Phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến. Ảnh: Dũng Minh

Phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến. Ảnh: Dũng Minh

Ngành địa ốc: Luật rối "làm khó" cán bộ thừa hành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc, mà cả các cán bộ làm trong lĩnh vực này không mong gì hơn là hành lang pháp lý sớm đồng bộ, thủ tục hành chính bớt khó để họ có thể “đặt bút ký” mà không phải quá e dè như hiện tại.

Có đất sạch cũng khó làm

Với các thành viên thị trường bất động sản lúc này, sự chú ý đổ dồn vào việc cả 3 dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi bước vào giai đoạn cuối của việc thảo luận trước khi thống nhất các ý kiến góp ý để trình Quốc hội thông qua trong năm nay. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất là luật mới sẽ xóa bỏ những rào cản cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định với một tâm thái “bình thản” hơn, chí ít không còn nỗi lo “hồi tố” sau mỗi lần sửa luật như trước đây.

Tại báo cáo khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố hồi giữa tháng 5/2023, “thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật” và “nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế” nằm trong 4 nhóm lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp với tỷ lệ lần lượt là 45,3% và 31,1%.

Đây cũng là điều lo lắng nhất ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập tới trong chia sẻ gần đây với Báo Đầu tư Chứng khoán, khi trong bối cảnh này, doanh nghiệp vẫn phải đề cập đến những khó khăn về thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Đáng ra, đây không nên là khó khăn lớn của doanh nghiệp vào lúc này, thời điểm chúng ta đều đang nói về hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Hiếu, ngay trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng đã có nhóm giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Thêm nữa, cải cách thể chế luôn được xác định là một khâu đột phá. Quốc hội và Chính phủ có nhiều chương trình, quyết tâm thực hiện, chính quyền địa phương cũng có những nỗ lực không hề nhỏ trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi tháng 4/2023, kết quả đánh giá chất lượng thực thi chính sách và thái độ ủng hộ khu vực kinh tế nhân của chính quyền các địa phương tiếp tục tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Mặc dù vậy, thời gian trung bình các doanh nghiệp thực hiện một thủ tục hành chính trong nhóm đất đai phải mất tới 32,2 giờ, tiêu tốn chi phí trực tiếp khoảng 3,8 triệu đồng.

Theo khảo sát trên, các bước thực hiện liên quan đến chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp. Nguyên nhân bởi các thủ tục “con” vẫn tồn tại do hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được hoàn thiện, ứng dụng rộng rãi, thiếu sự liên thông giữa cơ quan quản lý đất đai các cấp. Bên cạnh đó, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính về đất đai vẫn rất khiêm tốn. Đây là một thực tế đang diễn ra và tạo ra cản trở trong việc thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, mục tiêu quốc gia về nhà ở cho người dân nói chung.

Trong chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình phải thốt lên rằng: “Doanh nghiệp quá vất vả trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, dù đó là đất sạch”. Ông Đường cho biết, doanh nghiệp này có 2 khu đất sạch ở quận Hoàng Mai và đều có quy hoạch của UBND TP. Hà Nội từ năm 2015, chi tiết về mật độ, chiều cao, dân số…, thế nhưng vẫn phải chờ tới hơn 500 ngày, tức đến ngày 24/5/2023 vừa qua, mới được cấp chủ trương đầu tư nhà ở xã hội trên 1 lô đất.

“Tôi hy vọng lô đất còn lại cũng sớm được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư”, ông Đường sốt ruột nói.

Mong bớt lòng vòng xin ý kiến

Muốn gỡ nút thắt thủ tục hành chính, trước tiên cần phải “giải tỏa tâm lý” cho cán bộ hành chính nhà nước. Trong đó, nguyên nhân quan trọng xuất phát từ tình trạng thiếu rõ ràng, chồng chéo trong các quy định, văn bản luật.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cách hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp vào thời điểm này là gỡ khó thủ tục hành chính. Ông Hiệp cho biết, đã gửi nhiều ý kiến góp ý cho các dự thảo sửa đổi 3 luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, tập trung vào việc giảm bớt các thủ tục nhiêu khê đối với các doanh nghiệp.

“Hiện có khoảng 12 sắc luật tác động trực tiếp tới lĩnh vực bất động sản, nếu tính cả tác động gián tiếp, con số này lên tới 60 sắc luật. Nếu xét thủ tục hành chính với một dự án, theo tính toán của tôi, cần tới 36 con dấu mới hoàn thành. Thậm chí, một luật sư cho biết, có tới 120 con dấu nếu tính cả những quy định không chính thức. Nói chung, các thủ tục pháp lý liên quan tới bất động sản cứ như ma trận bủa vây doanh nghiệp”, ông Hiệp cho hay.

Báo cáo PCI 2022 cũng nêu rõ, bản chất liên ngành và liên cấp của đất đai khiến thủ tục hành chính lĩnh vực này trở nên phức tạp và khó cải thiện nhất. Phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến, khi 42,9% doanh nghiệp được hỏi cho biết đây là yếu tố chính khiến họ phải trì hoãn hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh trong năm qua. Dù tỷ lệ này đã giảm so với năm 2021 (53,8%), nhưng tác động tiêu cực hơn hẳn so với các thủ tục quan trọng khác như đăng ký kinh doanh, sửa đổi nội dung đăng ký kinh doanh hay cấp phép kinh doanh có điều kiện.

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội giữa tuần trước, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Đồng Nai) đặc biệt đề cập tới những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, bao gồm: Thiếu hụt đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn, thể chế không đẩy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và nhiều rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Nhấn mạnh việc chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp” chủ động, thực tâm, thực lòng để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông An cho rằng, cần thay đổi quan điểm doanh nghiệp phải “đi xin”, “đi chạy”.

“Những việc gì cần làm để doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành, bởi chờ đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp ‘đã gần đất xa trời’. Do đó, với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình…, các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào”, ông An nói.

Dưới góc độ vừa là nhà nghiên cứu, vừa là lãnh đạo doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng giám đốc G-Homes cho rằng, muốn gỡ nút thắt thủ tục hành chính, trước tiên cần phải “giải tỏa tâm lý” cho cán bộ hành chính nhà nước. Trong đó, nguyên nhân quan trọng xuất phát từ tình trạng thiếu rõ ràng, chồng chéo trong các quy định, văn bản luật ở Việt Nam.

“Đây là vấn đề cũ nhưng vẫn luôn thời sự, đó là chất lượng xây dựng luật của Việt Nam còn chưa đồng đều khi vẫn tồn tại tình trạng luật này ‘dẫm chân’ luật kia, hay một văn bản luật có nhiều cách hiểu. Điều này phần nào lý giải cho tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức hiện nay”, ông Nam phân tích.

Tin bài liên quan