Nghịch lý lợi nhuận doanh nghiệp tốt… vẫn là tin xấu

Nghịch lý lợi nhuận doanh nghiệp tốt… vẫn là tin xấu

(ĐTCK) Mùa công bố lợi nhuận DN của Mỹ đã đi qua, và nó cho thấy một bức tranh khá sáng sủa. Nhưng đó có thể lại là tin xấu.

Bức tranh lợi nhuận tốt…

Có 3 điểm cho thấy bức tranh lợi nhuận của các DN Mỹ trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh vừa qua là tương đối tích cực, đó là:

Thứ nhất, tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận của các DN đã tăng 9,6% trong quý IV/2013 so với cùng kỳ năm 2012, theo Thomson Reuters. Tính cả năm 2013, lợi nhuận tăng 6,1%. Mức tăng như vậy là tương đối tốt trong bối cảnh lợi nhuận thuộc lĩnh vực năng lượng giảm khoảng 5%.

Thứ hai, các kết quả là cao hơn dự báo của các nhà phân tích. Khoảng 69% DN có báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự báo chung của giới phân tích, theo Thomson Reuters. Các DN cũng gây ngạc nhiên cho các nhà phân tích về khía cạnh doanh thu với 64% có kết quả cao hơn dự báo.

Theo BofA Merrill Lynch, đây là kết quả doanh thu tốt nhất so với kỳ vọng trong vòng 2,5 năm qua. Trong khi còn có những lo ngại về kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, kết quả này là rất đáng khích lệ.

Thứ ba, triển vọng lợi nhuận cũng không đến nỗi nào. Các giám đốc tài chính (CFOs) của Mỹ đang sử dụng kết quả lợi nhuận để thuyết phục các nhà đầu tư của họ tăng vốn, điều có thể giúp ích cho kinh tế toàn cầu.

… vẫn có thể là tin xấu cho TTCK

Mặc dù có kết quả bề ngoài xuất sắc như vậy, thị trường cổ phiếu vẫn có một khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng. Các CFOs có lẽ đã thành công trong việc đẩy các kỳ vọng xuống thấp, đủ để họ vượt qua chúng, nhưng điều đó không mang lại nhiều lợi ích cho DN.

Lợi tức ngắn hạn của các công ty có lợi nhuận vượt trên dự báo vẫn thấp hơn thường lệ. 5 ngày sau công bố báo cáo của mình, CFO Savita Subramanian của Merrill Lynch nhận thấy rằng, bình quân, họ tăng trưởng vượt trên S&P 500 khoảng 2,1 điểm phần trăm. Nhưng ngược lại, với các DN có kết quả thấp hơn kỳ vọng, cổ phiếu có mức tăng trưởng thấp hơn đến 5,5 điểm phần trăm so với chỉ số thị trường. Đặt hai trường hợp này cạnh nhau thì thấy, khoảng cách giữa các DN chiến thắng và chiến bại chỉ số thị trường trong mùa công bố lợi nhuận là lớn nhất kể từ quý IV/2008 - khi cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa hoạt động của DN.

Ed Clissold của Ned Davis Research biện hộ rằng: “Kết quả cao hơn dự báo không giúp gì nhiều, nhưng cũng còn hơn là thấp hơn”. Trước mắt, mùa công bố lợi nhuận đã chứng thực một điều rằng, mức tăng của TTCK năm ngoái chủ yếu dựa trên niềm tin. Các nhà đầu tư khi đó rõ ràng là đã kỳ vọng rất nhiều vào triển vọng của các DN.

Nhìn rộng hơn về mặt địa lý, tình hình rất đáng ngại ở châu Âu. Mùa công bố lợi nhuận của châu Âu đang cho thấy một lục địa còn “ốm yếu” với rủi ro giảm phát. Doanh số của 122 công ty trong chỉ số Stoxx 600, đã có báo cáo cho đến gần đây, giảm nhẹ bình quân 0,8% trong quý IV/2013 so với cùng kỳ năm trước, theo Thomson Reuters.

Từ mức doanh thu yếu này, các DN châu Âu thu được mức biên lợi nhuận thấp hơn nhiều, trong đó, các công ty phi tài chính giảm mạnh nhất, về mức thấp của năm 2009.

Đặt doanh thu nghèo nàn bên cạnh biên lợi nhuận ít ỏi thì thấy điều mà Andrew Lapthorne của Société Générale nói: tỷ trọng lợi nhuận được tạo ra bởi các công ty châu Âu trong chỉ số MSCI World index (bao gồm các nước phát triển) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Điều này được coi là dấu hiệu của việc lục địa này có thể đang trở lại thời kỳ khủng hoảng. Nhưng một lượng tiền lớn từ Mỹ đổ vào châu Âu trong những tháng vừa qua cho thấy người Mỹ đang chuyển sang tin vào các DN nơi đây. Tuy vậy, thực tế là các DN châu Âu chưa làm được gì để đáp lại niềm tin đó. Nếu thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài, nó sẽ khiến niềm tin này rồi cũng bỏ đi.

Lý do cuối cùng đến từ những gì mà các CEO của Mỹ từng nói với các nhà đầu tư về tương lai DN họ. Các CEO này tin rằng, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt từ các thị trường mới nổi, sẽ đủ để kích thích kết quả kinh doanh cho các DN Mỹ. Nhưng họ vẫn cảm thấy cần thiết phải cảnh báo rằng, sẽ là rất khó để cải thiện được biên lợi nhuận.

Một nghiên cứu của Goldman Sachs chỉ ra rằng, có một loạt công ty trong các lĩnh vực khác nhau đang gặp nhau ở một vài điểm, đó là chi phí tăng và cạnh tranh sẽ vắt kiệt biên lợi nhuận. Các công ty như McDonald’s và Nike đã than phiền về chi phí tăng, trong khi các thương thiệu từ Ford Motor đến Johnson & Johnson hay Schlumberger đều cảnh báo tình trạng cạnh tranh giá.

Biên lợi nhuận của các DN Mỹ không thực sự cao và điều này sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn nếu TTCK năm ngoái không phản ứng quá tích cực với niềm tin. Giờ thì các chỉ số thị trường đang phải điều chỉnh để phù hợp hơn với thực trạng kinh doanh của DN.

Tin bài liên quan