Cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

“Người lính thời bình”trước áp lực phong ba kinh tế

(ĐTCK-online) Trước đây, buôn bán được coi là hạng cuối trong tứ dân “sĩ, nông, công, thương”, nay đội ngũ doanh nhân đã giữ vai trò quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế đất nước. Cùng với đà phát triển kinh tế và hội nhập, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp phát triển với quy mô lớn hơn, nhiều doanh nhân được xã hội tôn vinh, nhìn nhận tích cực. Tuy vậy, dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế đang đặt ra nhiều áp lực với những người đứng mũi chịu sào, nhất là khi ranh giới giữa cái đúng - sai nhiều khi chỉ là đường chỉ nhỏ.

Trò chuyện trong một cuộc gặp với giới doanh nhân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khẳng định: “Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các doanh nhân đã thực sự tạo một nguồn của cải vật chất khổng lồ, đóng góp vào sự phồn vinh của xã hội. Thật khó có thể hình dung nếu thiếu đi đội ngũ hùng hậu hàng chục vạn doanh nhân, đất nước sẽ mất đi một nguồn của cải lớn như thế nào và tốc độ phát triển các mặt khác của xã hội sẽ bị ảnh hưởng ra sao”.

Tăng nhanh, nhưng chất lượng doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Đến nay, cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, song quy mô doanh nghiệp còn quá nhỏ bé (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ), hầu như chưa có doanh nhân được các nước trong khu vực cũng như trên thế giới biết đến và hầu hết doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Theo khảo sát năm 2009 của một đề tài khoa học cấp nhà nước, có tới 41% doanh nhân chưa được bồi dưỡng kiến thức về quản trị kinh doanh, chỉ có 19% doanh nhân đã được bồi dưỡng về kiến thức quản trị kinh doanh từ 6 tháng trở lên. Bên cạnh đó, cả nước có 24% doanh nhân chưa biết ngoại ngữ nào và chỉ có khoảng 24% doanh nhân có trình độ tiếng Anh C trở lên.

Nói tới doanh nghiệp, nói tới làm ăn thì phải thu lãi, càng nhiều càng tốt. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề đáng nói ở chỗ, mục đích lợi ích phải đồng hành với phương thức làm ra lợi ích. Có những doanh nghiệp không chấp nhận kiếm lợi bằng mọi giá và quan niệm lợi ích chính đáng chỉ có thể có được trên cơ sở tạo điều kiện phát huy tiềm năng và vai trò tích cực trong phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng và giữ gìn thương hiệu.

Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp kiếm lời theo kiểu “ăn xổi”, tìm kiếm lợi ích không xuất phát từ gốc rễ nền tảng của doanh nghiệp, không xuất phát từ nguồn lực con người, tiềm năng khai thác tiến bộ khoa học công nghệ, từ thế mạnh của doanh nghiệp. Bài học đầu tư ngoài ngành tràn lan của một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân dẫn tới thua lỗ tài chính nặng nề trong 2 năm qua là một ví dụ. Giám đốc một công ty xây lắp đang niêm yết trên sàn HNX cho biết, lợi nhuận từ đầu tư bất động sản là rất lớn so với xây lắp. Đứng trên đôi chân cốt lõi để tìm kiếm thêm một chân bằng bất động sản là hướng đi mà doanh nghiệp này lựa chọn, nhưng người đứng đầu doanh nghiệp phải tỉnh táo, ham mê lợi nhuận quá mức và mù quáng chạy theo phong trào đầu tư dự án bất động sản có thể dẫn tới thất bại nhanh chóng. Điểm qua các doanh nghiệp niêm yết, đang có những công ty tài sản rất lớn nhưng cạn kiệt nguồn tiền và buộc phải lạm dụng khai thác vốn từ TTCK vừa gượng dậy sau cơn “bạo bệnh”. Không được “tiếp máu” kịp thời, doanh nghiệp có thể sụp đổ và trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu.

Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình, trong đó văn hóa doanh nhân là hạt nhân, bởi vì con người là gốc của doanh nghiệp. Mọi việc đều do con người làm ra. Mọi sự thành bại của danh nghiệp đều do doanh nhân tốt hay kém. Tại buổi hội thảo cuối tuần qua của VCCI, nhiều ý kiến cho rằng, để hội nhập thành công, nước ta phải có được nhiều công ty lớn và ít nhất dăm ba tập đoàn khu vực và toàn cầu. Vậy thì lợi ích doanh nghiệp nên được thể hiện ở ý chí quyết tâm làm giàu cho doanh nghiệp, cho doanh nhân, đất nước và xã hội. Không được giày xéo lên lợi ích cổ đông, rút ruột doanh nghiệp, làm hại cho xã hội, ấy là cái gốc đạo lý của mỗi doanh nghiệp.

Nhìn ra thế giới, trong tầng lớp doanh nhân hiện đại đã xuất hiện nhiều nhà kinh doanh vĩ đại, không phải vì sự giàu có của họ, mà trước hết chính là vì họ kinh doanh có văn hóa, mà một trong những nguyên tắc hàng đầu là hãy đem lại lợi ích cho khách hàng và cộng đồng xã hội. Những doanh nhân nổi tiếng thế giới hiện nay là những người đã làm cho các giá trị khoa học và văn hóa của nhân loại biến thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tốt nhất như máy tính, xe hơi, du lịch… để đông đảo người dân có thể tiếp cận. Một doanh nhân nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam hiện nay trong câu chuyện trà dư tửu hậu có nói ước mơ của ông là tạo ra một doanh nghiệp mà sản phẩm được coi như thương hiệu quốc gia như Toyota, Honda (Nhật Bản) như Sam Sung, LG (Hàn Quốc)… Với thực trạng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam hiện nay, mơ ước ấy có lẽ không sớm trở thành hiện thực.

Doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa sẽ được khách hàng, cộng đồng xã hội ủng hộ, tôn vinh và bảo vệ như bảo vệ lợi ích của chính họ. Nhưng để các doanh nhân ngẩng cao đầu làm ăn chân chính lại rất cần một môi trường kinh doanh bình đẳng và nhìn nhận tiến bộ của xã hội. Và chúng ta vẫn đang hy vọng sẽ có những đổi thay trong tương lai không xa.