Nguồn cung từ vụ mía trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.

Nguồn cung từ vụ mía trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.

Ngành mía đường: Nhẹ gánh 5 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành mía đường Việt Nam chính thức gỡ bỏ được phần lớn áp lực từ động thái bán phá giá của Thái Lan.

Bước ngoặt

Việc Bộ Công thương chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường tinh luyện và đường thô với mức thuế 47,64% nhập khẩu từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, có hiệu lực từ ngày 16/6/2021, được coi là sự kiện sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Ngành đường Việt Nam gặp nhiều khó khăn kể từ niên vụ 2018/2019, khi giá đường thế giới đi xuống. Thực hiện Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1/1/2020, thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm từ mức 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng xuống còn 5% và hạn ngạch được xóa bỏ, khiến ngành mía đường Việt Nam lao đao.

Nguồn: ISO.

Nguồn: ISO.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp mía đường “chết lâm sàng” được ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) chỉ ra, đó là sản phẩm đường Thái Lan được chính phủ nước này trợ cấp, tận dụng cơ hội từ ATIGA đẩy mạnh bán phá giá vào thị trường Việt Nam.

Ngày 16/2/2021, sau 5 tháng điều tra, Bộ Công thương đã quyết định áp dụng tạm thời thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong vòng 120 ngày. So với mức thuế tạm thời, mức thuế chính thức đối với đường tinh luyện thấp hơn, nhưng mức thuế đối với đường thô cao hơn đáng kể (47,64% so với 33,99%).

Theo Bộ Công thương, sau khi áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm đến 75%. Việc này đã giúp giá đường trong nước nhích lên. Bên cạnh đó, giá thu mua mía của người nông dân tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn, giúp người nông dân tiêu thụ được toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.

Áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong 5 năm sẽ giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển.

Trước đó, số liệu của VSSA cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam tăng theo từng năm.

Nếu năm 2019, tổng lượng đường nhập khẩu từ nước này chỉ 300.000 tấn, thì năm 2020 tăng vọt lên gần 1,5 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 500.000 tấn đường từ Thái Lan, tương đương cùng kỳ năm ngoái, cạnh tranh gay gắt với đường trong nước.

Hiện tại, quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan được nhìn nhận sẽ làm giảm áp lực cho các doanh nghiệp mía đường trong nước, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và sân chơi công bằng trong thời gian tới.

Mức thuế cao hơn đối với đường thô cho thấy, cơ quan quản lý định hướng thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu mía đường trong nước để đảm bảo nguồn cung so với việc nhập khẩu đường thô về để tinh luyện.

Theo Bộ phận Nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), niên vụ 2020/2021, tổng sản lượng sản xuất đường ước đạt 612.000 tấn, giảm 15%; tổng nguồn cung nội địa khoảng 700.000 tấn, giảm 14% so với niên vụ trước. Trong khi đó, nhu cầu trong nước ước đạt 2,2 triệu tấn trong năm 2021 (ước tính của các doanh nghiệp trong ngành) và dự kiến sẽ tăng từ 3 - 5% mỗi năm trong những năm tới.

Như vậy, nguồn cung từ vụ mía trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, nguồn cung còn lại sẽ đến từ các nhà máy nhập đường thô về tinh luyện.

Cơ hội dần rộng mở

Chính sách áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong 5 năm sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước phát triển vì mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ lao động ngành nông nghiệp.

“5 năm là thời gian dài giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển bền vững hơn”, SSI Research đánh giá.

Trong khi đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo, thị trường đường thế giới trong niên vụ 2020/2021 sẽ chuyển từ tình trạng cung vượt cầu sang cung không đáp ứng đủ nhu cầu, với mức thiếu hụt khoảng 3,5 triệu tấn. Do vậy, giá đường thế giới nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng tăng trong năm 2021.

Giá đường trong nước được Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới. Theo đó, giá đường tăng giúp các doanh nghiệp ngành mía đường đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Nguồn: PHS.

Nguồn: PHS.

Nhà máy sản xuất đường quy mô lớn của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) và Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) có lợi thế về giá thành so với các nhà máy nhỏ.

Ông Võ Thành Đàng, Tổng giám đốc QNS cho biết, dây chuyền sản xuất sản phẩm đường của Công ty hoạt động ổn định, tiết kiệm chi phí trong sản xuất là nguyên nhân giúp hạ giá thành sản phẩm, gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, doanh nghiệp tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng sản xuất công nghiệp trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía.

Ông Đinh Minh Trí, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo, năm 2021, doanh thu và lãi ròng QNS có thể đạt 8.094 tỷ đồng và 1.415 tỷ đồng, tăng 24,7% và 34,4%, trong đó mảng đường ước đạt 1.836 tỷ đồng, tăng hơn 84% so với năm 2020.

Kết thúc quý I/2021, doanh thu từ mảng sản phẩm đường của QNS tăng 55%, đạt 408 tỷ đồng; lợi nhuận gộp mảng này ghi nhận 49,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 3 tỷ đồng.

Đối với SBT, Mirae Asset dự phóng doanh thu niên độ tài chính 2020/2021 (từ 1/7/2020 đến 30/6/2021) đạt 14.673 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Thực tế, lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2020/2021, SBT đã tiêu thụ 877.000 tấn đường, tăng gần 26%; doanh thu đạt 10.749 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 479 tỷ đồng, tăng 225% so với cùng kỳ.

Tin bài liên quan