Nghi vấn làm giả thang máy Mitsubishi

Nghi vấn làm giả thang máy Mitsubishi

(ĐTCK) Thang máy hiện là thiết bị không thể thiếu tại các tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng… Tuy nhiên, khách hàng rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, hàng nhái.

Đưa nhau ra tòa vì nghi vấn đồ giả

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trên thị trường thang máy Việt Nam hiện có khoảng hơn 300 đơn vị cung cấp thang máy và dịch vụ liên quan đến thang máy. Mỗi hãng đều có thương hiệu và giá cả khác nhau, có thể kể đến một số thương hiệu lớn như Mitsubishi, Toshiba, Otis, Thyssenkrupp, Hitachi…

Trong đó, Mitsubishi là một trong những thương hiệu được nhiều người lựa chọn nhất. Bởi đây là một sản phẩm thang máy chất lượng, linh kiện, thiết bị được sản xuất, lắp ráp đồng bộ theo những tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn cao. Tuy nhiên, đây cũng là thương hiệu thang máy bị làm giả nhiều nhất.

Đơn cử như vụ việc vừa xảy ra tại Nhà hàng Vạn Lộc Phát ở Bình Dương. Sau khi ký hợp đồng và đóng tiền cho một doanh nghiệp tự giới thiệu là đại lý của Mitsubishi và là đối tác của nhiều hãng thiết bị có uy tín, thì chủ nhà hàng mới tá hỏa vì đã mua phải hàng giả.

Cụ thể, Nhà hàng Vạn Lộc Phát đã ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật Hùng Quang (gọi tắt là Công ty Hùng Quang) để được cung cấp, lắp đặt 4 thang máy vận tải khách, tải hàng mang nhãn hiệu Mitsubishi với giá trị 2,6 tỷ đồng.

Theo đó, tất cả các thiết bị được sản xuất từ năm 2017 trở về sau và được nhập khẩu từ nhà máy của Mitsubishi châu Á, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định của hồ sơ hợp đồng, phải có giấy chứng nhận xuất xứ (CO) và giấy chứng nhận chất lượng (CQ) của nhà sản xuất kèm theo catalogue, chứng từ, tờ khai hải quan nếu là thiết bị nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi thanh toán tiền đợt 2 và nhận linh kiện, đại diện Nhà hàng Vạn Lộc Phát đã phát hiện hàng loạt mâu thuẫn trong hồ sơ giấy tờ nhập khẩu, hải quan…, nên đã mời các chuyên gia của hãng thang máy Mitsubishi tới kiểm tra thì nhận được kết quả rằng, các sản phẩm thang máy Mitsubishi Công ty Hùng Quang bán cho Nhà hàng không phải do Mitsubishi sản xuất. Công ty Hùng Quang cũng không phải là đại lý của Công ty Thang máy Mitsubishi.

Hành động của Mitsubishi sau đó là thông qua một công ty luật để ra 2 công văn gửi cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương, yêu cầu điều tra, xử lý hình sự hành vi lắp ráp, kinh doanh, tàng trữ hàng giả và vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, đại diện phía Nhà hàng Vạn Lộc Phát và Công ty Hùng Quang đang đưa nhau ra tòa để phân định thật giả. Phía Nhà hàng tố cáo hành vi của Công ty Hùng Quang là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, còn Công ty Hùng Quang thì yêu cầu tòa buộc phía nhà hàng thực hiện hợp đồng và thanh toán hết số tiền còn lại.

Đến nay, việc tranh luận giữa 2 bên vẫn chưa có kết quả, nhưng điều có thể dễ dàng nhận thấy là khi mua phải hàng giả, hàng nhái thì chính khách hàng là người chịu thiệt. Hành động của nhà sản xuất chỉ là mang tính bảo vệ chính thương hiệu của mình.

Nhiều chiêu thức gian lận

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, anh Phong, đại diện một công ty chuyên cung cấp thang máy gia đình, văn phòng tại quận 1, TP.HCM cho biết, hiện nay có rất nhiều chiêu thức khác nhau được các công ty sử dụng để làm giả các sản phẩm thang máy của các thương hiệu lớn. Những hình thức che đậy này vô cùng tinh vi nên người dùng khó lòng có thể xác định được đâu mới là hàng thật, hàng chính hãng, chất lượng cao.

Trong đó, cách được áp dụng nhiều nhất hiện nay để có thể dễ dàng qua mặt đại bộ phận khách hàng chính là đưa ra Giấy chứng nhận xuất xứ của sản phẩm. Câu hỏi đặt ra là họ lấy những giấy chứng nhận hợp lệ này từ đâu?

Theo anh Phong, với thang máy hàng nhái thì các thiết bị được lắp đặt từ nhiều hãng sản xuất. Trong số đó, bộ phận quan trọng nhất quyết định tới hiệu quả hoạt động của thang máy là động cơ 3 pha và máy kéo ở những thiết bị thang máy hàng nhái sẽ sử dụng linh kiện chính hãng, còn lại những bộ phận khác sẽ sử dụng linh kiện không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Do sở hữu động cơ chính hãng, còn có in thêm logo của những thương hiệu lớn nên những thiết bị thang máy được làm giả này hiển nhiên trở thành một sản phẩm chính hãng, chất lượng cao và sẽ có được Giấy chứng nhận xuất xứ động cơ do chính hãng đấy cấp ra, đây chính là minh chứng để tạo niềm tin tuyệt đối cho khách hàng.

“Khi mà các cách thức làm giả, làm nhái sản phẩm ngày càng tinh vi, thủ đoạn hơn thì người dùng càng cần phải cẩn trọng, tỉnh táo khi chọn mua bất kỳ sản phẩm thang máy nào. Tránh tình trạng mua phải sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, gây nguy hiểm đến người sử dụng và độ bền của sản phẩm”, anh Phong nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan