Ngành điều khó đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm

0:00 / 0:00
0:00
Dù đã giảm khoảng 600 triệu USD mục tiêu xuất khẩu điều nhân, từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD nhưng ngành điều vẫn khó đạt chỉ tiêu xuất khẩu đề ra.
Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu điều giảm được các chuyên gia chỉ ra là vì giá điều thô nhập khẩu còn ở mức cao so với giá điều nhân xuất khẩu, khiến doanh nghiệp khó cân đối, đảm bảo lợi nhuận.

Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu điều giảm được các chuyên gia chỉ ra là vì giá điều thô nhập khẩu còn ở mức cao so với giá điều nhân xuất khẩu, khiến doanh nghiệp khó cân đối, đảm bảo lợi nhuận.

Báo cáo tại Hội thảo Tiềm năng hợp tác đầu tư – kinh doanh với thị trường Tây Phi trong ngành nông sản, đặc biệt ngành điều do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM tổ chức sáng ngày 2/11, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ 2021.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/10, toàn ngành Điều Việt Nam đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,4 tỷ USD.

Dự kiến cả năm 2022, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 3,2 tỷ USD nhân điều, dù đã giảm khoảng 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 3,8 tỷ USD.

Còn theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP.HCM, năm 2022, đặc biệt ở những tháng cuối năm đã có nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu điều cần phải quan tâm.

Ông Liêm cho biết có 15/31 thị trường chính xuất khẩu điều mà trị giá xuất khẩu điều của Việt Nam giảm như: Ukraina giảm hơn 82%, Nga giảm hơn 34%,…

Đặc biệt, trị giá xuất khẩu điều sang Mỹ trị giá 630 triệu USD, chiếm trên 89% tổng trị giá điều nhập khẩu của Mỹ, 27,6% thị phần xuất khẩu điều của Việt Nam nhưng đã giảm 19% so với cùng kỳ 2021. Trị giá xuất khẩu điều sang Trung Quốc đạt 305 triệu USD, chiếm 85% tổng trị giá điều nhập khẩu của nước này, 13,4% thị phần xuất khẩu điều Việt Nam nhưng đã giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm trước dù Trung Quốc vẫn tăng tổng trị giá nhập khẩu điều, trong đó tăng nhập khẩu từ thị trường Tây Phi.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraina, tình hình lạm phát, tiêu dùng giảm sút, sản xuất đình trệ, chi phí chế biến ngày càng tăng,… khiến các nhà nhập khẩu và chế biến của Việt Nam tiếp tục có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho là vì giá điều thô nhập khẩu còn ở mức quá cao so với giá điều nhân xuất khẩu, khiến doanh nghiệp khó cân đối, đảm bảo lợi nhuận, gây ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thị trường vẫn có những tín hiệu khả quan khi nhu cầu nhập khẩu điều của EU, Trung Quốc vẫn tăng mạnh, doanh nghiệp điều cần khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường này.

Ông Trần Ngọc Liêm cũng có gợi mở cho doanh nghiệp điều Việt Nam về việc đặt văn phòng tại Tây Phi, đầu tư nhà máy, tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ, chính sách ưu đãi đầu tư,… nhằm chủ động trong kinh doanh thu mua điều, giảm giá thành điều thô, nguyên liệu, chi phí nhân công, tối ưu lợi nhuận, cân đối hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tin bài liên quan