Việt Nam cần nhiều hơn các sản phẩm du lịch độc đáo như cầu Vàng - Bà Nà Hill

Việt Nam cần nhiều hơn các sản phẩm du lịch độc đáo như cầu Vàng - Bà Nà Hill

Nghĩ cách giữ lại 3 tỷ USD du khách “mang đến lại mang về“

(ĐTCK) 14,5 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 là con số ấn tượng về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp "không khói". Thế nhưng, việc thu hút khách đến là một chuyện, làm thế nào để khách móc hầu bao lại là chuyện khác.

Khách đông nhưng tiêu ít tiền

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2014, tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1.114,4 USD, đến năm 2017 tăng lên 1.172 USD, tương đương tăng khoảng 5%.

Cũng theo cơ quan này, trong 5 năm trở lại đây, mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là tiền thuê phòng lưu trú và ăn uống, chiếm 56 - 60%. Tiếp đến là chi cho mua hàng hóa, đồ lưu niệm chiếm 20%, trong khi số tiền dành cho tham quan kèm vui chơi giải trí chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 7 - 10% tổng chi phí chuyến đi. Con số này ngược lại với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, nơi du khách dùng tới 60 - 70% tổng chi phí chuyến du lịch cho các hoạt động vui chơi, giải trí.

Một thống kê khác tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam hồi đầu năm 2019 cho thấy, so với Thái Lan, số ngày khách quốc tế lưu trú tại Việt Nam không hề kém cạnh (9,5 ngày ở Việt Nam và 9,6 ngày ở Thái Lan), song khách đến Việt Nam chỉ chi 96 USD mỗi ngày, trong khi ở Thái Lan là 163 USD và ở Singapore là 325 USD.

So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cũng như doanh thu từ ngành công nghiệp “không khói” của Việt Nam vẫn kém xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Một điều đáng ghi nhận, trong một vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất ngành du lịch đã được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước như Sun Group, Vingroup, Mường Thanh, FLC, VinaCapital… Đến nay, nước ta đã có hơn 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 phòng, tăng gần gấp đôi so với cách đây 10 năm.

Nghĩ cách giữ lại 3 tỷ USD du khách “mang đến lại mang về“ ảnh 1

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Dũng Minh

Ngoài ra, các địa phương cũng đã nỗ lực gắn kết, hợp tác phát triển, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn, khu resort được thế giới bình chọn, vinh danh là khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, InterContinental, HG, Four Seasons..., góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch không chỉ nằm ở bài toán về chất lượng cơ sở lưu trú, mà là các sản phẩm để khách móc hầu bao nhiều hơn, chẳng hạn như Cao nguyên Genting (Malaysia). Nơi đây được biết đến với một câu khẩu ngữ nổi tiếng “Xin quý vị xài tiền, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”. Quả thực, đến Genting, du khách có thể sẽ dốc cạn ví để tận hưởng các dịch vụ đa dạng, từ vui chơi giải trí, đến mua sắm và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, tới Việt Nam hiện nay, nhiều du khách có tiền, nhưng không biết tiêu vào đâu, vì sản phẩm về vui chơi, giải trí còn hạn chế, nhất là về ban đêm.

Nghĩ cách để khách “móc hầu bao” nhiều hơn

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc thiếu các sản phẩm du lịch đã khiến sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam thua kém với các nước trong khu vực.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngoài ngủ khách sạn, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia một vài tour di tích, danh thắng là hết chỗ đi, họ không tìm thấy chỗ nào để vui chơi, giải trí, hay trải nghiệm. Đây chính là lý do tạo ra sự nhàm chán cho du khách và khiến nhiều du khách một đi không trở lại.

Trong khi đó, ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực, các tổ hợp giải trí nổi tiếng đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngành du lịch và nền kinh tế. Chẳng hạn, Disneyland Hong Kong (Trung Quốc) đón gần 7 triệu khách mỗi năm, mang về doanh thu khoảng 1,2 tỷ USD, hay Sentosa (Singapore) cũng có doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD, còn Cao nguyên Genting của Malaysia đạt con số khoảng 2 tỷ USD doanh thu mỗi năm...

Trong khi đó, tại Việt Nam, dù có thừa tiềm năng về tự nhiên, thắng cảnh, nhưng lại thiếu sản phẩm vui chơi, giải trí, nên đã để tuột khỏi tay hàng tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, năm 2018, Việt Nam chỉ thu được 8,8 tỷ USD trên lượt khách quốc tế 12,9 triệu, hụt thu khoảng 3 tỷ USD. Để lấy lại khoản bị hụt này, kinh tế ban đêm là điểm đột phá thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng thu được tiền từ du khách, giữ lại 3 tỷ USD đó.

“Phát triển bằng được kinh tế đêm, quy hoạch lại, hạn chế những điều không tốt và phát huy cái tốt là điều ngành du lịch cần làm. Buổi tối khách cần đi nghe nhạc giao hưởng thì đi chỗ nào? Ẩm thực đang là thế mạnh của Việt Nam, nên cần tập trung giải quyết nhu cầu ẩm thực có văn hóa, khách sẵn sàng chi tiêu khi họ cảm thấy thoải mái”, ông Kỳ nói.

Còn theo ông Nam, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh. Một dự án nghỉ dưỡng cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích - dịch vụ đa dạng mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện cũng rất tiềm năng cho những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng khách sạn hạng sang ngày một tăng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cao cấp của du khách là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là khi du khách đến Việt Nam, phải có nhiều hoạt động dịch vụ hấp dẫn, khiến họ lưu trú lại nhiều ngày và tiêu nhiều tiền. Điểm đến nào đáp ứng được các tiêu chí của khách du lịch, họ sẽ lựa chọn nghỉ lâu dài và có thể quay lại trong lần tiếp theo.

"Để phát triển du lịch trải nghiệm, chúng ta cần phải phát triển các tổ hợp du lịch trải nghiệm quy mô lớn, đa chức năng, có khu vui chơi cho trẻ em, cho người lớn, khu casino... Chúng ta rất cần phát triển những loại hình đó, bởi có nhiều nguồn du khách chỉ muốn trải nghiệm theo cách đó", ông Ánh cho biết.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Hữu Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay cho biết, hiện có tới 54% du khách có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, mở ra cánh cửa cơ hội lớn cho Việt Nam. Do vậy, việc chuyển hướng sang loại hình du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế là yêu cầu cần thiết.

Nhìn ra thế giới, có nhiều mô hình tổ hợp quy mô lớn đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu này. Chẳng hạn, năm 2018, Walt Disney Hong Kong thu hút 6,7 triệu lượt khách, Genting (Malaysia) thu hút 38,5 triệu lượt khách, Pattaya (Thái Lan) thu hút 15 triệu lượt khách, Dubai (UAE) thu hút 16 triệu lượt khách, Las Vegas (Mỹ) thu hút 42 triệu lượt khách...

Theo ông Trường, có thể chia làm ba nhóm: nhóm các trung tâm du lịch quy mô lớn; thành phố - vùng du lịch quy mô lớn và thành phố - vùng du lịch.

“Nếu Việt Nam tập trung đầu tư dự án quy mô lớn, tích hợp nhiều trải nghiệm, thì chúng ta sẽ thu hút được nhiều khách du lịch, không chỉ trong nước mà còn cả khách hạng sang quốc tế", ông Trường cho biết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan