Những người có tiền luôn có nhu cầu thể hiện bản thân và đây là cơ hội cho các sản phẩm hàng hiệu, trong đó có bất động sản

Những người có tiền luôn có nhu cầu thể hiện bản thân và đây là cơ hội cho các sản phẩm hàng hiệu, trong đó có bất động sản

Người giàu tiêu tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quan sát cách người giàu tiêu tiền mới thấy, quan niệm về giá trị và sản phẩm của nhóm khách hàng này đôi khi rất khác cách nghĩ chung của thị trường.

Chuyện xe

Cách đây hơn 2 năm, khi những chiếc xe ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt được ra mắt thị trường, không ít người cho rằng, với giá bán cao như vậy, sẽ chẳng có mấy khách hàng bỏ tiền ra để sở hữu một chiếc xe nội. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một câu trả lời rất khác.

Không những bán tốt, mà hãng xe nọ còn vươn lên như một trong những doanh nghiệp có thị phần lớn với mảng xe con ở thị trường nội địa. Kết thúc năm 2021, hãng xe này đã bán 35.723 xe ô tô, tăng 21,2% so với năm 2020 và là 1 trong 4 hãng xe có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, hãng xe nội vẫn là một trong những hãng xe bán hàng tốt nhất, dù mới chỉ ra mắt thị trường được hơn 2 năm, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều thương hiệu lớn đã cắm rễ, định vị thương hiệu vững chắc như Toyota, Hyundai, Kia, Mitsubishi, Mazda, Ford, Honda, Suzuki, Mercedes…

Chia sẻ cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một sale chuyên bán xe con cho biết: “Khi hãng xe nội mới ra mắt, tôi cũng có ý nghĩ chung như nhiều người, rằng nếu bỏ ra số tiền tương đương, cá nhân tôi cũng sẽ mua một chiếc xe nhập khẩu, hoặc xe mang thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, có thể đó là cách nghĩ phổ thông, của người chưa đủ tiền mua ô tô. Sau này tôi hỏi ra thì mới biết, bản thân người mua xe sản xuất trong nước cũng có tìm hiểu rất kỹ về máy móc, động cơ, rồi còn thêm tinh thần người Việt ủng hộ hàng Việt nữa… Và quan trọng nhất, suy nghĩ của người có tiền khác rất nhiều suy nghĩ của người chưa sẵn sàng cho các khoản chi tiêu đó. Bỏ tiền mua hàng, người ta cũng tính toán, xem xét kỹ lưỡng rồi chứ không chỉ dừng ở mức ‘tưởng tượng’ như nhiều người”.

Chuyện golf

Tương tự như chuyện hãng xe, câu chuyện của môn thể thao golf cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Trao đổi với nhiều golfer, điểm chung mà phóng viên ghi nhận được là nhiều người trong cộng đồng còn có cái nhìn khá “kỳ thị” với người chơi golf, coi môn thể thao này như một thú chơi của người giàu, không mang tính cộng đồng, thậm chí là làm lãng phí tài nguyên.

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho biết, nhiều người trong cộng đồng đang quan niệm golf là môn thời thượng, của những người giàu có, do đó bị đánh thuế cao nên giá cao hơn so với các nước trong khu vực. Chúng ta chưa quan niệm đây là môn thể thao và cần nhận được ưu đãi.

Cũng theo chia sẻ của những người chơi golf, dù chưa có được những cái nhìn khách quan về môn thể thao này, nhưng sự thú vị của golf mang lại không chỉ là rèn luyện sức khỏe, tăng cường kết nối, giao lưu, mà còn cả ở việc “rèn tính, luyện nết” theo hướng rất tích cực: Coi trọng sự gần gũi với thiên nhiên, nhẫn nại.

Golf đang là lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng

Golf đang là lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng

Trên thực tế, số lượng người chơi golf tại Việt Nam đang tăng nhanh và đây thực sự trở thành một lĩnh vực có thể mang lại nguồn thu lớn, không chỉ với khách nội địa, mà cả các golfer quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc VGS Media - Golf News, năm 2019 - 2020, số lượng người chơi golf Việt Nam thống kê được vào khoảng 26.000 người. Năm 2021, con số này đạt 51.000 người, điều này cho thấy số người chơi golf tại Việt Nam đang ra tăng rất nhanh qua các năm.

Còn nhìn ở góc độ của một golf thủ, ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, lượng người chơi golf rất thấp, nhưng con số này sẽ tăng lên trong những năm tới. Ông cho biết, lượng người chơi golf trên thế giới vào khoảng 60 triệu người, trong khi Việt Nam đã 5 năm liền được vinh danh là điểm đến golf tốt nhất châu Á và năm 2021, được đánh giá là điểm đến golf tốt nhất thế giới. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục những du khách tới đây chơi golf.

Nhiều chuyên gia và các golfer đều cho rằng, dù trên thực tế vẫn còn những cái nhìn chưa thiện cảm với golf, nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của môn thể thao này, cũng như việc Việt Nam đang hình thành một nền kinh tế golf, thu hút ngày càng nhiều golfer từ khắp nơi trên thế giới đến trải nghiệm.

Trao đổi cùng phóng viên về tiềm năng của kinh tế golf, bà Phạm Thị Sen, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Goodfeeling Việt Nam - đơn vị chuyên tổ chức các chuyến bay đón khách đánh golf từ Hàn Quốc sang Việt Nam - cho biết, dự kiến trong quý I/2022, Goodfeeling Việt Nam sẽ có 18 chuyến bay charter từ Hàn Quốc về Đà Nẵng và Hạ Long. Các chuyến bay charter của Vietjet có 225 khách/chuyến (tới Đà Nẵng), các chuyến bay của Bamboo Airlines về Hạ Long (Quảng Ninh) có 188 khách/chuyến. Về cơ bản, hiện tại các đại lý tour bên Hàn Quốc và du khách đã rất sẵn sàng, nên phía Việt Nam ra chuyến bay nào là hết chuyến đó.

Đại diện nhiều đơn vị lữ hành và doanh nghiệp nghỉ dưỡng cũng khẳng định rất rõ tiềm năng từ kinh tế golf, không chỉ với khách du lịch quốc tế, mà cả với khách du lịch trong nước. Nhưng dường như, điều khiến nhiều người đang khá khó hiểu, là “ánh nhìn” của cộng đồng về golf vẫn chưa thực sự cởi mở.

Chuyện nhà

Thời gian gần đây, khi dự án căn hộ hàng hiệu được hé lộ với mức giá cả vài trăm triệu đồng/m2 cho một căn chung cư, nhiều thành viên thị trường địa ốc cho rằng, đó là mức giá trên trời và sẽ chẳng có ai mua. Nhưng một lần nữa, thực tế lại mang đến câu trả lời đanh thép nhất.

Trao đổi cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Giám đốc Khối Kinh doanh của dự án căn hộ hàng hiệu đầu tiên tại Thủ đô cho biết, ngay khi ra hàng, quỹ căn hộ dành cho nhà đầu tư trong nước đã hết ngay sau một ngày mở bán, điều này cho thấy nhu cầu căn hộ siêu sang tại Hà Nội rất lớn.

Lý giải về sức hấp dẫn của bất động sản hàng hiệu, một sale chuyên bán hàng xa xỉ tại Hà Nội cho biết: “Bạn có thể hiểu đơn giản như thế này, tôi mua một cái túi hàng hiệu, chẳng hạn như Louis Vuitton, thì không đơn giản vì nó đẹp, độc, lạ, mà khi tôi mang nó bên người thì tôi được vào hội nhóm mua sắm của Louis Vuitton - nơi tôi có thể được gặp gỡ và trò chuyện với các đối tác làm ăn chuyên về thời trang, hay đơn giản là những người cùng chung sở thích với tôi, nghe tôi chia sẻ và đồng cảm về một vấn đề nào đấy. Với căn hộ cũng vậy, trong 3 nhu cầu chính của con người là ăn - mặc - ở thì việc “ở” cũng cần "nâng cấp". Không chỉ là ăn ngon, mặc đẹp, mà ở cũng phải sang”.

Những ví dụ nói trên mới chỉ đề cập được đến phần nào cách nghĩ, cách sử dụng đồng tiền của người giàu, như những lát cắt đơn lẻ. Và dù đây không phải là phân khúc phổ thông, nhưng nếu biết tận dụng, khai thác, vẫn có thể mang lại doanh thu và lợi nhuận khổng lồ cho những người khai phá.

“Bỏ cả trăm tỷ ra sở hữu một căn chung cư, thứ người mua muốn sở hữu có lẽ không chỉ ở tiện nghi, sự sang trọng, mà còn ở nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu, đó là khẳng định bản thân. Nếu bỏ đi những ánh nhìn dò xét, thì bất động sản hàng hiệu hay những lĩnh vực hàng hiệu khác đều mang lại nguồn thu đáng kể cho các bên tham gia kinh doanh, cho ngân sách, cũng phần nào cho thấy hình ảnh một Việt Nam năng động, phát triển vượt bậc”, đại diện một đơn vị phân phối chia sẻ.

Tin bài liên quan