Nghịch lý nhập siêu từ Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
Campuchia là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhưng trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu sang nhập siêu từ Campuchia.

Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng trưởng đều đặn, từ 2,2 tỷ USD trong 2016 tăng lên 3,79 tỷ USD trong 2018 và đạt 4,15 tỷ USD trong năm 2020. Riêng 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 3,15 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam cũng đã vượt qua mốc 1 tỷ USD vào các năm 2017, 2020. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu từ Campuchia tăng cao, khiến Việt Nam nhập siêu 354,4

triệu USD từ Campuchia, trong khi đó, cùng kỳ năm 2020, Việt Nam xuất siêu sang Campuchia hơn 2 tỷ USD.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhập siêu từ Campuchia là do kim ngạch nhập khẩu 6 mặt hàng chủ yếu từ Campuchia đều tăng so với cùng kỳ, trong đó có 2 mặt hàng tăng rất cao là hạt điều và cao su.

Tám tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hạt điều từ Campuchia với tổng kim ngạch gần 1,829 tỷ USD, cao gấp 7,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng do cả hai yếu tố: lượng nhập khẩu tăng và đơn giá tăng (bình quân khoảng 1.677 USD/tấn so, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2020).

Trong khi đó, cao su nhập khẩu từ Campuchia đạt kim ngạch 821,8 triệu USD, cao gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2020 (do lượng tăng và đơn giá tăng 18,7% so với cùng kỳ)

Tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Campuchia tính đến cuối tháng 8/2021 đạt khoảng 2,854 tỷ USD, chủ yếu vào công ngành nông nghiệp, trong đó có trồng điều, trồng cao su. Việc tăng kim ngạch nhập khẩu cao su từ Campuchia có thể được lý giải là, có một phần giá trị đáng kể của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực trên đã xuất khẩu trở lại Việt Nam. Điều này cũng đã được nhiều nước thực hiện, đó là đầu tư ra nước ngoài để sản xuất nhằm tận dụng giá nhân công rẻ, các điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, ưu đãi, đặc biệt là thuế suất ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhập khẩu trở lại một phần các sản phẩm đó.

Ngoài ra, tình trạng tăng nhập siêu từ Campuchia còn xuất phát từ việc, nhiều nước tăng xuất khẩu vào Việt Nam để tận dụng nguồn gốc xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi, vì Campuchia nằm trong ASEAN và được hưởng thuế suất ưu đãi xuất/nhập khẩu với Việt Nam.

Giải pháp để điều chỉnh cán cân thương mại với Campuchia là đẩy mạnh chế biến để tăng giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu; phát triển cây điều, cây cao su trên cơ sở đầu tư nguồn nước, cơ cấu lại giống, chăm sóc để có năng suất cao, chất lượng tốt; cơ cấu lại và mở rộng thị trường tiêu thụ hạt điều, cao su.

Cùng với đó, phải tăng cường kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng này để đảm bảo nguyên tắc xuất xứ; kiểm tra, rà soát các mặt hàng của các thị trường thông qua Campuchia xuất khẩu vào Việt Nam để tận dụng thuế suất ưu đãi.

Tin bài liên quan