn với bảo vệ môi trường. Riêng về hàng denim, thay vì phải in và sử dụng hóa chất, màu… như trước đây, hiện doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ laser, không ảnh hưởng đến môi trường.

Trong đó, một trong những hạng mục đầu tư của Việt Thắng Jean là dây chuyền sản xuất 10.000 sản phẩm hoàn chỉnh với giá 12,5 triệu USD, gấp 8 lần so với dây chuyền bình thường. Dây chuyền này không gây tác động xấu đến môi trường.

Ông Phạm Văn Việt chia sẻ, doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ tự động cắt, công nghệ laser tạo hiệu ứng trên mặt vải, công nghệ nano nhuộm màu, công nghệ giặt xả của Thổ Nhĩ Kỳ… Những máy móc, công nghệ hiện đại này giúp Việt Thắng Jean đạt được chứng nhận Oeko-Tex, là một xác nhận sự an toàn về mặt sinh thái và con người của các sản phẩm dệt, đồ da, từ tất cả các giai đoạn sản xuất dọc theo chuỗi giá trị dệt may.

Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may cũng không nằm ngoài xu thế này. Hiện nhiều doanh nghiệp nguyên phụ liệu đang nỗ lực tìm hướng chuyển đổi sang các mô hình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0, thân thiện với môi trường, góp phần mang lại nhiều lợi thế khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với ngành vải, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Fadatech cho hay, thay vì áp dụng in theo phương thức cũ, mực in thải ra môi trường khá nhiều, hiện doanh nghiệp áp dụng in kỹ thuật số và hoàn toàn không sử dụng nước, không khói bụi và chất thải, toàn bộ mực in đều nằm trên vải.

“Fadatech không sử dụng hóa chất. Sau khi in xong, vải được sấy khô, định hình, làm mềm bằng phương pháp cơ học và nhiệt sẽ giúp vải mềm hơn”, ông Phúc nói thêm.

Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh là khi các máy móc, thiết bị hiện đại nhập về nhà máy, hầu hết lao động không biết cách sử dụng. Vì vậy, Fadatech phải tìm đến nhà cung cấp để học hỏi cách thức vận hành, tiếp đó là đưa nhân sự đi đào tạo tại nước ngoài, nên các loại chi phí liên quan đến việc chuyển đổi công nghệ là không hề nhỏ.

Có thể thấy, câu chuyện làm thế nào để có lợi nhuận tái đầu tư là rất quan trọng trong tình hình đơn hàng chỉ mới bước đầu phục hồi. Nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc chuẩn bị nguồn kinh phí để đầu tư nhà máy, sản phẩm theo hướng hiện đại, xanh, sạch và thân thiện với môi trường càng là vấn đề khó khăn.

“Doanh nghiệp cần thay đổi từng bước, lâu dài, ‘liệu cơm gắp mắm’ để quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi. Với nền kinh tế còn nhiều biến động hiện nay, ngành dệt may cần nhiều thời gian hơn dự kiến để vừa tìm kiếm đơn hàng, gia tăng lợi nhuận, vừa có thể đầu tư công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Phạm Văn Việt nêu quan điểm.

Tin bài liên quan