Ngành quỹ ghi dấu tăng trưởng trong năm 2020

Ngành quỹ ghi dấu tăng trưởng trong năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với sự ra đời của nhiều quỹ mới, hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ của VSD đạt được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ quỹ tại thị trường Việt Nam trong năm 2020.

Nở rộ năm 2020

Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD cho biết, với 7 năm triển khai, hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ của VSD đã gặt hái được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ quỹ tại thị trường Việt Nam với giá trị và tần suất giao dịch tăng lên rất mạnh.

Theo ông Thanh, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ mà VSD cung cấp dịch vụ đạt trên 25.500 tỷ đồng, tăng 21% so với tổng NAV năm 2019. Trong đó, các quỹ đầu tư trái phiếu vẫn chiếm tổng giá trị tài sản lớn nhất với 16.625 tỷ đồng (chiếm 79,14%), tiếp đó là các quỹ đầu tư cổ phiếu với gần 4.000 tỷ đồng (chiếm 18,66%), các quỹ đầu tư cân bằng chỉ 2,2% với giá trị tài sản, tương đương 461 tỷ đồng.

Đại diện VSD cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, VSD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với 35 quỹ mở thuộc 17 Công ty Quản lý Quỹ, trong đó có 29 quỹ đang hoạt động, 01 quỹ đang tiến hành IPO.

Trong số 29 quỹ đang hoạt động, có 13 quỹ là Quỹ đầu tư cổ phiếu, 12 quỹ là quỹ đầu tư trái phiếu và 4 quỹ cân bằng, tăng 1 quỹ so với số lượng quỹ hoạt động năm 2020.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ ghi nhận trên hệ thống đạt 181.000 tài khoản, trong đó hơn 180 nghìn tài khoản cá nhân trong nước, 857 tài khoản cá nhân nước ngoài, 291 tài khoản tổ chức trong nước và 107 tài khoản của tổ chức nước ngoài.

Trong đó, số lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 đạt hơn 57.000 tài khoản mở, trong khi số lượng tài khoản đóng chỉ có 33 tài khoản, cho thấy nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn hơn đối sản phẩm quỹ mở.

Nếu phân loại theo giá trị tài sản ròng thì quỹ mở theo công ty quản lý quỹ, năm 2020 chiếm ưu thế vẫn là các quỹ thuộc Công ty quản lý quỹ Techcom với trên 18.000 tỷ đồng, tiếp đó là các quỹ của VFM, VinaCapital, SSIAM, VCBF, Mirae Asset và Công ty quản lý quỹ Bảo Việt.

Tổng giá trị giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6.884 tỷ đồng, tăng 46,4% so với tổng giá trị giao dịch hoán đổi năm 2019. Trong đó, thực hiện thành công IPO cho 4 quỹ ETF; thực hiện đăng ký lần đầu, lưu ký cho 4 quỹ này với tổng số lượng là 47,3 triệu chứng chỉ quỹ. Cũng tính đến thời điểm cuối tháng 9/2020, VSD đã thực hiện 634 phiên giao dịch hoán đổi sơ cấp cho 6 quỹ ETF.

Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc VFM cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành quỹ rất lớn trong những năm qua, nhưng sự phân hóa giữa các quỹ cũng rất lớn khi giữa các quỹ có sự chênh lệch rất lớn về mặt tài sản quản lý.

Cũng theo ông Minh, nhìn vào tốc độ phát triển của các sản phẩm quỹ (Quỹ mở, quỹ EFT và quỹ đầu tư trái phiếu) cho thấy quỹ đầu tư trái phiếu có sự tăng trưởng rất mạnh trong năm qua. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh của công nghệ số, những Công ty nào sớm tiếp cận công nghệ đưa ra các sản phẩm hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ngân hàng đầu tư Phát triển – BIDV Hà Thành cho biết, bên cạnh các loại hình quỹ truyền thống như Quỹ Thành viên, Quỹ đóng, đã có các loại quỹ đại chúng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế như Quỹ mở, Quỹ ETF, Quỹ đầu tư bất động sản...

Thị trường chứng khoán ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục của số lượng công ty quản lý quỹ cũng như tổng giá trị tài sản quản lý. Đến hiện tại, thị trường có hơn 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt gần 3.500 tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu đạt gần 4.300 tỷ đồng.

Số lượng quỹ đầu tư đạt 51 quỹ, tăng gấp 3 lần thời điểm 2012. Tổng tài sản quản lý của các công Công ty quản lý quỹ, bao gồm hoạt động quản lý danh mục đầu tư và quản lý quỹ có sự tang trưởng đột phá trong thời gian qua và đạt khoảng 350.000 tỷ đồng

Cần thêm công cụ mới

Nhìn lại các nội dung góp ý, kiến nghị tại Hội nghị Quản lý Quỹ năm 2019, VSD đã chia làm hai nhóm chính. Thứ nhất là các kiến nghị có thể giải quyết trong thời gian ngắn, có thể chỉnh sửa các nội dung liên quan tới trình tự, thủ tục thực hiện. Thứ hai là đối với các kiến nghị cần có thời gian dài để xem xét, đánh giá nhu cầu và khả năng thực hiện (chủ yếu liên quan tới chỉnh sửa hệ thống).

Cũng từ những đóng góp của các thành viên, trong năm 2020, VSD đã thực hiện điều chỉnh một số trình tự, thủ tục theo kiến nghị, cụ thể đối với nghiệp vụ điều chỉnh thông tin, VSD đã có đánh giá chi tiết các bước thực hiện và thực hiện giảm thiểu thao tác liên quan tới các thông tin không trọng yếu (thông tin không ảnh hưởng tới nhận diện sở hữu của nhà đầu tư và tài khoản ngân hàng). Các thay đổi này, cũng như các đợt chỉnh sửa báo cáo, VSD đều có thông báo gửi các bên liên quan trên hệ thống.

Dù vậy, nhiều thành viên đã đề xuất về việc cơ quan quản lý cần sớm có cơ chế cho vay cầm cố (margin) đối với sản phẩm chứng chỉ quỹ, tương đương cơ chế margin đối với chứng khoán cơ sở như hiện nay và gợi ý của đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về việc hoàn thiện của hệ thống giao dịch cho các nhà đầu tư tham gia quỹ mở có thể thực hiện đặt lệnh giao dịch chứng chỉ quỹ tương tự như các giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung hiện nay.

Liên quan đến những đề xuất trên, lãnh đạo VSD cho hay, về mặt hệ thống, Trung tâm luôn sẵn sàng đưa vào vận hành giao dịch hay cầm cố chứng chỉ quỹ như chứng khoán, song để triển khai thì phải có hướng dẫn của văn bản pháp lý.

Cũng theo VSD, Công ty quản lý quỹ cần phối hợp với VSD để tìm hiểu về căn cứ pháp lý, soạn thảo quy trình phối hợp thực hiện và xử lý trong trường hợp nhà đầu tư không thể hoàn tất nghĩa vụ trả nợ.

Bên cạnh đó, liên quan đến đề xuất tự động không khấu trừ thuế đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, VSD cho rằng việc chỉnh sửa hệ thống cần chờ tới giai đoạn nâng cấp, ngoài ra, số lượng tổ chức loại này không nhiều (trong hơn 100 tổ chức kinh tế thuộc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, nghĩa là VSD có thể thực hiện điều chỉnh cho từng trường hợp khi nhận được thông báo từ Công ty quản lý quỹ.

Đại diện BIDV cũng cho biết, để thuận lợi hơn cho Ngân hàng giám sát, các đại lý phân phối, BIDV kiến nghị VSD xem xét bổ sung các cấu trúc điện mới đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ như điện chỉnh sửa, hủy, điện phản hồi liên quan đến giao dịch báo có tiền mua chứng chỉ quỹ, xác nhận NAV.

BIDV cũng đề nghị VSD xem xét thống nhất sử dụng mã nhận diện Ngân hàng (mã ngân hàng) tại hệ thống Đại lý chuyển nhượng của VSD theo quy định tại Thông tư 17/2015/TT-NHNN ngân hàng Nhà nước, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty quản lý quỹ/Ngân hàng giám sát thực hiện thanh toán tiền bán chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư nhanh chóng, phù hợp với quy chuẩn thanh toán của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời đẩy nhanh quá trình số hóa và xây dựng hệ sinh thái tài chính.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD

Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ có những thay đổi, giúp thị trường có nền tảng phát triển tốt hơn. Những sản phẩm tiên tiến mà thế giới đã làm được thì chúng ta cũng nên sớm triển khai, theo hướng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thị trường quản lý quỹ đang có những thay đổi để tiệm cận dần với thông lệ quốc tế, trên cơ sở đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển hơn nữa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, hình thành hệ thống nhà đầu tư có tổ thức hoạt động chuyên nghiệp, tạo sự ổn định cho thị trường chứng khoán.

Những nghiệp vụ đang được thị trường quan tâm như ký quỹ đối với chứng chỉ quỹ, VSD đang nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế pháp chế để sớm được triển khai các sản phẩm mới, các thủ tục sẽ được thực hiện nhanh gọn, những sản phẩm này sẽ được VSD đưa ra thị trường khi Luật chứng khoán có hiệu lực.

Đặc biệt, trong năm 2021, VSD sẽ hoàn thiện Cổng giao tiếp điện tử với tổ chức phát hành nhằm hỗ trợ việc trao đổi thông tin, nghiệp vụ dưới dạng điện tử giữa VSD và các tổ chức phát hành có đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD.

Ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quỹ, Ủy ban chứng khoán Việt Nam

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành quỹ hiện có 52 Quỹ đầu tư, 44 Công ty quản lý quỹ và tổng tài sản quản lý quỹ ghi nhận 357.600 tỷ đồng.

Ông Nam cho biết, dự kiến các văn bản pháp lý, các nghị định hướng dẫn luật chứng khoán sẽ hoàn chỉnh và được ký ban hành vào ngày 15/11 để có cơ sở hướng dẫn Luật chứng khoán mới có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Khung cơ sở pháp lý hoàn thiện sẽ giúp ngành quỹ có thêm nền tảng để phát triển thêm nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với dự kiến các văn bản pháp lý.

Cơ quan quản lý đang hướng đến việc xây dựng các chính sách thuế ưu đãi như miễn thuế thu nhập… nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư mua chứng chỉ quỹ, thay vì đầu tư trực tiếp vào TTCK hay gửi tiền tiết kiệm.

Thứ hai là nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp lý về chính sách thuế để khuyến khích sự pháp triển của các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Thứ ba là hướng tới sự đa dạng hoá kênh phân phối chứng chỉ quỹ khi cho phép các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia vào phân phối chứng chỉ quỹ mở.

Tin bài liên quan